Một ngày của anh biên tập đầy ắp bài vở cần xử lý nhưng đau đầu nhất là phải trả lời câu hỏi hóc búa của cộng tác viên: Tại sao không đăng?


Sáng hôm nay, Trưởng phòng Thư ký cho tôi xem một phong bì dày cộp như hộp bánh kem xốp.


Liếc qua địa chỉ, tôi khẽ giật mình. Lại cậu bạn cung quê, hồi học lớp mộtthường véo tai tôi. Ba mươi năm rồi. Để xem cậu ta viết lách thế nào? "Tuần trước tớ gửi Tòa soạn tập thơ tình yêu 200 bài. Hẳn ông cũng đã xem. "Chẳng lẽ không được một câu nào lọt mắt xanh các vị sao? Tại sao không đăng? Ông phải góp ý cho mình chứ". Lá thư kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu rồi tiếp. "Lần này mình gửi bản trường ca đầy tâm huyết 2.000 dòng về Bác Hồ nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác đi tìm đường cứu nước. Chắc ông sẽ hài lòng. Chính tớ cũng ngất ngây vì cảm xúc thăng hoa của mình về công ơn trời biển của Bác. Hy vọng báo các ông sẽ đăng bản trường ca vào số cuối tuần tới. Xin ngàn lần cảm ơn".


Tôi lững thững dạo vỉa hè, đầu óc nhức nhối tìm câu trả lời cho ông bạn. Chợt tay ai vỗ bộp vào vai:


- Chào sếp! Vào đây đã, nhà báo nổi tiếng! May quá là may. Đúng là quả đất tròn.


Chúng tôi vào quán cà phê. Ông bạn đồng đôi lôi từ túi xách ra một tập bản thảo dày hơn gang tay, nói liếng thoắng:


- Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tớ: "Một thời khói lửa". Toàn chuyện người thật, việc thật của chúng mình hồi ở chiến trường. Sao cậu ngẩn người ra thế? Cần cho lớp trẻ biết cha anh chúng đã sống và chiến đấu như thế nào để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc chứ. Cậu không theo dõi tình hình biển Đông à. Mang về xem đi và giới thiệu cho tớ một chương. Đấy mới là tập một. Cậu giúp mình nhé, mình đang làm đơn vào Hội Nhà văn.


Ôm tập bản thảo nặng hơn ba ký trên tay, tôi toát cả mồ hôi trán. Đúng là lính tráng, hăm hở viết văn hùng hục như xung trận.


Trưa về, vừa thấy mặt tôi, cô vợ độp ngay:


- Tại sao anh không đăng?


- Đăng cái gì?


- Đừng giả vờ. Thơ chú Năm gửi tuần trước. Em đưa tận tay cho anh còn gì?


Tôi chợt nhớ ra.


- Thơ chú ấy không có vần vè gì cả. Đăng sao được.


- Cần gì vần. Thơ hiện đại phải thế chứ! (không biết ai bơm vào đầu cô ta cái lý luận văn học mới mẻ này). Không đăng cho chú ấy là không xong đâu, sắp về giỗrồi. Chú ấy không thèm nhìn mặt vợ chồng mình đâu.


Tôi ngần ngại:


- Kể ra thì cũng đăng ép được, nhưng bài thơ dài quá. Hay để anh gửi cho Báo Người Cao tuổi, phù hợp hơn. Bài thơ mừng bác Hai lấy vợ lẽ đăng báo đảng không tiện.


Vợ tôi reo lên:


- Báo Người cao tuổi Trung ương à. Thế thì càng hay. Nhưng anh phải viết bài giới thiệu trong mục điểm thơ cho chú ấy (có tiếng điện thoại reng reng...). Chú ấy lại gọi đấy! Anh trả lời đi!


Huy Dương