Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Thường trực Quân ủy ký bức điện gửi đến toàn mặt trận với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Nói rõ hơn về ý nghĩa của bức điện lịch sử này, Đại tá, Tiến sĩ Vũ Ngọc Thủy - Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự, Học viện Quốc phòng cho rằng, trong thời khắc lịch sử đó, bức điện của Đại tướng vừa là mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh nhưng đồng thời cũng là lời hịch để cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.

daitavungocthuy_orlv.jpgĐại tá Vũ Ngọc Thủy.
PV: Thưa Đại tá, bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận với những câu từ ngắn gọn và tràn đầy khí tiến công. Đại tá có cho rằng, đó không chỉ đơn thuần là bức điện mà nó còn là lời hịch cổ vũ cho toàn quân quyết chiến và quyết thắng quân xâm lược?

Đại tá Vũ Ngọc Thủy: Bức điện là mệnh lệnh đúng thời điểm để các cánh quân của ta trên các chiến trường thực hiện kế hoạch chớp thời cơ, nhanh chóng tổ chức các hướng, hình thành thế bao vây và tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trong thời khắc lịch sử đó, bức điện của Đại tướng vừa là mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh nhưng đồng thời đây cũng là lời hịch để cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường. Vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến, với những cụm từ ngắn gọn, mệnh lệnh của Đại tướng đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó, đã thần tốc rồi thì cần phải thần tốc hơn nữa, táo bạo rồi thì cần phải táo bạo hơn nữa với mục tiêu là giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia
PV: Như thế, mệnh lệnh của Đại tướng đã trở thành lời hiệu triệu thôi thúc các cánh quân với tinh thần là “một ngày bằng hai mươi năm để tiến về Sài Gòn”, thưa Đại tá?

Đại tá Vũ Ngọc Thủy: Mệnh lệnh đó đã được truyền đạt với quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường; tới mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ để chủ động, sáng tạo hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Cả dân tộc ta đã ra quân với khí thế ấy, nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân với tư tưởng mở đường mà tiến, đánh địch mà đi, tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn giải phóng miền Nam.

PV: Đại tá có thể cho biết 4 Quân đoàn được ví là cú đấm chủ lực mạnh đã thể hiện tinh thần đánh địch mà đi, mở đường mà tiến như thế nào?

Đại tá Vũ Ngọc Thủy: Thực tiễn, Quân đoàn 1 từ Ninh Bình đã được lệnh hành quân thần tốc vượt 1.700 km đến trung tuần tháng tư đã vào đến miền Đông Nam Bộ. Quân đoàn 2, sau khi giải phóng Đà Nẵng, đã hành quân gấp, với cự ly khoảng 900 km theo Đường số 1 và để bảo đảm cho Quân đoàn cơ động thì đã phải huy động đến hơn 2.000 xe các loại, đến ngày 18/4, đã có mặt tại Biên Hòa và Bà Rịa. Đối với Quân đoàn 3, sau khi đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiêu diệt địch ở chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung đã nhanh chóng cơ động triển khai lực lượng vào miền Đông Nam Bộ.

Chúng ta thấy rằng, mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí, quyết chiến, quyết thắng chỉ có thể tiến công của quân và dân ta trong tháng 4/1975 lịch sử. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, động viên và tập trung sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng, hướng vào mục đích để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương truyền đạt Nghị quyết Bộ Chính trị mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

PV: Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, Đại tá có cho rằng mệnh lệnh của Đại tướng yêu cầu các cánh quân phải thần tốc, thần tốc hơn nữa cũng là tư tưởng chỉ đạo để thực hiện kế hoạch chớp thời cơ cho trận quyết chiến cuối cùng?

Đại tá Vũ Ngọc Thủy: Sự chuyển hóa mau lẹ của thế trận và tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam đã mở ra thời cơ lịch sử. Nếu ta không chớp thời cơ đó, nếu để chậm, quân đội VNCH Sài Gòn sẽ có điều kiện điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược và có sự phục hồi để có thể cầm cự, lúc ấy cuộc chiến có thể sẽ kéo dài, chúng ta sẽ mất thời cơ có lợi. Mệnh lệnh mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương thảo ra như một lát cắt lịch sử thấy được việc nắm chắc thời cơ tầm nhìn chiến lược của Đảng, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

PV: Trước thời điểm ký bức điện thì Đại tướng đã chỉ đạo các mặt trận là nếu địch rút lui chiến lược khỏi Huế và Đà Nẵng thì phải cấp tốc đánh vào Sài Gòn. Như vậy, bức điện của Đại tướng đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự thiên tài của Đại tướng, thưa ông?

Đại tá Vũ Ngọc Thủy: Đúng thế, nhận định trên của Đại tướng đã thể hiện tầm nhìn của một thiên tài quân sự. Thực tế cho thấy về hình thái bố trí chiến lược của quân VNCH trên chiến trường miền Nam chủ yếu tập trung giữa hai đầu, ở giữa chúng bố trí lực lượng mỏng hơn, bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Như vậy, thị xã Buôn Ma Thuột là nơi địch không mạnh nhưng nó liên quan đến hiểm yếu của địch. Trong quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, Đại tướng cùng với Quân ủy Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị chọn Buôn Ma Thuột làm đòn điểm huyệt chiến lược, gây bất ngờ lớn cho địch.

Bộ đội ta chiếm Bộ Tổng tham mưu quân ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Thực tế lịch sử cho thấy, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Nó dẫn đến quyết định sai lầm của ngụy là rút bỏ Tây Nguyên để về giữ đồng bằng Khu 5. Từ yếu tố bất ngờ tạo ra đột biến về chiến dịch dẫn đến đột biến về chiến lược gây tác động dây chuyền, phá vỡ thế chiến lược của địch, một bước ngoặt trong quá trình phát triển cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam. Thừa thắng, ta đã mở chiến dịch gối đầu Huế - Đà Nẵng phá tan kế hoạch chiến lược của địch co cụm. Từ đây đã mở ra thời cơ chiến lược tổng tiến công đánh vào sào huyệt của ngụy quyền Sài Gòn.

Điều này đã khẳng định sự thiên tài của Đại tướng. Đại tướng đã cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã viết lên bản anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, xét cả về bề rộng, chiều sâu, cả tầm cao và sức nặng. Chiến công vĩ đại đó sẽ vượt qua mọi không gian, sống mãi với thời gian. Nó minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của lòng yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước và giải phóng dân tộc.

PV: Xin cảm ơn Đại tá./.