(Baonghean) - Chơi đào đã trở thành một thú vui của người Việt trong những ngày Tết cổ truyền. Để có được những món “quà xuân” đó, người trồng đào phải chăm chút, nâng niu, còn người buôn đào cũng phải lắm công phu mới tìm ra được những cành đào ưng ý.
Nam Anh (Nam Đàn) là xã trồng màu nhưng duy nhất xóm 9 - xóm nằm sát dưới chân núi Đại Tuệ lại có nghề trồng hoa. Cây đào có ở vùng đất này lâu lắm rồi, nhưng ngày trước đào mọc tự nhiên, đến ngày Tết người dân chặt một hai cành về chưng. Nhưng khoảng mười năm lại đây đào bắt đầu có giá nên người dân xóm 9 đã biết trồng để kinh doanh như một món hàng hóa. Và nhiều người khá giả lên từ nghề này.
Thời điểm đầu tháng Chạp, nhiều cây đào ở xóm 9 đã bắt đầu hé nụ. Người “ngoại đạo” cho rằng như vậy là quá sớm vì phải hơn hai mươi ngày nữa mới đến Tết nhưng anh Phan Văn Toán – người có thâm niên trồng đào gần mười năm lại khẳng định: Giống đào phải ra hoa bây giờ thì đến dịp Tết mới đậu quả. Bởi từ đầu tháng Chạp đến Tết, đào phải nở ít nhất 3 lần hoa, lứa hoa đầu sẽ đậu thành quả. Như vậy, cành đào Nam Anh sẽ đầy đủ cả lá, hoa, quả. Đó chính là điều người chơi đào tìm đến.
Năm nay, vườn đào của gia đình anh Toán có gần 50 gốc, cây cao nhất cũng cao xấp xỉ trên hai mét. So với trồng các loại cây khác, trồng đào sử dụng đất ít, chi phí thấp vì tốn không nhiều phân bón và dễ chăm sóc nên mỗi một năm chỉ cần trồng “hay hay” trong vườn nhà đã có thể kiếm được tiền triệu. Tuy vậy, để đào phát triển đều, cho hoa đẹp thì người trồng cũng cần phải có nhiều kinh nghiệm như anh Toán cho biết: “Đào có khá nhiều sâu, nhất là sâu đục thân nên phải chú ý không cho sâu phát triển. Riêng mùa trổ lá rậm, thường từ tháng 3 đến tháng 4 thì phải tuốt lá. Đào mà cành nhỏ, không mập mạp thì cũng không thể cho hoa to, hoa đẹp”. Để khách dễ lựa chọn, năm nay bên cạnh giống đào truyền thống của vùng, anh Toán còn lấy thêm giống đào ở Thanh Hóa về trồng bởi đặc trưng đào Thanh Hóa là hoa to, màu hồng tươi rất đẹp. Tuy vậy, để hợp với “gu” chơi đào của người Nghệ, anh không tạo thế cho đào mà để đào phát triển tự nhiên. Thường thì phải sau 2 đến 3 năm chăm sóc 1 cây đào mới có thể cho thu hoạch, cây nào phát triển tốt có thể phát triển từ 2 đến 3 cành. Từ mùa thu hoạch thứ hai trở đi thì chỉ cần mất 1 năm. Một cành đào bán tại vườn cũng có từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Gia đình anh cũng chưa bao giờ phải đem đi bán vì chỉ từ 15 đến 20 tết là khách buôn đào đã đến đặt hàng tại vườn, những cành đào đẹp thì được đặt trước mấy tháng liền.
Cách khá xa nhà anh Toán là vườn đào của gia đình anh Phan Tất Dương. Đây cũng là gia đình có kinh nghiệm trồng đào lâu nhất ở Nam Anh với gần 100 gốc đào, chia thành hai khu vườn. Anh Dương nói rằng, trước đây anh được ông ngoại ở Qùy Hợp cho một cây đào về trồng tết cho vui. Không ngờ, đất ở đây hợp với đào đẹp không khác nào đào ở trên miền núi. Từ chỗ đào chỉ dùng để biếu người thân, nay anh đã có một "cơ ngơi" đào khá bề thế cho khách tha hồ lựa chọn. Ngoài cây đào ta, vài năm nay anh còn lặn lội tìm giống đào đá của Lào về trồng để chiều lòng khách “sành” chơi. Cây đào ta chen sắc đào đá trong vườn, mong tiết trời ấm dần lên để phô vẻ xuân mà tìm tay người biết thưởng lãm.
Theo ông Trần Văn Nam – Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Anh, hiện toàn xã có khoảng 150 hộ trồng đào. Tùy theo hoàn cảnh, người trồng ít, người trồng nhiều nhưng so với đào ở các vùng khác, đào ở Nam Anh thường “thuần”, dễ trồng, ít khi xảy ra tình trạng mất mùa. Thế nên, chỉ cần nhà trồng chừng chục gốc đào thì tết cũng đã có một khoản tiền không nhỏ. Đây lại chỉ là nghề phụ, tốn không nhiều công nên mấy năm nay người dân tự phát trồng nhiều và ngày càng được khẳng định tính hiệu quả về kinh tế. Người buôn đào thường chọn đào Nam Anh hay các loại đào ta khác có nhiều ở Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp bởi ít khi bị lỗ. Như Tết vừa qua, do thời tiết rét đậm kéo dài nên khi đào rừng, đào đá chưa thể ra hoa thì cây đào ta lại “lên ngôi" vì có nhiều lá, lộc và hoa ra đều.
Tuy vậy, để nói về những cây đào có giá trị thì phải là giống đào rừng, có đặc điểm thân, cành xù xì, thế tự nhiên, hoa to, cánh dày, lâu tàn thường được tìm thấy ở Kỳ Sơn, thậm chí ngược sang Lào, lên Sa Pa và các tỉnh vùng Tây Bắc. Người buôn sành sỏi, nếu may mắn gặp được hàng đẹp thì chỉ một cây đào có thể “một vốn bốn mươi lời”. Mà đào rừng thì phải kể đến Nghi Ân (Nghi Lộc), bởi đào góp mặt cho thị trường Vinh vào dịp sát tết đến hai phần ba là do người xứ này cung cấp. Hiện có đến hơn một nửa xã vùng này làm nghề buôn đào Lào, nhiều nhất là ở xóm 3. Còn người buôn “mát tay” thì không hiếm, như anh Nhị, anh Truyền, anh Tuấn, anh Khoa.
“Nói về nghề buôn đào thì cũng có nhiều chuyện vui, chuyện buồn. Nhưng ly kỳ nhất thì phải là những chuyến ngược Tây Bắc hoặc vượt đường biên sang Lào “săn” đào rừng. Để chuẩn bị cho một chuyến hàng, ít nhất cũng phải mất gần một tuần và thường thì phải đi theo nhóm để tránh nguy hiểm” – anh Lê Cường, xóm 3, xã Nghi Ân, một trong những người có thâm niên đi tuyến Noọng Hét (Xiêng Khoảng - Lào) thổ lộ. Buôn đào mỗi thời kỳ cũng có những cái “khó” khác nhau. Trước đây đào còn nhiều, thì khoảng 20 tết mọi người mới bắt đầu khởi hành. Đào ngày ấy dễ mua nên chỉ những cành đào to người dân mới lấy tiền, còn đào nhỏ thì họ biếu không. Tuy nhiên lúc ấy đường khó đi, thuê xe cũng khó nên chẳng mấy ai mặn mà. Giờ đường thông, việc qua lại biên giới hai nước thuận tiện thì không chỉ người buôn đào Nghệ An mà dân buôn ở các tỉnh phía Bắc cũng chạy sang Lào tìm đào. Thế nên, muốn săn được những cây đào to, đẹp, những người như anh Cường phải luồn vào các bản vùng sâu vùng xa, có nơi “thấy ô tô đến cả làng còn chạy ra xem” mới may mắn tìm được. Giá của một cành đào cũng không rẻ như trước kia mà người dân cũng đã biết “kì kèo”, nếu mình lưỡng lự người khác “chộp” ngay – anh Cường kể tiếp. Đào ở Lào họ cũng không bán theo cành như ở Việt Nam mà họ bán thành từng bó, người địa phương ra giá bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, không có quyền lựa chọn. Vậy nên, trong một bó đào đôi khi chỉ còn vài cành đẹp, còn lại xui xẻo thì toàn gặp phải “củi”.
Năm 2012, anh Cường có thể xem là người may mắn vì có cành đào anh bán được 45 triệu đồng, nhưng cả xã Nghi Ân năm vừa rồi là một năm thất bát và thiệt hại ước đến 5 – 7 tỷ đồng - ông Đặng Minh Ngạn (xóm 3) cho biết. Sở dĩ dẫn đến thiệt hại này vì năm ngoài trời rét, đào nở muộn. Nhiều gia đình bỏ hàng chục triệu đồng mua đào về tưởng đến Tết đào sẽ ra hoa nhưng sát tết “thúc” bao nhiêu đào vẫn trơ như khúc củi. Ngay như ba người con ông Ngạn, kinh nghiệm lâu năm là vậy nhưng chỉ có anh con trai đầu là “thắng” còn lại người nào cũng thiệt tiền triệu. Điều đáng ngạc nhiên là dù nghề buôn đào có may rủi, trăm phận nhờ vào thời tiết nhưng dù năm trước thua hay thắng thì người dân vẫn không nản lòng. Sang năm mới, người dân Nghi Ân lại rạo rực, gom hết vốn liếng để tiếp tục đi buôn đào. Học sinh, sinh viên cũng tranh thủ thời điểm này về nhà để đi làm thêm, mỗi một cành đào bán ra cũng có thể được trả công từ 50 – 100 nghìn đồng.
Cũng nhờ "lao tâm khổ tứ" với loài hoa của mùa xuân mà nhiều lúc đào cũng không phụ công người. Theo những người dân kháo nhau, kỷ lục cao nhất ở Nghi Ân là một cây đào giá 60 triệu đồng, do anh Nghinh bán cho một “đại gia” ở Vinh năm vừa rồi, còn đào tầm 30, 40 triệu đồng thì năm nào cũng có một vài cây. Những người buôn đào lâu năm có nhiều đào đẹp và độc cũng không phải đi bán ở chợ hoa mà sát tết chỉ cần hàng về là người sành chơi tự động tìm đến. Buôn đào lại có cái thú là tìm được người tri kỷ, ví như nếu chỉ cần gia chủ và người mua hợp nhau, cùng say một giáng đào thì dù biết giá có rẻ cũng chặc lưỡi cho qua. Hoặc đôi khi, biết là đào đẹp, đào độc nhưng đợi mãi cũng chẳng gặp khách. Vui buồn là thế, nên người trồng đào và cả người buôn đào như có một cái “nghiện” và xem đó là một cách để thưởng thức xuân. Để rồi, dù "một nắng hai sương" chốn vườn đào, hay phải “ăn đường ngủ chợ” trên những nẻo tìm đào họ vẫn thấy lạc quan, thấy hạnh phúc vì được đem mùa xuân về cho mọi nhà.
Mỹ Hà – Khánh Ly