(Baonghean) - Tự vấn là tự hỏi mình. Nhưng trong một số trường hợp cụ thể, thì tự vấn không hẳn là tự hỏi mình mà còn nhằm để hỏi những người chung quanh. Câu tự vấn của ông Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn sau khi cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và thảo luận về nội dung báo cáo này hôm 1/10 vừa rồi, là một câu tự vấn mình và cả “vấn người” như thế.
 
Đó là khi nghe báo cáo xong, ông nói: “Tôi cứ tự hỏi mình tại sao mấy nước xung quanh ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia không biết họ có tái cấu trúc nền kinh tế của họ hay không, mà kinh tế của họ phát triển tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Các đồng chí giải thích giùm tôi được không? Chắc họ cũng khó khăn như ta, cũng bị tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, cũng có những vấn đề nội tại”. Đây là một câu tự vấn đa chiều và trong đó ẩn chứa những thông tin mà có thể giải mã ra thành mấy ý như sau: Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước láng giềng, từ nước to, có tiềm lực kinh tế nhất, nhì thế giới là Trung Quốc cho đến các nước bé, tiềm lực kinh tế hầu như chưa có tên trên bản đồ kinh tế thế giới như Lào, Campuchia đều có tốc độ tăng trưởng tốt hơn ta. Có thể họ có tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế giống ta, nhưng cũng có thể là không, mà cứ lẳng lặng làm tất cả những gì có thể làm được để đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khăn. Không có những chương trình, kế hoạch nghe rất hoành tráng, không có những tuyên bố theo kiểu “đao to, búa lớn”, mà rồi kinh tế của họ vẫn phát triển tốt. Còn ta, có cả một chương trình, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế được trình bày rất quy mô, hoành tráng, nhưng có vẻ vẫn chưa đạt được kết quả như các láng giềng của ta. Điều đó cũng đồng nghĩa, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua của ta chưa đạt được kết quả như mong đợi, nếu như không muốn nói là dậm chân tại chỗ. Lý do của sự chậm trễ, yếu kém này, hẳn không phải là do khách quan, do tác động của kinh tế thế giới, vì lẽ “họ cũng khó khăn như ta, cũng bị tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, cũng có những vấn đề nội tại”, mà họ vẫn vươn lên được.
 
Như vậy, lỗi này do chính chúng ta chứ không thể đổ thừa cho ai được. Và có người đã “giải thích giùm” theo lời đề nghị của ông Phó Chủ tịch Quốc hội. Đó là sau khi nghe trình bày về sự kỳ công của cuộc giám sát tái cơ cấu nền kinh tế với con số ấn tượng: Có tới hơn 6.000 trang báo cáo từ các địa phương, bộ, ngành. Từ số báo cáo khổng lồ này, Ủy ban Kinh tế đã tổng hợp trong một báo cáo dài 37 trang, khuyến mại thêm 79 trang “phụ lục”. Và có tới 161 kiến nghị các loại. Nhưng ngay chữ đầu tiên trong phát biểu của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã khẳng định, trong đống tài liệu đồ sộ đó có một cái “thiếu” rất cơ bản, rất quan trọng. Đó là thiếu “trách nhiệm”. Ông nói: “Tôi là tác giả của hàng trăm báo cáo giám sát, nhưng thấy báo cáo này thiếu một vấn đề quan trọng là trách nhiệm". Tái cơ cấu liên quan đến thể chế, thì ba năm qua thể chế gì đi vào cuộc sống và như thế nào? Thể chế gì không phù hợp, tại sao? Thể chế nào còn thiếu? Trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là có, nhưng báo cáo này chưa thấy". Rồi ông Quyền thổ lộ: “Đại biểu Quốc hội muốn nghe vấn đề đầu tiên là trách nhiệm. Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, Quốc hội, bộ, ngành, địa phương đến đâu khi rất nhiều mô hình không đi vào cuộc sống”. Nhưng tiếc rằng, mong muốn giản dị đó của các vị đại biểu của dân đã không được đáp ứng. Ngay sau phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền, với tư cách Chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc ngay “Cái này cần chú ý”. Bà nói: “Qua giám sát, cần chỉ ra trách nhiệm trong việc chậm tái cơ cấu, trong việc chậm ban hành chính sách, trong việc không thực hiện, thực hiện không hiệu quả. Bởi có trách nhiệm thì mới có thể làm tốt hơn được”. Từ đây, đã có thể đi đến một kết luận là chương trình tái cơ cấu nền kinh tế của ta thời gian qua chậm, chưa đạt được kết quả như mong đợi là do thiếu trách nhiệm. Muốn thúc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và để có kết quả tốt hơn, thì phải phân định và quy trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng. Còn nếu cứ tiếp tục làm mà không có trách nhiệm, thì công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ như nhận định của một chuyên gia kinh tế nổi tiếng là “tái mãi mà không chín”.
 
Thế nên, trong thời gian tới, bên cạnh chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, cũng nên có thêm chương trình tái cơ cấu... trách nhiệm.
 
Duy Hương