Cây bút chính luận kỳ cựu này nhắc rằng, sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Washington đã có cơ hội khá dễ dàng để kết bạn cũng như thiết lập các liên hệ mật thiết về kinh tế và chính trị với Moskva. Tuy nhiên, theo ông Carpenter, thay vào đó, Mỹ đã hành xử một cách ngạo mạn và thô thiển, kích động gây ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Như tác giả lưu ý, Tổng thống thứ 42 của Mỹ là Bill Clinton đã mắc sai lầm khi khơi mào mở rộng lực lượng NATO sang Đông Âu. Năm 1999, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Vacsava trước đây - Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary - đã gia nhập khối liên minh. Chuyên gia Carpenter đánh giá, bước đi này chính là động thái xâm phạm của NATO vào khu vực an ninh của Moskva. Chuyên gia nêu ý kiến, đội ngũ chính quyền ông Clinton cũng xem nhẹ lợi ích của Nga cả trong thời kỳ Liên bang Nam Tư tan rã.
Theo ông Carpenter, hoạt động can thiệp đầy tính phô trương của Mỹ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương ở Bosnia và Kosovo hẳn là nhằm nhấn mạnh rằng, Moskva "đã thua trong Chiến tranh Lạnh", do đó phải im lặng chịu đựng sự lăng mạ sỉ nhục của phương Tây. Chuyên gia này nhận xét: "Khó có thể xem việc mở rộng khối liên minh quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử tới sát biên giới của một cường quốc đang suy yếu lại là cử chỉ thân thiện".
Chuyên gia Carpenter tin rằng, do chính sách ngạo mạn và thiển cận của cựu Tổng thống Clinton, Mỹ đã bỏ lỡ cơ may xây dựng quan hệ lâu dài và xích gần phương Tây với Nga. Ông Carpenter kết luận, đến cuối những năm 1990, đã rõ là hành động của Washington sẽ đẩy thế giới đến bên bờ vực của cuộc Chiến tranh Lạnh mới./.