Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã rất quan tâm chỉ đạo nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, với nguyên tắc “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trót “nhúng chàm” đã phải chịu bản án pháp luật nghiêm minh.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng vẫn còn thấp, đạt trên 30%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng có chức, có quyền, có địa vị sẵn sàng “nhúng chàm”, sẵn sàng vượt qua ranh giới để có được nguồn tiền bất chính và xác định: Nếu có bị phát hiện thì sẵn sàng ngồi tù để giữ nguyên được tài sản tham nhũng.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần xem xét đến việc thực hiện luật hồi tố, không thể có chuyện chia cho người nọ, người kia giờ không có cơ sở để xem xét.
P.V: Dưới góc nhìn của mình, ông có thể cắt nghĩa vì sao việc thu hồi tài sản lại thấp đến như vậy?
Ông Phạm Thế Duyệt:Đối với việc thu hồi tài sản thấp, trực tiếp là những bị can, người phạm tội đã không trung thực để thực hiện kết luận của vụ án đã tuyên, chỉ có họ mới hiểu đầy đủ tất cả.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng không được nhiều, theo tôi chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chúng ta có cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, có cơ quan tư pháp mà lại chịu không làm thế nào để thu hồi được. Chúng ta bổ nhiệm không đúng người, hoặc bầu lên nhưng để cho họ thoái hóa, biến chất mà không ngăn chặn để dẫn đến hành vi phạm tội. Khi họ phạm tội chỉ là biểu hiện hành động, còn thực sự trong suy nghĩ của họ đã có ý định, làm việc gì kiếm lợi việc ấy; ở đâu kiếm được thì bằng mọi cách, mọi giá tìm người thân, phe nhóm, kẽ hở để “rút ruột” của Nhà nước, của nhân dân.
Quản lý bằng cách nào? Giấu ở đâu, cho ai, gửi nước ngoài thế nào? Hiểu sâu sắc vấn đề này chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những cơ quan này phải thực hiện hết trách nhiệm của mình.
P.V: Đối tượng tham nhũng luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, tẩu tán tài sản, thậm chí là cố tình vi phạm để “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Ông bình luận gì về thực tế này?
Ông Phạm Thế Duyệt:Đối tượng tham nhũng luôn nghĩ đến việc “Hy sinh đời bố củng cố đời con”, nhưng ở thế hệ chúng tôi khó có chuyện đó. Cơ chế thị trường, đối tượng tham nhũng có thể nghĩ vào tù thì cứ vào, nhưng nhất định vợ con sẽ sung sướng. Qua đây, có thể xem xét đến những quy định, luật pháp liên quan, lúc cần thiết, với những vụ việc đã xảy ra, đã có kết luận tham nhũng rõ ràng, tòa án đã xử, có thể bổ sung vào việc thực hiện luật hồi tố, không thể có chuyện chia cho người nọ, người kia giờ không có cơ sở để xem xét. Những người đã nhận của cải bất minh thì cũng rất dễ chứng minh.
Là người làm công tác quần chúng, vận động, tôi quan tâm đến việc người dân nghĩ thế nào. Bác Hồ nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vậy người dân đã có ý kiến chưa, từ khu dân cư, cơ quan, các mối quan hệ với đương sự phạm tội, theo tôi phải làm cho rõ những trách nhiệm thì sẽ ra vấn đề thôi.
Cơ thể mạnh, khỏe, bệnh tật không dễ gì xâm nhập được
P.V: Những bất cập, khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp cũng là vấn đề mà nhân dân rất băn khoăn và các phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của chúng ta?
Ông Phạm Thế Duyệt: Đã từng chịu trách nhiệm trước Đảng để lo công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở khóa VIII, tôi nghĩ việc này cần phải nhìn ở 2 góc độ.
Một mặt, thấy rằng, Đảng ta có công lớn đối với nhân dân. Hơn 90 năm lãnh đạo, nhân dân rất tin vào Đảng và luôn mong Đảng lúc nào cũng vững mạnh, đầy đủ uy tín để lo công việc của nhân dân, của đất nước, giữ gìn chế độ. Dù kẻ xấu cố ý lợi dụng, chống phá, cũng chỉ là số rất ít, chúng ta không phải ngại. Nhân dân ta là dân cách mạng, rất tốt.
Điều thứ hai tôi nghĩ, đối với sự việc này cần phải nghĩ rằng, chúng ta đã có những thiếu sót trong một thời gian khá dài, chưa kiên quyết làm. Giá mà cứ kiên quyết liên tiếp thì chắc chắn việc có thể vẫn còn nhưng sẽ đỡ.
May mắn là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, rồi Trung ương 4 khóa XII, mới lại dấy lên được lòng tin của dân, của đảng viên, của cán bộ đối với Đảng. Tôi cho rằng, những cán bộ có chức, có quyền mới có điều kiện để tham nhũng, cho nên việc lựa chọn cán bộ là khâu rất quan trọng.
Nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, nếu không kiên trì, kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực, quan liêu, xa rời dân và không có thái độ rõ với vấn đề này, thì đó là thử thách đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, là thách thức đối với sự tồn vong của chế độ.
Ngẫm từ những điều đó, tôi cho rằng, chúng ta phải quyết tâm hơn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Được như vậy, chúng ta không phải ngại, sợ những phần tử xấu. Ta mạnh, khỏe, bệnh tật không thể xâm nhập vào được. Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra, “một bộ phận không nhỏ" cán bộ vi phạm. "Bộ phận không nhỏ ấy" lại rơi vào số ít của những người lãnh đạo, thì sẽ càng nguy hiểm. Đây là vấn đề nói ra không được vui, nhưng phải thẳng thắn thấy được để kiên quyết khắc phục.
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở chỗ: Đảng không chỉ có nhăm nhăm xử lý cán bộ, phải tạo điều kiện để chọn cán bộ đúng. Đó mới là cái chính. Có những em bé phải tự mình bươn trải, chỉ kiếm được vài chục nghìn một ngày, nhưng khi nhặt được hàng chục, hàng trăm triệu vẫn mang trả lại. Vậy tại sao một cán bộ Nhà nước lại có tư tưởng tham nhũng đến vậy? Đây là điểm mà Đảng cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn, xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ. Tôi cho rằng đó là cái gốc của vấn đề.
Ý thứ hai tôi hoan nghênh là nhân văn gì thì nhân văn nhưng đúng sai thì phải rõ, xử lý phải kiên quyết. Chúng ta không xử lý cực đoan, một chiều nhưng vụ việc đáng phải xử lý đến mức nào thì phải xác định cho đúng, làm cho dân ai cũng tâm phục, khẩu phục, ai cũng tin thì như thế mới có ý nghĩa.
P.V
Ông Phạm Thế Duyệt:Phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tôi thấy rằng, sự vào cuộc của Đảng đã tương đối mạnh và quyết liệt. Nhưng sự quyết liệt ấy mới chỉ dừng lại ở cấp trên. Nếu nhìn vào cấp ủy ở tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là cấp huyện, cấp xã thì đừng vội nghĩ là mình đã có phong trào.
Chống Mỹ thì có chiến sĩ diệt Mỹ, nhưng mà chống giặc nội xâm thì chưa thấy ở đâu biểu dương cả. Có ở đâu dám nói, cấp ủy của tôi đã làm tốt vấn đề này? Cấp ủy của tôi đã phát hiện vấn đề này mà không cần chờ sự vào cuộc của Trung ương. Các hội nghị tổng kết thi đua 5 năm đã có những điển hình nào nêu được những vấn đề này. Khi nào trả lời được những câu hỏi đó thì chúng ta mới thấy được sự vững chắc của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Thêm vào đó, nếu chúng ta làm tốt được việc thu hồi tài sản nữa thì dân chúng sẽ rất hoan nghênh.
Muốn chọn cán bộ tốt phải dựa vào dân
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi rất quan tâm tới yếu tố con người. Cán bộ này là do ai xây dựng? Do ai đào tạo? Do ai bồi dưỡng, kiểm tra, kiểm soát? Chính là Đảng. Mà Đảng thì lại dựa vào dân, vì Đảng là của nhân dân.
Cho nên tới đây phải làm thật tốt khâu cán bộ.
Vào năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc". Theo tôi, chỉ cần thấm nhuần và vận dụng được cuốn sách ấy thôi thì người đảng viên đã trưởng thành, đã vững vàng biết bao nhiêu, vượt qua cám dỗ cá nhân biết bao nhiêu.
Cán bộ phải tự biết phê bình, tự biết rèn luyện, nâng cao trình độ, tự sửa chữa sai lầm, tự biết đặt mình dưới sự kiểm tra của nhân dân. Cán bộ đừng có ba hoa!
Tất cả những điều đó Bác dạy rất cụ thể.
Bây giờ chúng ta phải nhanh chóng lo cho đội ngũ cán bộ trước mắt không vấp vào những lỗi ấy nữa, nhanh chóng xây dựng đội ngũ kế cận. Một đội ngũ không thờ ơ với lý tưởng cách mạng. Thế hệ mai sau như thế nào là điều không thể không lo từ bây giờ.
Cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh thêm vào việc lựa chọn cán bộ. Muốn chọn được cán bộ tốt nhất định phải dựa vào nhân dân. Bởi chẳng có gì nhân dân không biết cả. Hãy dựa vào đó để mà sửa đổi, xây dựng con người.
Tôi đã từng có trách nghiệm nên tôi dám nói rằng, với cán bộ được đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm sai thì người đứng đầu phải chịu trách nghiệm. Con người là yếu tố quyết định nhất. Mọi sự tham nhũng mà xảy ra từ khâu tổ chức cán bộ, tổ chức con người là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tham nhũng tai hại khác.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và đồng phạm phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng mới thi hành được trên 21 tỷ đồng.
Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng.
Trong vụ án kinh tế Hứa Thị Phấn, tòa tuyên kê biên thu hồi tài sản là quyền sử dụng hàng chục lô đất nông nghiệp mà bà Phấn đã thế chấp để chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, hơn 50 quyền sử dụng đất, ước tính giá trị hàng nghìn tỷ đồng, đến nay đều đã hết hạn sử dụng. Theo luật, chỉ khi bà Phấn làm thủ tục gia hạn, cơ quan thi hành án mới có thể bán đấu giá để hoàn tiền về cho Nhà nước.
Đến cuối tháng 4 năm nay, bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ nộp được 4,5 tỷ đồng trên tổng số 630 tỷ đồng phải thi hành trong 2 vụ án.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam cũng mới chỉ thi hành xong 31 tỷ đồng, còn 91 tỷ đồng phải nộp chưa thu hồi được.
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện mới đạt trên 30%, dù đã tăng gấp 3 lần so với năm 2013, nhưng vẫn còn rất thấp.