(Baonghean) - Sau hơn 1 năm thành lập, Thị xã Hoàng Mai đang từng bước khẳng định vai trò là 1 trong 3 cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phấn đấu được công nhận đô thị loại III trước năm 2025, với nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.

Đánh giá về năm nay, trước hết Thị xã Hoàng Mai có nhiều khoáng sản trữ lượng lớn; đã và đang hình thành 3 khu công nghiệp gồm KCN Hoàng Mai 1, KCH Hoàng Mai 2, KCN Đông Hồi với những dự án lớn, quan trọng như Nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD; Nhà máy luyện thép xốp Kobelco (Nhật Bản) đầu tư hơn 1 tỷ USD; Nhà máy phân lân của Ấn Độ; Cảng Đông Hồi. 
images1135454_3a.jpgMột góc Thị xã Hoàng Mai.
 
Theo định hướng, các khu công nghiệp ở Hoàng Mai sẽ là trung tâm công nghiệp của tỉnh. Thị xã còn định hướng xây dựng trung tâm thương mại, chợ, hệ thống các siêu thị cung cấp hàng hóa trung chuyển từ miền Tây Nghệ An xuống Cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn kết nối hệ thống giao thông với QL1, QL48, Ga Hoàng Mai; hệ thống giao thông kéo dài từ Lào qua các huyện miền Tây xuống Hoàng Mai đến Cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn hoặc ra Hà Nội. Đây thực sự là tiềm năng to lớn của thị xã.
 
Ngày 18/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng, phát triển Thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết định hướng Hoàng Mai phát triển đô thị theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, xác định thị xã là 1 trong 3 cực tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đến năm 2020, thị xã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu được công nhận đô thị loại III trước năm 2025. Nghị quyết 11 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Thị xã. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Thị xã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
 
Trong thời gian qua, nhiều dự án lớn, quan trọng đã được thu hút đầu tư vào KCN Hoàng Mai như dự án nhà máy may quy mô 1.000 - 1.500 công nhân của của Tổng công ty dệt may Hà Nội, Nhà máy sản xuất thiết bị y tế của Nhật Bản và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã có những bước đầu trong việc xây dựng bến cảng Đông Hồi. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng như đường số 1,2,3 và các trục đường nội thị đang tiến hành xây dựng theo kế hoạch. Hiện nay, dự án nhà máy nước sạch có công suất 35.000 m3/h đang kêu gọi nhà đầu tư và trình Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch đang được thị xã từng bước xây dựng như chỉnh trang đền Cờn, hang Hoả Tiễn...
 
Sau hơn 1 năm thành lập, hệ thống thương mại, dịch vụ của Thị xã Hoàng Mai đã phát triển nhanh với sự năng động, mạnh dạn của người dân. Dọc 2 bên tuyến đường QL1A vừa mới được nâng cấp, hệ thống dịch vụ đang dần tạo ra bộ mặt đô thị sầm uất. Tại phường Quỳnh Thiện, có trên 500 nhà hàng, khách sạn, ki-ốt kinh doanh, buôn bán. Có 2 chợ (chợ Hoàng Mai và chợ Xí nghiệp Tân Thành) và 40 công ty, doanh nghiệp tư nhân là con em địa phương thành lập; hàng trăm phương tiện vận tải chở vật liệu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Bá Sự, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Thiện cho biết: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn lại của phường không đáng kể, nên chủ trương của phường là phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Các công ty doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện thuê đất để phát triển thương mại, dịch vụ và cùng với đó là cho nhân dân vay vốn mở rộng kinh doanh, buôn bán. Phường cũng đang tập trung nâng cao công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cũng như đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
 
 Trên cơ sở những định hướng đã đề ra, năm 2015, Thị xã Hoàng Mai tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và phát huy tối đa nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Đoàn Hồng Vũ, Bí thư Thị ủy cho biết: Để thực hiện đúng trọng tâm Nghị quyết 11, TX. Hoàng Mai sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: Lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các dự án công nghiệp có quy mô lớn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như: Xi măng Hoàng Mai 2, Nhà máy sắt xốp Kobelco, Nhà máy Nhiệt điện... thu hút đầu tư để nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp gắn với phát triển Cảng Đông Hồi. Tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng thiết yếu; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường giao thông nội thị và giao thông trọng điểm có tính liên kết phát triển kinh tế vùng như đường Thái Hòa - Hoàng Mai - Đông Hồi, các tuyến đường kết nối với Khu kinh tế Nghi Sơn… 
 
 UBND thị xã cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất, bắt đầu tư năm 2015 cho phép Thị xã Hoàng Mai hưởng 100% tiền đấu giá đất theo Nghị quyết 11. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hồng Vũ thì khó khăn hiện nay là nhu cầu đầu tư cho hạ tầng cơ sở là rất  lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực, kinh phí có hạn nên tiến trình đầu tư của thị xã chậm lại. Bên cạnh đó, các dự án động lực để Thị xã Hoàng Mai chuyển dịch nhanh đang chậm triển khai như dự án Nhà máy sắt xốp Kobelco, dự án Nhà máy Nhiệt điện, Cảng Đông Hồi; dự án nhà máy gạch không nung... Thị xã mong muốn các nhà đầu tư nỗ lực, chung tay sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển đúng hướng... 
 
 Phạm Bằng
Năm 2014, tổng giá trị sản xuất của Thị xã Hoàng Mai ước đạt 6.425 tỷ đồng, bằng 100,21% KH, tăng 11,3% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp, xây dựng chiếm 53,2%; dịch vụ, thương mại chiếm 21,36% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 25,44%. Tổng thu ngân sách đạt 322,381 tỷ đồng, bằng 143% dự toán.