(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện Tân Kỳ gặt hái được nhiều thành công, nhất là trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Từ đó, tăng cường đoàn kết, phát huy sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đạt được nhiều kết quả trong xóa đói, giảm nghèo.
Tăng cường củng cố tổ chức cơ sở Đảng
Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Tân Kỳ đặt mục tiêu đẩy mạnh thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Đảng vững mạnh và phát triển kinh tế. Thời điểm đó, có những cơ sở, nội bộ chưa thực sự đoàn kết, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhận thức rõ đoàn kết là sức mạnh, muốn huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thì trước hết phải xây dựng được mối đoàn kết trong Đảng. Vì vậy, nhiệm kỳ qua, nghiêm túc nhìn nhận khắc phục hạn chế của các nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chủ trương, biện pháp để tăng cường đoàn kết trong tổ chức cơ sở đảng.
Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với thực hiện đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của cấp trên về xây dựng Đảng, BTV Huyện ủy tập trung quyết liệt, kiện toàn các tổ chức đảng, chăm lo củng cố, đội ngũ cán bộ, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, phong trào trì trệ kéo dài; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phan Văn Giáp cho biết: “Có thể nói chưa có nhiệm kỳ nào tính kỷ luật trong Đảng lại được đề cao, xử lý ráo riết đến vậy. 2 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy bị kỷ luật, điều chuyển bố trí công việc khác; kỷ luật 1 đồng chí Phó Bí thư chi bộ cơ sở, 1 Ủy viên BCH Đảng bộ; phê bình nghiêm khắc Đảng ủy xã Tân Xuân, Thị trấn, Tiên Kỳ... Mọi vấn đề quan trọng trên địa bàn đều được bàn bạc dân chủ công khai, minh bạch, từ công tác cán bộ đến phát huy quyền dân chủ, giao chỉ tiêu kế hoạch, cán bộ đều biết, đều bàn, có cơ chế kiểm tra, giám sát”.
Việc nêu gương của các đồng chí lãnh đạo được thể hiện rõ ràng và thuyết phục, đặc biệt là các đồng chí Thường trực. Cơ quan Huyện ủy đã xây dựng được chuẩn mực về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đó là: Dân chủ - Đoàn kết - Công tâm - Tận tụy - Gương mẫu - Hiệu quả. Chuẩn mực này được in trang trọng và treo ở các phòng, ban để nhắc nhở mọi người thực hiện. Từ chuẩn mực này đã soi xét vào đạo đức công vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên để đánh giá cán bộ, công chức khách quan, công bằng, nghiêm túc. Việc giữ gìn trong phát ngôn và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy đều được cấp ủy tuân thủ.
Kiện toàn bộ máy, làm lành mạnh “cơ thể” của tổ chức, từ đó, nâng cao đoàn kết nội bộ của cấp ủy từ huyện đến cơ sở. Đó là chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ của huyện Tân Kỳ. Đảng bộ huyện hiện có 62 tổ chức cơ sở đảng với 6.386 đảng viên ở 21 đảng bộ xã, 1 đảng bộ thị trấn, 6 TCCS đảng thuộc cơ quan hành chính, 20 đơn vị sự nghiệp, 12 doanh nghiệp, 2 đơn vị lực lượng vũ trang; có 430 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở...
Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị
Các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được cụ thể hoá, triển khai toàn diện. Đây được coi là cách làm sáng tạo phù hợp với đặc điểm của Tân Kỳ. Sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở trong thời kỳ cách mạng mới. Từ thực trạng hệ thống chính trị (HTCT) xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện chưa nổi bật, chất lượng hoạt động còn những vấn đề cần phải chấn chỉnh, bổ cứu; nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn, lúng túng trong sinh hoạt và xử lý các vấn đề phát sinh từ cơ sở; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt chậm được kiện toàn, củng cố... Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chủ trương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, trước hết là từ cơ sở với cách làm mới, cụ thể, bài bản hơn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn xã Kỳ Sơn tiến hành xây dựng mô hình điểm, sau đó nhân rộng ở xã Tân Hương, thị trấn và triển khai đồng loạt ở các xã trên địa bàn huyện.
Kiểm tra công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở Kỳ Sơn cho thấy: Tất cả các đoàn thể trong hệ thống chính trị đã có sự đổi mới thực sự về chất lượng hoạt động. Các tổ chức đoàn thể có chương trình hoạt động bài bản, hoạt động gắn với cơ sở, gắn với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: nuôi vịt bầu cánh trắng, ếch thương phẩm, trồng táo giống mới... Đồng chí Lê Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Xã đã tìm ra những cách làm ăn mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hệ thống chính trị vững mạnh, bản thân tôi từng là Phó trưởng Công an xã, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, tôi thấy Kỳ Sơn nội bộ đoàn kết, ổn định, có nhiều đổi mới, niềm tin của nhân dân với chính quyền với Đảng được nâng lên”. Còn ở xã Tân Hương, để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xã tiếp tục thực hiện việc tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại một số chi bộ ít đảng viên; phân công lại một số đồng chí Đảng ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các xóm cho phù hợp. Hướng dẫn xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề “Tăng cường công tác vận động quần chúng, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo”...
Đồng chí Phan Văn Giáp - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ khẳng định: “Không chỉ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huyện còn xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp; mô hình Bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã... Chất lượng, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình của Đảng sát đúng tình hình thực tiễn, có trọng tâm trọng điểm; công tác đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Cấp ủy các cấp tăng cường các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề búc xúc, nổi cộm từ cơ sở, hoàn thành 100% nội dung những việc cần làm ngay theo Nghị quyết Trung ương 4. Số tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh ngày càng bền vững và thực chất, không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém”.
Công tác cán bộ được cấp ủy từ huyện đến cơ sở chú trọng. Các khâu trong công tác cán bộ đều thực hiện đúng theo quy chế, quy định, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, toàn diện và kịp thời. Huyện ủy đã ban hành 2 đề án mới về "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị khối nông thôn, thị trấn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo" và Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển và điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo". Qua đó, chất lượng đánh giá cán bộ được nâng lên, hàng năm cấp huyện đánh giá trên 1.000 đồng chí cán bộ các cấp. Việc xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo quy hoạch, đáp ứng trong sắp xếp, bố trí, sử dụng cả trước mắt và lâu dài. Trong nhiệm kỳ, huyện đã đề bạt, bổ nhiệm, bổ sung cấp ủy cơ sở các cấp 278 đồng chí; điều động, luân chuyển 73 đồng chí. Công tác phát triển đảng viên được chăm lo, trong nhiệm kỳ kết nạp mới 901 đồng chí (trong đó có 5 đảng viên là giáo dân), nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ là 6.463 đồng chí, bình quân mỗi năm kết nạp 181 đảng viên, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đặt ra.
Nhân rộng các mô hình kinh tế
Bên cạnh công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở, huyện Tân Kỳ gắn kết chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Đảng bộ, chính quyền xã Nghĩa Hoàn có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi đất một vụ lúa sang trồng mía, làm trang trại. Xã kết hợp với các đoàn thể đưa vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội về cho nông dân phát triển sản xuất; vận động nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế. Đặc biệt, đã thành lập “CLB trang trại” với trên 30 chủ trang trại tham gia. Một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế trang trại ở Nghĩa Hoàn là ông Nguyễn Trọng Hương ở xóm Đồng Tâm. Gia đình ông trồng 15 ha cao su, trên 6 ha rừng nguyên liệu, 2 ha cây ăn quả, gần 7 ha mặt nước thả cá, trang trại sử dụng gần 10 lao động thường xuyên, doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng. Cũng nhờ phát triển kinh tế trang trại, gia đình ông Nguyễn Danh Hiền ở xóm Thuận Yên xã Nghĩa Hoàn cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Ngoài 2 lò sản xuất ngói tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, gia đình còn có 3 ha mặt nước nuôi cá, xung quanh hồ là rừng keo tươi tốt. Trên địa bàn xã còn có trên 50 hộ xây dựng mô hình VAC cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo, giàu lên nhờ phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.
Nghĩa Đồng là địa phương có nhiều đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2010, Đảng bộ Nghĩa Đồng ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế trang trại, gia trại và được UBND xã cụ thể bằng đề án phát triển kinh tế trang trại. Xã thực hiện quy hoạch các vùng phát triển kinh tế trang trại và chủ trương đưa trang trại ra ngoài đồng. Đến nay, toàn xã có 24 trang trại, bình quân mỗi trang trại khoảng 6.000m2 chủ yếu là trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò, dê kết hợp với chăn nuôi gia cầm. Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi trang trại từ 300 - 500 triệu đồng, sau năm thứ hai cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Điển hình như gia trại của anh Vương Văn Hoàn ở xóm 7, chăn nuôi hàng chục con bò đẻ, gà thịt thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Hay hộ anh Phan Kế Thìn ở xóm 3, năm 2014, đã đầu tư trên 400 triệu đồng trồng cỏ, chăn nuôi bò, gà.
Các gia trại, trang trại này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giải quyết lao động địa phương. Đồng chí Võ Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: “Trước đây mỗi ha đất nông nghiệp cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng, nhờ chuyển đổi xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Từ hiệu quả mô hình này, xã có định hướng phát triển kinh tế theo hướng hình thành các trang trại, gia trại. Thời gian tới xã tiếp tục quy hoạch bố trí các gia trại trên các vùng đất đồng không bị ngập lụt, dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn có khoảng 100 trang trại, gia trại”.
Tiêu biểu là mô hình trang trại của gia đình ông Lê Mạnh Hùng ở xóm Cửa Đền, xã Nghĩa Dũng. Đây là năm thứ 3, gia đình ông Hùng chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp quy mô lớn. Năm 2012, gia đình ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi lợn theo hình thức gia công cho Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam. Hiện trang trại của gia đình ông mỗi năm nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 300 con, trừ chi phí, thu nhập mỗi lứa lợn trên 200 triệu đồng.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ Tân Kỳ quan tâm đầu tư nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo bước chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ. Huyện ban hành nhiều văn bản, chương trình hành động để cùng nhân dân tìm hướng phát triển hiệu quả, như Đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện, Đề án xây dựng nông thôn mới... Cùng các chính sách hỗ trợ từ 30 - 50 triệu đồng cho các mô hình kinh tế, tín chấp cho nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp, huyện tạo mọi điều kiện thu hút các dự án và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Huyện huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, Phòng Nông nghiệp được giao tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho bà con, hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng bể khí biogas...
Huyện ưu tiên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng để người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Đến nay toàn huyện có 47 trang trại theo tiêu chí mới (theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT), tổng số gia trại trên địa bàn là 474. Bình quân mỗi gia trại, trang trại tạo việc làm cho trên 3 lao động, như vậy có trên 1.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định. Từ phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông dân Tân Kỳ tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất, tích tụ được ruộng đất, rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo. Những nỗ lực đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 32% đầu nhiệm kỳ nay còn 10%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,2 triệu đồng/người/năm lên 19,7 triệu đồng/người/năm. Đến nay, Tân Kỳ có 2 xã Nghĩa Đồng và Tân Phú về đích nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 10,3 tiêu chí/19 tiêu chí nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Duy Thủy - Bí thư Huyện ủy khẳng định: Nhiệm kỳ qua, Tân Kỳ đã thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ thực hiện nói đi đôi với làm. Qua Hội thảo “30 năm xây dựng Đảng”, công tác tổ chức được Tỉnh ủy xếp loại xuất sắc, các tổ chức cơ sở đảng được củng cố, vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện các chủ trương trên địa bàn. Những kết quả tích cực trong xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị cơ sở gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ bứt phá trong nhiệm kỳ tới...
Châu Lan - Thanh Lê