(Baonghean) - Báo chí đưa tin, sáng ngày 10/9 vừa rồi, người dân tại xã Ninh An, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã kéo đến bao vây Nhà máy Sản xuất bao bì Thiên Trúc và yêu cầu ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cư dân sinh sống trong vùng.
 
Việc người dân tự phát tụ tập đông người kéo đến bao vây nơi này, nơi nọ gây sức ép nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của họ không còn là chuyện hiếm hoi. Còn nhớ hồi trung tuần tháng tư năm nay, hàng trăm người dân xã Vĩnh Tân của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã tràn ra chặn xe cộ lưu thông trên Quốc lộ 1 làm ách tắc cả một đoạn dài. Mục đích của họ không phải là gây khó cho các tài xế, mà chỉ nhằm gây sức ép buộc chính quyền sở tại và các cơ quan có liên quan giải quyết vấn đề ô nhiễm từ việc bụi xỉ từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bay tràn vào khu dân cư khiến họ không thở nổi. Sự việc kéo dài nhiều tháng trước đó, người dân đã kêu cứu, kiến nghị lên các nơi có thẩm quyền, nhưng đều không được giải quyết nên cực chẳng đã mới phải dùng “hạ sách”  đó để tạo áp lực. Buộc các cơ quan hữu quan phải giải quyết ngay tức thì những yêu cầu chính đáng của họ. Dĩ nhiên, việc chặn quốc lộ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng không làm thế không được việc. 
 
Gần đây nhất, ngày 7/9, hàng chục người nuôi cá bè trên sông Chà Và ở xã Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu đã cùng nhau vác cá chết kéo đến trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu để “ăn vạ” về việc cá của họ bỗng dưng chết hàng loạt nổi trắng cả mặt sông. Còn trước đó, họ đã thuê xe chở cá chết đến rải tại cổng các công ty chế biến hải sản trong vùng. Nghe qua thì có vẻ không được hợp lý cho lắm. Bởi lẽ, giữa việc cá chết với UBND tỉnh chẳng liên quan gì đến nhau. Cá dân nuôi ở dưới sông còn ủy ban làm việc ở trụ sở trên bờ, cách nhau cả mấy chục cây số. “Nước sông không phạm nước giếng” sao lại “ăn vạ” người ta. Nhưng không hẳn là thế, có một sự liên quan không hề nhỏ giữa hai bên... Nguyên nhân, như lời của những người nuôi cá là do các nhà máy chế biến hải sản gần nơi nuôi cá xả thải trực tiếp ra sông Chà Và không qua xử lý khiến cá ngộp thở chết hàng loạt. Người dân đã làm đơn kêu cứu, kiến nghị giải quyết gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng rồi chẳng ai đứng ra giải quyết cho họ cả. Điêu đứng cùng cực, các hộ dân mới hè nhau kéo tới UBND tỉnh gây áp lực để được giúp đỡ. Rất may cho họ, lần này đích thân ông Chủ tịch UBND tỉnh đứng ra gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, ghi nhận sự việc và hứa sẽ xử lý ngay khi có thể.
 
 Dĩ nhiên, chuyện người dân tụ tập đông người kéo đến “bao vây” các cơ quan công quyền, hay chặn đường đi lại gây sức ép để nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của họ là hành vi không đúng pháp luật, rất không nên khuyến khích. Và vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm không xử lý sự việc ngay từ khi mới manh nha, khi dân tình mới có ý kiến phản ánh, mà cứ “mũ ni che tai” để mặc đến khi người ta không chịu đựng nổi nữa phải đứng lên “gây hấn” thì mới chịu đứng ra giải quyết. Căn nguyên do đâu cần phải được phân tích, mổ xẻ, làm rõ và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, đơn vị để chấm dứt ngay tình trạng dân chúng uy hiếp tập thể kiểu đó. Nếu cứ để tình trạng đó tiếp tục kéo dài sẽ làm tổn hại đến uy tín của các cơ quan công quyền. Sâu xa hơn là làm  suy giảm lòng tin của người dân với chính quyền sở tại và rộng ra là với chế độ. Và nguy hiểm hơn, việc đó nếu để kéo dài sẽ hình thành nên thói quen trong dân chúng là hễ không bằng lòng, vừa ý việc gì đó, dù là chính đáng hay không, sẽ lại hò nhau tụ tập gây sức ép để được thỏa mãn các yêu sách của mình.
 
Thế nên, cách hay nhất để chấm dứt những chuyện không mấy hay ho đó là chính quyền các địa phương cần sâu sát cuộc sống để giải quyết ngay từ gốc và tận gốc những vấn đề gây bức xúc trong dân.
 
Duy Hương