(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XVII nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành Thủy sản Nghệ An đã vượt qua những khó khăn từ suy thoái kinh tế và tình hình biển đảo có nhiều biến động để “cán đích” mục tiêu Nghị quyết đề ra về đánh bắt và nuôi trồng...
Phát triển mạnh tàu cá công suất lớn
Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, tổng số tàu cá được đăng ký quản lý trên địa bàn tỉnh là 3.968 chiếc, giảm 353 chiếc so với đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, đúng với định hướng phát triển tàu cá của tỉnh. Giảm số lượng tàu thuyền nhỏ, nhưng tổng công suất tàu cá toàn tỉnh tăng nhanh, hiện đạt 443.764 CV (so đầu nhiệm kỳ là 239.236 CV, tăng 85%). Và, nếu đầu nhiệm kỳ công suất bình quân 56 CV/tàu, thì nay đạt 111,84 CV/tàu. Đối với tàu trên 90 CV, tổng công suất là 384.361 CV, công suất bình quân là 306,02 CV/1 tàu (đầu nhiệm kỳ công suất bình quân đạt 204,63 CV).
Tổng số lao động trong lĩnh vực thủy sản của toàn tỉnh hiện nay là 17.489 người, tăng so với đầu nhiệm kỳ 5.057 lao động. Tàu thuyền công suất lớn nên sản lượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập cho ngư dân, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tổng sản lượng khai thác năm 2014 đạt 109.758 tấn hải sản các loại, so với đầu nhiệm kỳ tăng 82%, giá trị ước đạt 1.850 tỷ đồng. Ngoài việc chú trọng phát triển nghề khai thác, dịch vụ hậu cần cũng được các địa phương quan tâm phát triển. Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu, đã hình thành các làng nghề chế biến hải sản như chế biến nước mắm ở xã An Hòa, chế biến mực khô ở xã Quỳnh Long, nghề sản xuất và gia công lưới vây ở xã Quỳnh Long,... tạo việc làm lúc nhàn rỗi cho hàng ngàn lao động địa phương.
Diễn Ngọc là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Diễn Châu về nghề biển, số lượng tàu công suất lớn tăng nhanh. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Đầu nhiệm kỳ (năm 2010) tổng số tàu thuyền của xã là 366 chiếc (trong đó có 6 tàu 90 CV trở lên) với tổng công suất máy chính là 16.500 CV, đến nay toàn xã có 405 tàu thuyền, trong đó có 67 tàu thuyền loại 90 CV trở lên tham gia đánh bắt xa bờ. Năm 2014, sản lượng khai thác hải sản của Diễn Ngọc đạt 13.200 tấn, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 1.700 tấn. Xã xác định kinh tế biển là mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian tới, phát huy nội lực, Diễn Ngọc chuyển đổi nghề giã kéo sang các nghề xăm vây, chụp, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định 67/CP của Chính phủ; xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và các loại hình dịch vụ thủy sản. Bên cạnh đó, Diễn Ngọc tập trung thu hút đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp nạo vét cửa lạch, đê kè chống sạt lở, củng cố các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền...
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương phát triển mạnh nghề biển trong những năm qua. Với bờ biển dài 19,5 km, có 2 cửa lạch (Lạch Quèn và Lạch Thơi) và 9 xã vùng biển gồm Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Thọ, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương... đều đã phát triển rất mạnh đội tàu khai thác. Hiện đội tàu khai thác của huyện có sự thay đổi đáng kể về số lượng và công suất máy, cơ cấu theo hướng giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ và tăng dần loại tàu thuyền có công suất lớn để khai thác có hiệu quả hơn. Ông Bùi Xuân Trúc, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hàng năm, lượng tàu cá khai thác xa bờ được đóng mới tăng. Trong năm 2014 đóng mới được 95 tàu, nâng tổng số tàu đến cuối năm 2014 của toàn huyện lên 1.272 tàu, trong đó 662 tàu có công suất trên 90 CV, chiếm 54,71% tổng số tàu lắp máy của huyện, tăng 115 chiếc so với năm 2013; tổng công suất máy là 250.020 CV, công suất bình quân 208 CV/tàu, tăng 32 CV/tàu so với năm 2013. Đầu tư tàu to máy lớn, nên hiệu quả đánh bắt cũng được nâng lên. Năm 2014, sản lượng thủy - hải sản khai thác của Quỳnh Lưu đạt 43.500 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 971,463 tỷ đồng. Hiện huyện đang hỗ trợ ngư dân xúc tiến thủ tục vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cho 30 chủ tàu cá.
Việc lắp đặt các trang thiết bị hàng hải trong khai thác hải sản xa bờ là một bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản. Với những tính năng hiện đại của thiết bị hàng hải trong khai thác hải sản, giúp cho thuyền trưởng xác định chính xác sản lượng đàn cá khu vực, tọa độ đánh bắt để quyết định thả lưới, chính vì vậy số mẻ lưới trên một chuyến biển ít đi, giảm thiểu các tác động đến nguồn lợi hải sản biển, nhưng hiệu quả và sản lượng khai thác lại cao. Ngoài ra, còn lắp đặt nhiều trang, thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản khác như lắp đặt thiết bị quản lý lưới rê khi hoạt động khai thác trên biển; làm hầm bảo quản lạnh trên tàu cá bằng vật liệu PU (Polyurethane)... làm tăng chất lượng sản phẩm đánh bắt, đồng thời giảm thiểu tai nạn, rủi ro trên biển.
Riêng tại Quỳnh Lưu, trong năm 2014 đã cấp phát 17 bộ máy ICOM HF 1700 và 598 bộ phao cứu sinh. Hiện nay trên địa bàn huyện, tổng số máy dò ngang được lắp đặt phục vụ khai thác hải sản xa bờ đã có 47 máy, 1 máy rada, 329 máy thông tin tầm xa và 100% tàu thuyền khai thác xa bờ có máy dò đứng và bộ đàm để liên lạc giữa các tàu trong tổ, đội với nhau. Các tổ hợp tác trên biển được thành lập và phát triển, đến nay toàn huyện có 100 tổ hợp tác. Các mô hình đội sản xuất trên biển đã giúp đỡ nhau chia sẻ được thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ, giúp đỡ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển.
Sôi động nuôi trồng thủy sản
Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, nên nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt; đối tượng nuôi trồng ngày một đa dạng, diện tích, năng suất nuôi trồng không ngừng tăng lên qua các năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây khá cao (bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 15% năm).
Ngành Thủy sản cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất nuôi trồng trên đơn vị diện tích, đa dạng hình thức nuôi và cơ cấu giống nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiên tai, dịch bệnh. Đã chỉ đạo thành lập các tổ cộng đồng để người dân tham gia có trách nhiệm với nhau, cùng nhau gìn giữ môi trường nuôi để phát triển lâu dài. Các mô hình được áp dụng vào nuôi trồng thủy sản như mô hình nuôi tôm VietGAP, mô hình nuôi tôm qua Đông trong nhà bạt, nuôi sinh thái, nuôi xen canh, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, nuôi cá hồ, đập,... Phát triển nuôi tôm he chân trắng ở 14 xã, nuôi ngao Bến Tre ở 4 xã.
Chia sẻ với chúng tôi về những đột phá của lĩnh vực nuôi trồng trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Xuân Học - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An cho biết, đến nay các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XVII giao đối với nuôi trồng thủy sản đều đạt. Diện tích nuôi tăng khá mạnh trong nhiệm kỳ, từ 22.500 ha năm 2010 lên 23.610 ha năm 2014; sản lượng tăng từ 37.559 tấn lên 44.443 tấn. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm tăng mạnh từ 1.700 ha lên 2.360 ha; sản lượng tôm từ 3.500 tấn (năm 2010) lên 6.000 tấn (năm 2014). Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ đã thu hút thành công Tập đoàn tôm giống Việt Úc (với tổng giá trị 2 triệu USD, 100% vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu). Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 4 ha, công suất dự kiến 3 triệu con tôm giống/năm, sẽ có sản phẩm vào tháng 4/2015. Như vậy, nếu như trước đây giống tôm là vấn đề luôn gây lo lắng cho bà con, bởi gần như 100% tôm giống phải nhập từ miền Nam ra vừa không chủ động được nguồn, giá thành lại cao, khó quản lý chất lượng, thì nay nếu như nhà máy đi vào sản xuất thành công sẽ giúp bà con yên tâm khâu giống (tổng nhu cầu tôm giống trên địa bàn hàng năm khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ con).
Thời gian qua, ngành đưa vào một số đối tượng nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nhiều loại giống đã chủ động được như cua, tôm, cá vược, và hiện nay một số mô hình nuôi thành công nhất là huyện Quỳnh Lưu đã áp dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất giống thủy sản. Trong năm 2014, toàn huyện sản xuất được 231 triệu con tôm giống, trong đó, tôm he chân trắng 130 triệu con, tôm sú 101 triệu con; đồng thời đã sản xuất được 3 triệu con cua giống, 15 triệu con ngao giống Bến Tre cung cấp cho người nuôi trong và ngoài huyện; sản xuất, ương gièo các loại cá giống nước ngọt cung cấp cho nhu cầu giống cá truyền thống trên địa bàn huyện với khoảng 14 triệu con giống các loại.
Phong trào nuôi lươn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 65 hộ nuôi, với diện tích 1.916m2. Nhiều hộ nuôi lươn ở một số huyện Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên… đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lươn mới (nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt). Điển hình có gia đình anh Hồ Văn Trung, xóm 9, xã Lý Thành (Yên Thành) có 16 bể, trong đó có 8 bể ương lươn giống, 8 bể chuyên nuôi lươn thương phẩm, năng suất đạt từ 2,5 – 3 tạ/bể; doanh thu mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Trung lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng. Hay anh Trần Ngọc Duyên, ở xóm 16, xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên) có 5 bể, trong đó có 1 bể xử lý nước, 4 bể nuôi, sau 5 tháng nuôi gia đình anh thu hoạch trung bình 2,5 tạ lươn/bể, doanh thu đạt 180 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 90 triệu đồng...
Trong những năm gần đây, phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích mặt nước ở hồ chứa, hồ thủy điện cùng với sự quan tâm của các ban, ngành liên quan, phong trào nuôi cá lồng bè trên sông suối, hồ đập phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du như Tương Dương, Quế Phong, Thanh Chương… Đặc biệt, huyện miền núi Tương Dương, số lượng lồng nuôi tăng lên đáng kể, từ 37 lồng năm 2013 nay đã có 114 lồng nuôi, Quế Phong từ 125 lồng nuôi lên 150 lồng… Tổng số lượng lồng nuôi toàn tỉnh tính đến thời điểm này đạt 433 lồng, tăng 111 lồng nuôi so với năm 2013, thể tích bình quân lồng nuôi 15m3. Người dân đã và đang dần tiếp cận với hình thức lồng nuôi công nghệ mới, chi phí thấp, dễ chăm sóc, quản lý, cùng với đó là sự hỗ trợ đóng mới lồng bè của UBND tỉnh và chính quyền; nếu như trước đây nuôi bằng tre, mét, thì nay nuôi bằng lưới vừa dễ chăm sóc, quản lý dịch bệnh, vừa bền có lợi hơn về kinh tế.
Trao đổi về hướng phát triển của lĩnh vực thủy sản trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Ngành tiếp tục tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lấy Vịnh Bắc bộ làm ngư trường truyền thống, vùng biển Hoàng Sa làm ngư trường tiềm năng; phát triển đội tàu có công suất lớn với các nghề khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ưu tiên phát triển các nghề chính có ưu thế như: vây, chụp, rê, câu gắn với việc đóng tàu to máy lớn, phát triển tàu sắt, tàu vỏ vật liệu mới. Đồng thời với đó, là chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân để giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ kết hợp với thành lập các tổ đồng quản lý gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chú trọng tăng năng suất nuôi trồng trên đơn vị diện tích, đa dạng hình thức nuôi và cơ cấu giống nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiên tai, dịch bệnh...
Thu Huyền