(Baonghean) - Từ định hướng phát triển dựa trên cơ sở phát huy các nguồn lực, lợi thế, tiềm năng nên huyện Diễn Châu đạt được những kết quả khá toàn diện trên lĩnh vực thu hút đầu tư, dồn điền, đổi thửa, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ... Những thành quả đó được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, tạo thế và lực để huyện bước vào nhiệm kỳ mới tăng tốc phát triển.
images1133572_dieu_khien_day_chuyen_che_bien_bot_ca_tai_cong_ty_su_ri_viet_trung.jpgĐiều khiển dây chuyền chế biến bột cá tại Công ty Suri Việt Trung.
 
Khởi sắc thu hút đầu tư
 
Mấy năm trước đây, trên lĩnh vực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ai cũng biết đến Diễn Châu với KCN nhỏ Diễn Hồng. Thời điểm đó là một hiện tượng, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Huyện Diễn Châu vẫn thể hiện được những lợi thế đó và tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụm công nghiệp nhỏ Tháp - Hồng - Kỷ với diện tích 25 ha đã hoàn thiện hạ tầng thu hút được 26 doanh nghiệp đầu tư trong đó có 16 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất. Trong số đó có dự án đầu tư nước ngoài sử dụng lao động lớn như Công ty may Namsung Vina. Tại đây, ngoài việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư đi vào hoạt động thì rút kinh nghiệm những bất cập tại KCN nhỏ Diễn Hồng về môi trường nên huyện công khai công bố, kiểm soát chặt chẽ danh mục dự án đầu tư vào cụm công nghiệp theo quy định các tiêu chuẩn đảm bảo sạch, công nghệ cao, ưu tiên sử dụng lao động địa phương... Công ty TNHH công nghiệp Thành Phát đầu tư nhà máy sản xuất ống, hộp thép mạ kẽm công suất 4.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012, sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước (chủ yếu xuất khẩu sang Lào). Ông Chu Văn Chiên, Giám đốc điều hành Công ty cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi luôn coi trọng chất lượng sản phẩm và đổi mới mẫu mã khi thị trường thay đổi thị hiếu. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất tôn xốp và khi đó sẽ “khép kín” nhu cầu khách hàng sử dụng sản phẩm.
 
Một thành tựu trong thu hút đầu tư trên lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản có ý nghĩa rất lớn đó là sự ra đời hoạt động của Nhà máy SURI Việt - Trung tại xã Diễn Hùng. Mặc dù vốn đầu tư chỉ trên 40 tỷ đồng, nhưng nhờ lựa chọn công nghệ tiên tiến sấy cá bằng hơi nước khô và tách mỡ trong quá trình chế biến nên sản phẩm của Công ty đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu đạt 7.707 tấn, đưa về kim ngạch xuất khẩu 10,2 triệu USD. Ngoài việc tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động thì ý nghĩa rất quan trọng của Nhà máy là thu mua sản phẩm của ngư dân với giá cao, ổn định, kích thích bà con ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Ông Lê Thái, Giám đốc Công ty cho biết: Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công suất chế biến, Công ty không ngừng mở rộng đại lý thu mua nguyên liệu ra các tỉnh phía Bắc và phía Nam, tăng cường nâng giá trị xuất khẩu tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân.
 
Có thể nói, nhiệm kỳ 2010 - 2015, để tiếp tục đột phá phát triển CN - TTCN và thu hút đầu tư, huyện Diễn Châu đưa lĩnh vực này là một trong những chương trình, đề án trọng điểm nên đạt được những kết quả nổi trội, tạo dấu ấn trên lĩnh vực này. Mức tăng trưởng lĩnh vực CN - TTCN hàng năm đạt trên 15%, chiếm tỷ trọng 35 - 36%, đạt mục tiêu Đại hội đề ra, năm 2014, giá trị sản xuất lĩnh vực này đạt trên 1.171 tỷ đồng, đã tạo ra được một số sản phẩm mới “made in Diễn Châu” như xà gồ, ống thép kẽm, phôi thép, thép xây dựng, may công nghiệp, phân bón, bột cá... Ông Tăng Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm CN với cơ chế thông thoáng tạo điều kiện hơn đối với các nhà đầu tư, công khai các danh mục những dự án, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, đồng thời củng cố xây dựng các thương hiệu sản phẩm để các doanh nghiệp phát triển bền vững. 
 
Phát triển sản xuất Nông nghiệp tập trung
 
Trước tình trạng đất đai bố trí manh mún, sản xuất kém hiệu quả, nông dân không mặn mà khiến đồng đất bị bỏ hoang... Đại hội khóa XXIX Đảng bộ huyện Diễn Châu xác định “xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, công nghệ sạch, sản phẩm có sức cạnh tranh và tăng giá trị hiệu quả trên một đơn vị diện tích…”. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Diễn Châu ban hành Đề án “Đẩy mạnh phát triển diện tích, cánh đồng doanh thu cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp”, đồng thời xác định giải pháp mấu chốt là phải tổ chức dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất thành công. Sau 3 năm triển khai, sản xuất nông nghiệp Diễn Châu đã đạt được nhiều bước chuyển rất tích cực…
 
Diễn Thắng - một trong những xã khó khăn của huyện Diễn Châu nhưng được chọn là 1 trong 3 xã điểm triển khai dồn điền, đổi thửa. Ông Nguyễn Văn Trạch - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã chiêm trũng, ruộng đất vẫn còn manh mún nên việc đầu tư chăm sóc, thâm canh của bà con nông dân rất khó khăn, thế nên thực hiện Chỉ thị 08/CT -TU, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết, trên cơ sở đó UBND xã xây dựng Đề án và tiến hành họp dân và đăng ký với huyện được làm điểm”. Nhờ tập trung chỉ đạo để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các cán bộ đảng viên gương mẫu làm trước, người dân đã nhận ra và chấp hành, nhờ vậy chỉ trong vòng hơn 2 tháng mà xã chuyển đổi xong, bình quân từ 4 - 9 thửa/hộ giảm xuống còn 1,2 -1,36 thửa/hộ. Ngoài đóng góp 450 ngàn đồng/khẩu để làm giao thông thủy lợi, hơn 50 hộ đầu tư thêm 10 triệu đồng để cải tạo, thiết kế lại đồng ruộng theo hướng thâm canh. Về phía xã, sau khi chuyển đổi, cùng với quy hoạch lại diện tích thâm canh lúa, xã đã quy hoạch một số vùng đất để ưu tiên phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại; dồn đất công ích về vùng trung tâm để xây dựng NTM. Nhờ đó, ngoài diện tích thâm canh lúa, bước đầu đã hình thành được một số vùng cây màu và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, hầu hết các công đoạn sản xuất đã được cơ giới hóa; năng suất lúa tăng từ 6,0 - 6,5 tấn lên 7 tấn/ha, giá trị thu nhập tăng từ 45 triệu lên trên 50 triệu đồng/ha.
 
Tại Diễn Liên, mặc dù không phải xã điểm về chuyển đổi ruộng đất nhưng kết quả triển khai ngoài mong đợi. Ngoài việc đưa bình quân đất từ 6 - 7 thửa/hộ xuống còn 2,2 thửa/ hộ, Diễn Liên còn vươn lên trở thành một trong những địa phương đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn có hiệu quả nhất. Hiện nay, ngoài việc khơi dậy sức dân, phát triển được 49 mô hình trang trại, gia trại từ sử dụng đất hoang, đất đầm lầy để phát triển sản xuất, mang lại thu nhập trên 720 triệu đồng/mô hình/năm, Diễn Liên còn quy hoạch được những vùng đất trọng điểm để các doanh nghiệp vào liên doanh liên kết với bà con để sản xuất hàng chục ha lúa chất lượng cao, qua đó nâng cao giá trị 100 triệu đồng/ha. Tại đây, riêng xóm 4 có 28 mô hình, chiếm 1 nửa mô hình của xã. Ông Nguyễn Văn Sơn - một chủ trang trại ở xóm 4 cho biết: Gia đình có 6 sào, trước đây phân bố khắp nơi nên ngại đầu tư. Sau chuyển đổi, còn nhận khoán của xã 15.000m2 đất sử dụng kém hiệu quả, sau đó đầu tư hơn 600 triệu đồng cải tạo. Hiện nay, trên diện tích gần 2 ha, ông đã xây dựng trang trại tổng hợp nuôi hàng chục ngàn con gia cầm, hàng trăm con lợn, bò; 5 ao nuôi cá. Với chỉ 2 lao động trong gia đình nhưng doanh thu mỗi năm đạt từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Đồng chí Võ Văn Chính - Chủ tịch UBND xã cho hay: Sau chuyển đổi, trong vòng 2 năm xã có đất phát triển thêm được 6 mô hình mới và các gia trại trước đây tiếp tục đầu tư mở rộng nâng cao công suất. Từ một xã thuần nông, đàn gia súc giảm và chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, nghề chăn nuôi của xã phát triển với quy mô ngày càng lớn. Từ độc canh lúa lai, đến nay xã đã có 50 ha lúa AC5 và cây màu vụ đông cho thu nhập trên 100 triệu đồng /ha/năm…
 
Ngoài các xã có phong trào chăn nuôi gia trại trang trại phát triển như Diễn Liên, Diễn Hồng, Diễn Yên, tận dụng lợi thế đất đai, sau chuyển đổi đất, các xã Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Kỷ… cũng xây dựng được mô hình cây màu cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, người dân sau khi chuyển đổi đất đã mạnh dạn đầu tư cải tạo nên hiệu quả sử dụng đất được nâng lên rõ rệt. Nhiều vùng đất trước đây là đồi hoang hoặc cỏ lác, đầm lầy được nông dân cải tạo thành trang trại chăn nuôi khá hiệu quả. Tiêu biểu là các xã Diễn An, Diễn Trung, Diễn Lợi… đã có những vùng nuôi trồng thủy sản hay mô hình cá - lúa khá hiệu quả. Theo “Đề án phát triển diện tích, cánh đồng doanh thu cao”, đến năm 2015, Diễn Châu phấn đấu 8.100 ha cánh đồng đạt doanh thu 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, tương đương 60% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Đến nay, huyện đã xây dựng được gần 5.000 ha cánh đồng mẫu lớn, doanh thu cao, trong đó các xã Diễn Cát, Diễn Hùng, Diễn Liên, Diễn Tân, Diễn Nguyên, Diễn Thịnh… mỗi xã từ 500 - 700 ha. 
 
Bà Hoàng Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: Dấu ấn lớn nhất trên lĩnh vực nông nghiệp của Diễn Châu nhiệm kỳ này là đã xây dựng được những vùng sản xuất tập trung và cho giá trị thu nhập cao. Chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi có Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy, trên cơ sở triển khai thí điểm, huyện tiến hành đồng loạt và thực hiện được 35/37 xã. Nhờ chuyển đổi ruộng đất mà tiến độ xây dựng nông thôn mới được nhanh hơn. Cùng với việc quy hoạch, đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu, với việc xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp Diễn Châu không chỉ mang lại giá trị cao mà còn tiền đề để các tiêu chí nông thôn mới được phát triển bền vững.
 
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
 
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; tổ chức, cán bộ, đảng viên và dân vận. Đây là 3 trụ cột cơ bản để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng Đảng, qua đó thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cấp, các ngành, xây dựng hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh. Trước hết, trong công tác dân vận với trọng tâm là xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo. Đến năm 2014, toàn huyện Diễn Châu có 1.134 mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội đến an ninh - quốc phòng. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cấp cơ sở, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội ở vùng đồng bào có đạo… Từ đó đã xuất hiện 101 điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu.
 
Chỉ cách đây chưa lâu, tại xóm Trung Thành, xã Diễn Hồng tuy dân số đông nhưng tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên trong các tổ chức đoàn thể không cao, hoạt động rời rạc dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trước tình hình đó, Khối Dân vận xã Diễn Hồng đã chọn xóm để thực hiện mô hình “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Từ đó, chi bộ xóm gồm 16 đảng viên, trong đó có 12 đảng viên là đồng bào công giáo đã tập trung kiện toàn, củng cố chi ủy nhằm nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Đối với các đoàn thể, vận động những người có uy tín và trách nhiệm đảm nhận vị trí đứng đầu. Vì vậy, hệ thống chính trị ở xóm dần được củng cố và phát triển, tỷ lệ tập hợp hội viên, đoàn viên được nâng lên rõ rệt. Đó cũng là nền tảng cơ bản để xóm Trung Thành đặt mục tiêu xây dựng thành công Làng Văn hóa vào năm 2016. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Chi bộ xóm Trung Thành chia sẻ: “Tỷ lệ hộ sinh con thứ 3 vẫn còn 32%, chúng tôi đặt mục tiêu đến hết nhiệm kỳ 2015 - 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống còn 6 - 8%. Bên cạnh đó, trong xóm vẫn còn những đối tượng nghiện ma túy. Vì vậy, chi bộ giao cho các đoàn thể, ban công tác Mặt trận Tổ quốc, công an viên phối hợp với các giáo họ, giáo xứ nắm bắt tình hình, bám sát mục tiêu đề ra để vận động các đối tượng cai nghiện”. Trên tổng thể, với 2.500 hộ, 11.000 khẩu, trong đó có 42% là bà con đồng bào giáo dân, nhưng bằng những giải pháp cụ thể, sát thực tình hình thực tế của mỗi xóm, Đảng ủy xã Diễn Hồng đã lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bà con lương - giáo đoàn kết, chung tay, góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đó cũng là nền tảng để xã trở thành đơn vị đầu tiên trong huyện Diễn Châu về đích xây dựng NTM vào tháng 10/2014, đạt kế hoạch trước 1 năm.
 
Gieo lạc xuân ở Diễn Châu. Ảnh: Cao Thị Hà
 
Có thể nói, với việc triển khai đa dạng về mô hình, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, phong trào dân vận khéo ở Diễn Châu đã tạo sức lan tỏa rộng rãi; các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xem đây là chìa khóa để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Đơn cử như trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Diễn Châu; với tổng chiều dài 28,28km, chiếm 38% tổng chiều dài toàn tỉnh, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 2.783 hộ, tuy nhiên đến tháng 8/2014, huyện đã bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách về tiến độ thực hiện dự án. Kết quả trên phản ánh việc triển khai các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã; kịp thời đối thoại với nhân dân khi có vướng mắc để giải quyết… Đồng chí Hoàng Văn Bốn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu cho biết: “Có được những kết quả trên là do trong thời gian qua, công tác dân vận được đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thể hiện ở chỗ, dân vận cấp ủy được tăng cường, dân vận chính quyền được chú trọng, lực lượng vũ trang được quan tâm; MTTQ và các đoàn thể được mở rộng, nâng cao. Từ đó tạo sự đồng bộ, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chung của huyện”.
 
 
Chăn nuôi bò tại trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Sơn ở xóm 4, xã Diễn Liên (Diễn Châu)
 
Công tác kiểm tra, giám sát của huyện Diễn Châu trong nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, quy trình nên nâng cao được chất lượng hoạt động và năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, giữ vững ổn định tình hình chính trị. Đồng chí Ngô Xuân Văn, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Diễn Châu cho biết: “Trong nhiệm kỳ này, có 6 tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật, trong đó có 2 BTV Đảng ủy và 4 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 246 đảng viên cũng bị thi hành kỷ luật, trong đó khai trừ 19 đảng viên”. Đi đôi với đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên được thực hiện tốt, nên nhìn chung hơn 14.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ luôn tích cực, đi đầu, gương mẫu trong quần chúng nhân dân, xây dựng Đảng bộ ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong nhiệm kỳ này, toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.749 đảng viên mới, trong đó có 5 đảng viên là đồng bào giáo dân, 4 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2014, có 43 tổ chức cơ sở đảng TSVM, trong đó có 14 tổ chức cơ sở đảng TSVM tiêu biểu, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
 
Những kết quả đạt được toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 đang tạo cho Diễn Châu một nền tảng mới, thể hiện sự năng động, vươn lên dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp để tiếp tục đưa kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Nhóm PV Thời Sự - Chính trị