(Baonghean) - Mặc dù hạ tầng kỹ thuật của Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các khu công nghiệp (KCN) chưa được đầu tư đồng bộ, nhưng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư… nên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Văn Viễn – Tổng Giám đốc Nhà máy nhựa Tiền Phong cho biết: “Trước đây doanh nghiệp đã tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất tại Thanh Hóa, nhưng sau khi đến Nghệ An tìm hiểu cơ chế, chính sách và mặt bằng… thì doanh nghiệp quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Nam Cấm. Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành ở tỉnh và nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư, bàn giao mặt bằng… từ tháng 5/2012 khởi công dự án và đến tháng 9/2013 chúng tôi hoàn thành nhà máy sản xuất ống nước dân dụng, công nghiệp trên diện tích 4,3 ha tại khu C với giai đoạn 1 là 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy cũng như khi đi vào sản xuất, doanh nghiệp luôn được các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, nên Nhà máy nhựa Tiền Phong tại KCN Nam Cấm sản xuất – kinh doanh rất hiệu quả”. Được biết, dự án này có vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, do Công ty TNHH nhựa Tiền Phong – Hải Phòng làm chủ đầu tư và sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, đã sản xuất hơn 1.300 tấn sản phẩm nhựa các loại, doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng, đồng thời giải quyết hơn 100 lao động có việc làm ổn định. Với sự khởi đầu tốt đẹp này, nhà máy đặt ra mục tiêu năm 2014, sản xuất 10.000 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 380 tỷ đồng và trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 tại KCN Nam Cấm.
Phần lớn các nhà đầu tư tại Nghệ An đều ghi nhận và đánh giá cao sự thông thoáng, cởi mở của chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và cộng với đó là việc cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, đúng quy định của pháp luật, nên đã “giữ chân” được nhà đầu tư và điều này được chứng minh cụ thể từ những con số đầy thuyết phục, là cho đến nay tại KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 107 dự án đầu tư (trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài ) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 18.520 tỷ đồng và 1.095,45 triệu USD. Đến nay đã có 55 dự án đi vào hoạt động.
Sản xuất thực phẩm tại Khu Kinh tế Đông Nam. Ảnh: Hữu Nghĩa
Với quyết tâm tạo ra bước đột phá trong phát triển KKT Đông Nam và các KCN, song song với việc thường xuyên đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với thực tế, tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong GPMB… tỉnh ta đã tổ chức nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Nghệ An, đặc biệt là thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến các dự án tại KKT Đông Nam, các KCN như: Dự án sản xuất sản phẩm thép của Tập đoàn tôn Hoa Sen; Dự án xây dựng hạ tầng KCN – Đô thị của Tổng Công ty Becamex Bình Dương; Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập II; Dự án may găng tay xuất khẩu của Pakistan; Dự án SUMIDA của Nhật Bản; dày xuất khẩu của Công ty Nam Đàn Vạn An… Chính vì vậy, mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước còn gặp khó khăn, nhưng năm 2013 trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào Nghệ An vẫn đạt được kết quả khả quan.
Ban quản lý KKT Đông Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 10 dự án (trong đó 8 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký là 167,154 tỷ đồng và 20 triệu USD. Ông Ba Thường – Giám đốc điều hành Dự án Royal Foods Thái Lan tại KKT Đông Nam cho hay: “Nghệ An có điều kiện rất thuận lợi và vị trí phù hợp đáp ứng được yêu cầu để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuộc lĩnh vực của chúng tôi, nên sau khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKT Đông Nam, thì năm 2013, chúng tôi quyết định đầu tư 10 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến cá hộp với công suất 21.800 tấn sản phẩm/năm. Được Ban quản lý KKT Đông Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư thực hiện dự án, nên hiện nay nhà máy triển khai đúng tiến độ”.
Thời gian qua, các cấp, ngành liên quan và nhất là Ban quản lý KKT Đông Nam đã thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cùng với đó là nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam và các KCN để sản xuất – kinh doanh có hiệu quả. Từ đó, tạo được giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất công nghiệp của năm 2013 đạt 4.000 tỷ đồng, doanh thu 7.000 tỷ đồng, xuất khẩu 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 600 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động…
Rõ ràng, trong điều kiện doanh nghiệp hoạt động khó khăn như thời gian qua, thì tại KKT Đông Nam, các KCN vẫn thu hút được những dự án đầu tư mới và nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh hiệu quả, đây là tín hiệu vui để năm 2014, KKT Đông Nam, các KCN tại Nghệ An có được động lực mới vươn lên.
Hoàng Vĩnh