Lá đơn đặc biệt của chàng trai mồ côi
Mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, lại là con đầu trong gia đình nên Lê Văn Thành (sinh năm 2002 ở xóm 2, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn) đã sớm phải rời quê hương để đi làm thuê tại thành phố Vinh. Đầu tháng 7, bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công việc gặp nhiều khó khăn, gián đoạn nên em quyết định về quê. Mảnh đất nơi em sinh ra vốn bình yên nay cũng bắt đầu phải đối mặt với nhiều biến động khi đã có nhiều ca bệnh dương tính với Covid-19.
Những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, Thành có nhiều thời gian cập nhật thông tin về dịch bệnh ở địa phương và nhận thấy bản thân cần đóng góp sức mình để hỗ trợ cho quê hương. Thành chia sẻ: “Mỗi lần đọc báo thấy nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn khi mất đi người thân vì đại dịch em đều rất đau lòng. Bởi bản thân em mồ côi mẹ từ khi còn rất nhỏ nên thấu hiểu sự mất mát khi mất đi người thân là như thế nào. Được về quê, thấy địa phương đang cần người để hỗ trợ phòng, chống dịch nên em viết đơn tình nguyện tham gia với hy vọng được góp một chút sức mình để bảo vệ sự bình yên của quê hương".
Sau khi gửi đơn tình nguyện tham gia chống dịch, Thành được phân công tham gia hỗ trợ trực chốt tại thôn 1 của xã Tào Sơn. Thành xin được trực chốt ca đêm để nhường ca trực ban ngày cho những người khác. Hành động đó đã nhân lên tinh thần trách nhiệm cho các bạn trẻ nơi đây.
Lê Văn Thành chia sẻ thêm, bản thân em không lo lắng khi tham gia hỗ trợ vì đã được trang bị kiến thức và những kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19. Hơn nữa, nếu ai cũng mang tâm lý sợ hãi mà không dám tham gia hỗ trợ thì dịch bệnh không thể đẩy lùi. Trong khi làm nhiệm vụ, chứng kiến nhiều hành động đẹp của người dân, tuy nghèo nhưng vẫn đóng góp những bó rau hay củ, quả cho bếp ăn ở khu cách ly khiến Thành càng thấy ấm lòng và còn vận động thêm những bạn trẻ khác tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương.
Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn Thái Doãn Quỳnh cho biết, ngay từ tháng 6, tuổi trẻ toàn huyện đã thành lập 21 đội thanh niên tình nguyện tại 21 xã, thị trấn để triển khai các hoạt động hè và tham gia công tác phòng, chống dịch. Qua công tác tuyên truyền của Huyện đoàn đã có nhiều đoàn viên, thanh niên nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch và chủ động viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch. Hiện nay, có khoảng 200 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện rất tích cực thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch, hỗ trợ tại các điểm nấu ăn cho chốt.
Còn tại huyện Yên Thành, những ngày qua cũng đã nhận được nhiều đơn tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch của các bạn trẻ nơi đây. Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Thành Nguyễn Khắc Bằng cho biết, hiện trên địa bàn huyện đã có 52 đoàn viên, thanh niên gửi đơn tình nguyện đi chống dịch Covid-19. Trong số này có nhiều sinh viên và bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Khi nhận được đơn tình nguyện của các bạn, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện cũng như phối hợp với các xã để bố trí cho các bạn vào những vị trí cần hỗ trợ như các điểm chốt hoặc tham gia vào nhóm “shipper 0 đồng” nhằm vận chuyển các nhu yếu phẩm kịp thời cho người dân. Quá trình đó, các tình nguyện viên được Huyện đoàn và ngành chức năng hướng dẫn các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Nhận định rõ tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh thời gian qua đã chủ động triển khai các hoạt động một cách kịp thời, phù hợp. Tỉnh đoàn đã phát miễn phí hơn 37 điểm rửa tay sát khuẩn tự động; chỉ đạo thành lập 485 đội tuyên truyền lưu động, đội phản ứng nhanh, đội hình shipper, thiết lập “phòng tuyến áo xanh” hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu cách ly tập trung, các điểm công cộng, trường học, địa bàn dân cư... Toàn tỉnh đã triển khai được 38 đội hình Shipper áo xanh, trong đó hoạt động hiệu quả nhất tại các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai…
Qua thực tiễn sinh động đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo như mô hình “Chuyến xe yêu thương, Chuyến xe 0 đồng” để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến các khu phong tỏa, điểm cách ly tập trung, địa phương đang bị giãn cách xã hội. Kết quả toàn tỉnh đã kêu gọi hỗ trợ 120 chuyến xe miễn phí.
Mô hình “Gian hàng 0 đồng” cũng đã vận động trên 600 triệu đồng để cung cấp các hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Các mô hình khác như xây dựng “Nhà dã chiến” làm điểm nghỉ dừng chân cho người dân từ vùng dịch trở về địa phương; xây dựng điểm rửa tay sát khuẩn tự động… cũng đã được nhiều người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương khẳng định, tuổi trẻ Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả để góp sức mình cùng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện có 67 đội tình nguyện tại 67 điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch với 1.380 đoàn viên, thanh niên tham gia là minh chứng cụ thể của tuổi trẻ trên tuyến đầu chống dịch.
Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác, hình ảnh thanh niên Nghệ An tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được khắc họa đậm nét, góp phần quan trọng trong sự phát triển về kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.