(Baonghean) - Khi nói về ông La Văn Yêu, già làng bản Cò Phạt, bà con tộc người Đan Lai (Môn Sơn), Con Cuông) ai cũng tự hào và nể phục về một con người có tấm lòng vì dân, vì bản. Năm nay đã 71 tuổi, nhưng ông Yêu đã có 37 năm làm bí thư chi bộ.
Sinh năm 1943, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, cánh rừng hoang sơ Pù Mát, dòng sông Giăng và dòng sữa của những người phụ nữ Đan Lai trong bản đã nuôi dưỡng cậu bé Yêu lớn lên. Cuộc sống nơi sơn cùng thủy tận khiến con người nơi đây phải sống phụ thuộc vào thiên nhiên, nay cánh rừng này, mai cánh rừng khác. Đêm thắp lửa ngủ rừng, ngày đi tìm cái ăn nên không ai học chữ. Ông là một trong những người hiếm hoi của dân làng được đi học khi có bộ đội vào rừng xóa mù chữ cho dân bản. Năm 1964, ông xung phong tham gia vào chiến trường miền Nam. 12 năm tham gia chiến đấu, đi hết chiến trường Quảng Trị, Huế, Buôn Ma Thuột, vào sinh ra tử, ông được kết nạp Đảng ngay trong chiến trường. Hòa bình lập lại, ông Yêu quyết định trở về quê hương. Nhớ ngày về, bà con chạy ra đón với cả tình yêu thương, đêm đó ông thức trắng để kể chuyện chiến đấu, kể cuộc sống của các dân tộc anh em của mọi miền Tổ quốc Việt Nam mà ông đã đi qua cho bà con dân bản nghe.
Năm 1978, ông Yêu được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt. Trải qua 37 năm, ông Yêu luôn canh cánh trong lòng là làm thế nào để cho bà con dân bản không còn nghèo, còn đói. Để làm được điều đó, điều đầu tiên, ông Yêu đã tuyên truyền vận động bà con không duy trì cuộc sống du canh, du cư, nói cho bà con hiểu rõ đốt rừng làm nương sẽ làm đất nghèo đi, rừng không còn sẽ thêm hạn hán lũ lụt, cuộc sống sẽ nghèo đói mãi. Thay vào đó phải ổn định lập bản, tham gia chăn nuôi, trồng lúa nước.
Ông tuyên truyền vận động bà con thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay, dân bản đã có trường học mầm non, tiểu học, có trạm biên phòng giúp dân, có trạm kiểm lâm. Ông phối hợp với các trạm vận động bà con thực hiện tham gia phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn môi trường, phòng trừ dịch bệnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay trong bản đã có 105 hộ, với hơn 18 ha lúa, 1.200 con gia cầm, 100 con trâu, bò, 67 con lợn, dê. Rừng được giữ gìn. Bà La Thị Phượng - Bản Cò Phạt xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chia sẻ: Trước kia khổ lắm, chúng tôi phải lên rừng tìm củ nâu, củ khủa về ăn, đói quanh năm, nay khác rồi, có ruộng lúa, lại được Đảng và Nhà nước quan tâm đầy đủ chúng tôi sướng hơn rồi”.
Dáng người nhỏ thó, nỗi nhọc nhăn in hằn trên gương mặt nhưng tinh thần ông Yêu không bao giờ biết mệt mỏi, đôi chân già không biết đi đến bao nhiêu cánh rừng, vận động dân bản trong, bản ngoài ổn định cuôc sống. Cuộc đời ông đã cống hiến 48 tuổi đảng, đã có những hy sinh bằng máu, bằng nước mắt, trải qua bao nhọc nhằn vì dân, vì bản không thể đếm xuể. Ông Vi Văn Tụ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết: “Đồng chí Yêu luôn nhiệt tình với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ có ông mà cuộc sống dân bản ngày càng ấm no”.
Tường Vi