(Baonghean) - Năm 2013 là năm đánh dấu sự vượt trội về mọi mặt trong lĩnh vực xúc tiến và thu hút đầu tư. Từ lãnh đạo tỉnh cho đến các ngành, các huyện đều đã vào cuộc quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Sự kiện xúc tiến đầu tư  đáng chú ý trong tuần đầu năm 2014, mở đầu cho những triển vọng tốt đẹp trong tương lai là sự kiện khai trương đường bay Vinh - Viêng Chăn. Đây là một nỗ lực của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, hãng Hàng không Vietnam Airline, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An. Sự kiện này càng tô thắm thêm “Tình  sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”  của nhân dân hai nước Lào - Việt vốn đang được xây đắp ngày càng bền chặt. Báo chí trong nước và đặc biệt là các tờ báo của Lào đều đánh giá cao sự kiện thiết thực này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, học sinh, sinh viên và giới doanh nghiệp, doanh nhân. Việt Nam hiện có 222 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ USD. Hiện nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Tổng Công ty Đầu tư hợp tác Việt - Lào, Tổng công ty Viettel... là những doanh nghiệp đang có dự án đầu tư tại Lào. Công ty TNHH Thanh Thành Đạt hiện đang có những dự án tại Lào như khai thác và xuất khẩu gỗ tại tỉnh Bôlykhămxay, luyện thép và cán tôn, trồng rừng.

Ông Nguyễn Thế Trâm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt Lào – Nghệ An nhận xét: “Việc mở được đường bay Vinh - Viêng Chăn đã nâng cao hơn vị thế của Nghệ An, từ nay Sân bay Vinh đã là sân bay quốc tế góp phần vào phát triển kinh tế, kết nối du lịch, tạo thuận lợi  hơn rất nhiều trong quá trình đi lại cho các nhà đầu tư, trong đó có công ty chúng tôi”.  

Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng khẳng định: “Việc mở được đường bay Vinh - Viêng Chăn trong ngày 13/1/2014 là một sự kiện quan trọng, khiến cho con đường đến với Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Lào, các nhà đầu tư Lào, các nhà đầu tư vùng Đông Bắc Thái Lan được rút ngắn, tạo cơ hội cho hợp tác đầu tư giữa Nghệ An với Lào, Thái Lan ngày một hiệu quả trên những kết quả đã có của các năm trước. Đây cũng là một nỗ lực lớn của Nghệ An trong năm 2013”.
 
Trước đó, tại Nghệ An, VietJet Air  đã khai trương đường bay Vinh - Đà Lạt với 3 chuyến/tuần. Với tần suất dày đặc các chuyến bay từ Vinh- Sài Gòn, Vinh- Hà Nội, rồi Vinh - Đà Lạt, Vinh - Viêng Chăn... cho thấy nhu cầu đến Nghệ An và tốc độ tăng trưởng của các đường bay này rất lớn và hiệu quả, giai đoạn 2012-2015 tốc độ tăng trưởng của Cảng Hàng không Vinh đạt 15- 30%/ năm.
 
Từ mối quan tâm đầu tư đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động thu hút đầu tư, Nghệ An đã có nhiều giải pháp, nhiều kênh kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đáp lại đã có nhiều đoàn từ các tỉnh bạn, các đoàn quốc tế, các tổ chức nước ngoài; các nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác, đầu tư đến với Nghệ An. Năm 2013 là năm có số đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Nghệ An nhiều nhất từ trước đến nay. Tính đến 15/11/2013, có 26 lượt đoàn, tổ chức đến từ các nước Hàn Quốc; Nhật Bản; Slovakia, Séc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hong Kong đến làm việc với Nghệ An.
 
Ngoài ra còn có các Tập đoàn Hoa Sen, Becamex Bình Dương, Nguyễn Kim, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tập đoàn FPT, Vinakansai, Tập đoàn Sam Sung … đến và tìm hiểu  môi trường đầu tư tại Nghệ An. Từ các đoàn khách này, mở ra nhiều triển vọng mới về hợp tác đầu tư trong những năm tới. Như các dự án của Becamex Bình Dương, nhà máy giấy của Nhật, các dự án vận động ODA để Nhật Bản tài trợ, hợp tác giữa Thành phố Vinh và Nhật Bản, Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh giữa UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn FPT,  Nhà máy sản xuất tấm lợp cán tôn của Tập đoàn Hoa Sen; Xi măng tại Đô Lương của Tập đoàn xi măng The Vissai Ninh Bình; Cụm dệt may của Tập đoàn Dệt may; Tổ hợp sản xuất chế biến nông sản; Tinh dầu cao cấp của Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An, ...
 
Sau khi tổ chức thành công các sự kiện lớn về xúc tiến đầu tư như Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Quý Tỵ 2013 gắn với sơ kết 5 năm hợp tác xúc tiến đầu tư giữa UBND tỉnh Nghệ An, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); với sự tham dự của gần 500 đại biểu, tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc tại Tuyên Quang, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Nghệ An tại Hà Nội, phối hợp với Cơ quan Xúc tiến KOTRA Hà Nội và trực tiếp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm đầu tư từ các tỉnh,  Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn (đã có 14 cuộc gặp gỡ, làm việc với các chính khách Nhật Bản, các nhà đầu tư và tổ chức 2 cuộc hội thảo, tọa đàm với gần 150 doanh nghiệp Nhật Bản), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả trong vận động xúc tiến đầu tư năm 2013. 
 
Báo cáo của Sở KH và ĐT cho biết: Năm 2013, tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 72 dự án/12.885 tỷ đồng, cụ thể: Đầu tư trong nước: 67 dự án ,/12.464,15 tỷ đồng; Đầu tư nước ngoài (FDI): 5 dự án/ 21,081 triệu USD.  Phân theo lĩnh vực đầu tư: Lĩnh vực công nghiệp: 46 dự án/10.286,04 tỷ đồng và 21,081 triệu USD (gồm: Khoáng sản: 22 dự án/299,87 tỷ đồng; Bất động sản: 8 dự án/7.283,96 tỷ đồng; Công nghiệp khác: 15 dự án/2.702,2 tỷ đồng và 21,081 triệu USD); Lĩnh vực thương mại, du lịch: 20 dự án/1.562,12 tỷ đồng; Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: 2 dự án /245,0 tỷ đồng; Lĩnh vực giáo dục, y tế: 4 dự án/371,0 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như: Nhà máy sản xuất hàng may sẵn GSI Vina của Công ty TNHH Global Sourcing International  tại KCN nhỏ Nghi Phú; dự án đầu tư gia công sản xuất bu lông ốc vít của Hàn Quốc tại KCN nhỏ Nghi Phú, Sản xuất nước tinh khiết, nước sạch và nước sinh hoạt và dịch vụ tổng hợp ở Quỳnh Dị, Hoàng Mai; dự án chợ và khu phố thương mại của Công ty CP Hà Huy tại khối Quang Trung, Quang Tiến - Thái Hòa, chuyển đổi cơ cấy mùa vụ, trồng cây cỏ ngọt Stevia làm nguyên liệu chiết xuất đường Reb- A tại tỉnh Nghệ An….
 
Hầu hết các dự án được cấp mới trong năm 2013 đang triển khai hoàn thiện các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư như đánh giá tác động môi trường, bồi thường, GPMB, thuê đất và cấp phép xây dựng. Một số dự án được cấp trong năm 2012 đã triển khai nhanh như: Dự án Đầu tư  xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam tại KCN Nam Cấm, Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao, Đầu tư gia công cơ khí, sản xuất bu lông, ốc vít (Hàn Quốc); Nhà máy sản xuất hàng may sẵn GSI VINA (GSI Hàn Quốc); Nhựa Tiền Phong (Khu Công nghiệp Nam Cấm); Công ty may Nhật Bản (Yên Thành)… Vốn thực hiện của các dự án cấp mới trong 2013 ước đạt 27,5% vốn đăng ký. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết cho gần 12.000 lao động. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2012, thu hút đầu tư trong nước năm 2013 chỉ bằng 96% số lượng dự án nhưng bằng 125,95% số vốn đăng ký; số lượng các dự án FDI đang còn hạn chế. 
 
images915686_thi_cong_du_an_cap_nuoc_phu_can_thanh_pho_vinh..jpgXây dựng dự án cấp nước phụ cận Vinh từ nguồn vốn ODA Phần Lan.
 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 36 chương trình, dự án ODA đang triển khai. Tổng mức đầu tư lên đến 15.266 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 11.598 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 76 %, vốn đối ứng 3.668 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24%. Tỉnh đang  vận động các dự án mới: 10 dự án, trong đó: Giáo dục - đào tạo 2 dự án; Nông nghiệp và PTNT 3 dự án; Thoát nước thải 1 dự án; Xây dựng bệnh viện 3 dự án; Công nghệ thông tin 1 dự án..
 
Tuy nhiên hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, mong mỏi,  chưa phát huy hết tiềm năng của tỉnh.  Số dự án đầu tư trong KKT và các KCN còn quá ít so với cả tỉnh (9/72 dự án, trong đó đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ có 2 dự án/20 triệu USD vốn đăng ký). Thực tế cho thấy, mặc dù đã mở đường, rải thảm, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng những dự án lớn vẫn đang còn vận động. Để thu hút được những dự án lớn làm đòn bẩy, tạo sức nặng cho công nghiệp của tỉnh đòi hỏi công tác GPMB, mặt bằng sạch, hạ tầng, tâm huyết của cán bộ, địa phương dành cho thu hút đầu tư càng phải quyết liệt hơn. Hiện nay một số các huyện đã chủ động thu hút đầu tư như Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, song một số huyện vẫn chưa nhiệt tình, coi đó là chức năng của tỉnh. 
 
Năm 2014, mục tiêu cụ thể của Nghệ An là thu hút đầu tư được 75 - 85 dự án trên các lĩnh vực với tổng mức vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.000 - 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng tỷ lệ các dự án đầu tư lớn, dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI); với định hướng thu hút các dự án là sản xuất sản phẩm công nghệ cao gắn với tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên Nghệ An như công nghiệp nhiệt điện, sản xuất xi măng, thép, gốm sứ, đá Granite, đá trắng; vật liệu xây dựng; giấy;  Các dự án công nghiệp hỗ trợ; sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa; công nghiệp cơ khí chế tạo: sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô, mô tô; máy nông nghiệp, máy xây dựng, máy phục vụ sản xuất khác; sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác; Sản xuất trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm. Xây dựng cơ sở hạ tầng: Khu công nghệ cao, các KCN: Thọ Lộc, Nam Cấm; KCN Đông Hồi, Hoàng Mai 2; các cụm công nghiệp; Hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, rác thải; tái chế, sử dụng chất thải; Hệ thống đê chắn sóng và luồng tàu tại Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng Đông Hồi; công viên phần mềm...
 
Châu Lan