Báo Đảng nói chung, Báo Nghệ An nói riêng là kênh thông tin chính thống để tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt mua và sử dụng báo Đảng ở các cấp, đơn vị cơ sở còn nhiều trăn trở...

Theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT.TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 03/CT.TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì Báo Đảng nói chung và Báo Nghệ An nói riêng là kênh thông tin chính thống của đảng bộ và chính quyền tỉnh nênngoài các tờ báo, tạp chí khác của đảng, mỗi tổ chức đảng trên địa bàn Nghệ An phải đặt mua 1 tờ Báo Nghệ An. Thế nhưng qua gần 15 năm thực hiện Chỉ thị 11 và gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 03, mục tiêu tưởng đơn giản ấy không dễ hoàn thành.


Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, toàn tỉnh hiện có 11.739 đầu mối tổ chức, cơ sở đảng đồng nghĩa với số cơ sở cần có Báo Nghệ An. Tuy nhiên, số liệu thực mua tính đến quý III-2011 chỉ có 9.567 tờ, đạt 81,5%; (vẫn còn 2.171 chi bộ chưa có Báo Nghệ An) ; tương tự, Báo Nhân Dân mới chỉ đạt 7025 tờ/kỳ, tỷ lệ, đạt 59% (còn 4.713 chi bộ chưa có Báo Nhân Dân).


  767957_small_65640.jpg

              Báo Nghệ An đến với bà con huyện Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan

Một số đơn vị giữ được sự ổn định trong công tác phát hành và có những mô hình sử dụng báo khá tốt, hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Điển hình là Đô Lương, Nam Đàn... Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương số lượngchưa ổn định và bền vững. Để khắc phục tình trạng trên, qua kiểm tra, đôn đốc tại một số huyện cho thấy, mỗi huyện tuỳ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực huyện, thành, thị và Ban Tuyên giáo, mỗi địa phương đều có cách làm khác nhau.


Tại huyện Thanh Chương, sau khi kiểm tra tại một số đảng bộ của địa phương có nhiều chi bộ chưa mua báo Đảng, Ban Tuyên giáo thành lập đoàn công tác đến kiểm tra, khảo sát tìm hiểu kỹ nguyên nhân, xác định điểm mấu chốt cần tháo gỡ. Sau đó đoàn công tác cùng với đơn vị đó đã bàn giải pháp và ký cam kết đặt mua và sử dụng báo có hiệu quả. Bên cạnh đó, Bưu điện huyện cũng có những giải pháp tham mưu về công tác phát hành và sử dụng báo đảng.


Quỳ Hợp là huyện miền núi còn nghèo, kinh phí để hoạt động công tác Đảng còn hạn chế, vì vậy nên nhiều năm qua, việc đặt mua và sử dụng báo Đảng luôn nằm trong tốp cuối của tỉnh. Cuối tháng 4/2011, Thường trực Huyện uỷ kiểm tra nguồn kinh phí, yêu cầu các đảng bộ phải thực hiện nghiêm túc, việc mua và sử dụng báo Đảng, những đơn vị nào không thực hiện sẽ cắt nguồn và hạ loại thi đua.


Huyện Tương Dương có 340 tổ chức, đầu mối cơ sở Đảng, trong đó có 153 chi bộ dân tộc, vùng sâu, vùng xa được cấp báo; số báo đặt mua chỉ có 63 chi bộ, còn 124 chi bộ chưa đặt báo. Toàn huyện có 18 xã, thị nhưng chỉ UBND thị trấn có Báo Nghệ An, 17 UBND xã còn lại không có.


Trước một số TCCS đảng đổ lỗi cho việc khó khăn về kinh phí trong việc đặt mua báo đảng, đồng chí Thái Doãn Hữu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn, thẳng thắn: "Đổ lỗi thiếu kinh phí để không mua báo là hình thức ngụy biện. Nguyên nhân chỉ có thể là một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vaitrò và tầm quan trọng của việc đọc báo Đảng. Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đã không nắm rõ tinh thần Chỉ thị 03 và Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị. Nguồn kinh phí để mua báo Đảng không thiếu, mà ý thức của cấp uỷ, chính quyền đối với sinh mệnh chính trị của địa phương còn buông lỏng, thiếu kiểm tra để chấp hành nghiêm quy định của Đảng".


Một nguyên nhân nữa khiến số lượng phát hành báo Đảng giảm được một số ý kiến ở cơ sở nêu ra là hình thức, nội dung của báo thiếu hấp dẫn, thông tin chưa phong phú, thiếu những cây viết chuyên sâu và những bài viết có tính định hướng cao; các nhân tố điển hình về kinh tế, gương người tốt việc tốt trên báo còn ít... Tính phản biện và giải trí chưa cao, chưa thu hút được bạn đọc, nhất là bạn đọc ở nông thôn.


Để báo Đảng thực sự là món ăn tinh thần, là tài liệu sinh hoạt chi bộ không thể thiếu, các đảng bộ cơ sở cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của báo Đảng. Đồng thời, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân nhất là đảng viên, đoàn viên thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thường xuyên được đọc, học, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng để hiểu, nắm bắt và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Cùng với các giải pháp trên là việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức báo Đảng của các cơ quan báo. Đặc biệt, thông tin phải chính xác, nhanh chóng, thu hút được độc giả và hình thức phải đẹp. Mặt khác, các cơ quan báo Đảng cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển phát của địa phương (Bưu điện tỉnh,...) nâng cao chất lượng phục vụ và bố trí phù hợp hành trình, rút ngắn thời gian vận chuyển để báo chí đến các chi, đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Cần nhân rộng cách làm hay, điển hình có hiệu quả trong mua và sử dụng báo Đảng để các địa phương khác học tập, làm theo.


Đạm Phương