(Baonghean) - Hồi còn nhỏ, ở quê thường được nghe mẹ chê bai, dè bỉu ai đó chỉ biết mình mà không cần biết tới người bằng cái câu “của mình thì bo bo, của người thì bò nhai”. Lúc đó, nghe chỉ để mà nghe, không hiểu gì. Lớn lên, có chút chữ nghĩa và đọc trong sách, báo mới biết đó chính là biểu hiện của cái thói tiểu nông ích kỷ. Chỉ cầu lợi cho mình, còn người khác được lợi hay hại thì không thèm để tâm.
Cứ tưởng, cái tư tưởng, tâm lý tiểu nông đó chỉ tồn tại ở những người “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Nhưng hóa ra không phải, cái tập tính khởi thủy từ ruộng đồng, làng xã đã thâm căn, cố đế trong đầu người ta, đến nỗi sau hàng chục năm rời xa đồng ruộng mà vẫn không dứt bỏ được. Cho tới nay, nền kinh tế đã bước vào thời kỳ hội nhập sâu với thế giới, nhiều người đã cởi bỏ áo nâu, quần lá tọa để khoác lên mình bộ comple, cà vạt theo phong cách doanh nhân mà rồi cái thói tiểu nông “cuốc giật vào lòng” chỉ biết chăm bẵm cho quyền lợi của riêng mình vẫn còn đậm nét lắm. Đơn cử như chuyện “lệch pha” dài kỳ giữa giá xăng dầu và giá cước vận tải. Còn nhớ thời kỳ giá xăng tăng như vũ bão, vài ba tuần lên một lượt. Thì cứ hễ đồng hồ chỉ giá ở cây xăng nhích lên là ngay tức khắc đồng hồ tính giá cước vận chuyển trên taxi lập tức tăng vọt lên gấp đôi, gấp ba.
Lúc đó, cho dù các cơ quan quản lý đã làm đủ mọi cách để ngăn chặn tình trạng “tát nước theo mưa”, giá xăng tăng một, giá cước tăng hai, ba để thu lãi bất chính. Nhưng rồi, các doanh nghiệp vẫn tăng giá ào ào khiến giá cả các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao. Thiết lập một mức giá mới để rồi chỉ có lên mà không có xuống. Lúc đó, cả thiên hạ nhìn ngành xăng dầu với con mắt hình viên đạn. Bởi giá xăng, dầu tăng nhanh theo sát giá cả xăng dầu trên thị trường quốc tế còn khi giảm thì lại chậm rãi, từ từ cho dù thế giới đã giảm từ lâu. Bao nhiêu thân phận nghèo khó được khéo léo che đậy dưới cái mác “thu nhập thấp” đời sống vốn đã khổ ải, thiếu thốn trăm bề lại thêm phần điêu đứng vì giá cả tăng cao. Túi tiền của họ vốn đã lép lại càng lép hơn. Trong khi đó, cuối năm ngành xăng dầu vẫn cứ hoan hỉ báo cáo thành tích lãi hàng nghìn tỷ đồng.
Đến nay, tình hình lại đổi khác. Người tiêu dùng bắt đầu nhìn ngành kinh doanh vận tải với con mắt hình viên đạn. Vì lẽ, giá xăng, dầu trong 2 tháng qua đã giảm mấy lần rồi mà các nhà xe vẫn tỉnh bơ, không thèm giảm lấy một xu. Mãi không thấy ai “tự giác”, “chủ động” giảm giá nên tuần vừa rồi, lần lượt Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản đề nghị các sở trực thuộc và cơ quan có liên quan “thúc” các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tính toán lại giá thành, giảm giá cước do giá xăng, dầu đã liên tiếp giảm mạnh vài tháng qua khiến người dân khấp khởi đợi chờ một đợt giảm cước mới. Đi cùng với đó là những lời hiệu triệu giảm cước vận tải để chia sẻ với người dân cũng được đưa ra cũng khiến người dân hởi lòng, hởi dạ. Nhưng không, bất chấp những lời kêu gọi, sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý cũng như sự mong đợi của người tiêu dùng cả nước, ngành kinh doanh vận tải vẫn “án binh bất động” như chưa hề có chuyện gì xả ra.
Khi bị truy hỏi rát quá là sao không chịu giảm giá cước khi giá xăng, dầu đã giảm từ lâu và giảm nhiều lần rồi thì một số đơn vị kinh doanh vận tải cho biết lý do chưa giảm giá cước là còn phải đợi để in lại vé, phải cài đặt lại đồng hồ tính cước, phải dán lại bảng thông báo cước, phải chờ đợi cả ngày để làm các thủ tục…Thế sao họ không nghĩ là khi xăng, dầu tăng giá họ tăng ngay lập tức mà không cần chờ đợi lấy một giây để làm các thủ tục tương tự. Rõ là một sự chống chế thể hiện sự lì lợm, không biết xấu hổ và vô trách nhiệm với cộng đồng. Họ nên biết, nếu vẫn giữ giá cước vận tải ở mức cao. Giá cả các loại hàng hóa vẫn sẽ cao. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là những người lao động nghèo mà còn khiến cho hàng Việt giảm sức cạnh tranh với hàng bên ngoài do giá cao hơn. Ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Đó là một minh chứng rõ ràng cho thói tiểu nông vị kỷ, vô cảm “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.
Dĩ nhiên, để tình trạng này tiếp tục diễn ra có phần lỗi từ sự kiên quyết bảo vệ quyền lợi người dân của các cơ quan quản lý. Nhưng tựu trung là do tâm lý tiểu nông chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt của riêng mình. Như Các- Mác nhận xét về người nông dân: Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống... Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi. Trong các doanh nghiệp của ta ngày nay cũng vậy, thứ tâm lý tiểu nông vẫn cứ tồn tại dai dẳng và làm nên tình trạng “ta hại mình”, níu kéo, kìm hãm sự phát triển của cả đất nước.
Bụt Sơn