Khi chúng tôi học, trong giáo trình Học viện Chính trị Quốc gia định nghĩa: “Tham nhũnglà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức,...”. Ngày nay, người ta còn có thêm “tham nhũng khủng”, “tham nhũng vặt”! Đó là chưa kể lại có khái niệm mới là “tham nhũng quyền lực”, “hối lộ tình dục”,... mà những năm ấy chưa có trong giáo trình?
Để phân biệt với tham nhũng lớn, có thể nói: Tham nhũng vặt là hành vi “lạm dụng quyền lực được giao của các cán bộ, công chức cấp thấp và cấp trung gian trong tương tác hàng ngày với người dân, thường khi người dân có nhu cầu tiếp cận với hàng hóa hoặc các dịch vụ cơ bản như bệnh viện, trường học, cảnh sát và các cơ quan khác”,...
Tham nhũng lớn, “khủng” thường là những vụ việc xảy ra ở cấp cao, doanh nghiệp lớn, giữa các quan chức với nhau,... thì “tham nhũng vặt” thường là của quan chức cấp thấp và cấp trung gian. Tham nhũng “vặt” thường diễn ra có tính chất thường xuyên, trực tiếp với người dân, thể hiện dưới dạng “làm trái”, “vi phạm chính sách”, những khoản hối lộ có giá trị nhỏ, bằng tiền, hiện vật mà người dân và doanh nghiệp phải trực tiếp trả cho cán bộ, công chức để đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ công,... Sự phân biệt này cũng chỉ là tương đối, mang tính định tính, không mang tính định lượng. Đã có thông tin, có vị coi “dăm bảy tỷ” thuộc dạng “tham nhũng vặt” – người lao động nghĩ mà “hết hồn”?
Gọi là “vặt” nhưng đó là những hành vi vi phạm pháp luật, đều là tệ nạn xã hội, cần phải đấu tranh để xóa bỏ. Gọi là “vặt” nhưng hậu quả lại rất lớn.
Tham nhũng vặt gắn với việc cung cấp các dịch vụ công phổ biến, như giáo dục, y tế, thủ tục hành chính,… thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, gắn với cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo. Có thể khi chạy cho con vô lớp chọn, khi cấp “sổ đỏ” nhanh hơn, khi được xếp hộ nghèo, khi vi phạm an toàn giao thông,... ai có thêm khoản “bôi trơn” thì sẽ được việc - thiên hình vạn trạng, kể cả ngày không hết. Người nghèo là nạn nhân của tham nhũng vặt. Đã nghèo, lại phải chi ra một khoản để tiếp cận với những dịch vụ này sẽ tác động trực tiếp và đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người dân, đã nghèo lại nghèo thêm.
Tham nhũng vặt có tác động tiêu cực, lâu dài đến chất lượng quản trị nhà nước và môi trường pháp lý của một quốc gia, phá mất kỷ cương, phép tắc của địa phương, đơn vị. Vì muốn tham nhũng vặt nên họ nặn ra các “giấy phép con”, các quy định dưới luật và thủ tục rườm rà để tăng cơ hội bòn rút tiền của từ người dân và doanh nghiệp. Ăn quen bén mùi - cũng từ đây mà tệ nạn “cò” (có đủ loại cò) ký sinh vào từng loại dịch vụ, từng cơ quan, đơn vị, vừa hành dân, vừa làm hư hỏng đội ngũ công chức.
Khi tham nhũng vặt hoành hành, việc hối lộ còn vì mục đích trốn thuế, từ đó giảm nguồn thu ngân sách.
Hậu quả lớn nhất, nặng nề nhất, nguy hại nhất, chua xót nhất của tệ tham nhũng vặt là Nhân dân mất niềm tin với Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Người dân, nhất là dân nghèo mỗi khi tiếp cận với các dịch vụ công là phải nghĩ đến “phí bôi trơn”, “phí lót tay”, “phí qua cửa”, “tiền boa, bồi dưỡng”,... những công chức tham nhũng vặt trở thành những kẻ “cướp cạn, cướp ngày” ký sinh trên người dân lương thiện. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bị họ làm méo mó đi dưới nhiều phương diện.
Trong thời gian qua, nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt vẫn rất phổ biến, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó phát hiện, tiếp tục gây ra nhiều bức xúc trong Nhân dân. Cũng phải nói rằng có một số người dân vì muốn được việc cũng vô tình tạo cơ hội, tiếp tay cho tệ tham nhũng vặt.
Tham nhũng vặt là “căn bệnh” rất khó chữa trị một cách nhanh chóng, triệt để. Việc phòng, chống, đấu tranh với tệ tham nhũng vặt vẫn còn vô cùng gian nan. Muốn có kết quả bền vững, cần kết hợp nhiều giải pháp phòng, chống thường xuyên với ý chí, quyết tâm chính trị mạnh mẽ.
Cần quán triệt sâu rộng tác hại của tham nhũng vặt trong đội ngũ công chức, trong Nhân dân. Nên tổ chức ký cam kết và có chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với công chức làm việc trong các lĩnh vực dễ nảy sinh tệ nạn này. Cần phải thực hiện theo hướng giảm thiểu, công khai, đơn giản và minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp dịch vụ công, giảm thiểu hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức và người dân, doanh nghiệp khi xử lý các thủ tục hành chính. Ứng dụng việc cung cấp dịch vụ qua điện thoại di động. Tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm. Cũng nên học tập các nước tiên tiến đã thành công trong việc kết nối nhanh các số điện thoại khẩn cấp; ứng dụng mạng xã hội và kiên quyết loại bỏ những công chức Nhà nước khi họ thực hiện không nghiêm túc những quy định đã cam kết.