“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”
                                 Bác Hồ
Từ nhỏ mình đã biết hai câu thơ này, đã thuộc lòng và rất yêu thích nó. Trẻ em là trẻ em, trẻ em không thể là và không bao giờ là người lớn thu nhỏ. Mỗi hành vi ứng xử với trẻ em đều có một ý nghĩa quan trọng trong hình thành nhân cách của các bé. 
 
Sáng hôm vừa rồi, nhân ngày khuyến học, mình được tham dự lễ tôn vinh thành tích và khen thưởng cho học sinh đạt thành tích xuất sắc của một trường tiểu học nọ. Có một điều thực ra lâu nay cũng đã quen thuộc những vẫn cứ làm mình suy nghĩ, ấy là vị đại diện đoàn đại biểu lên trao phần thường cho các cháu bằng những chiếc phong bì. Qua tìm hiểu mình được biết có 3 mức quà: “loại một” 100 ngàn đồng, “loại hai” 70 ngàn đồng và “loại ba” 50 ngàn đồng. Nhìn những đứa bé mặc đồng phục trên bục danh dự, lóng nga lóng ngóng nhận những chiếc phong bì, lại còn phải “đứng yên để các cô chụp ảnh” cứ thấy tồi tội thế nào ấy. Rất có thể những tấm hình ấy sẽ được treo trong phòng truyền thống của nhà trường. Chuyện này làm mình nhớ lại ngày xưa. Cuối năm học vỡ lòng, mình được cô giáo khen và thường cho 5 cuốn vở cùng một hộp bút chì. Xét về giá trị vật chất, ngày ấy 5 cuốn vở cộng với hộp bút chì chắc có lẽ cũng đã là một “món” kha khá. Tuy nhiên, trẻ con không hề biết và cũng chẳng quan trọng điều đó. Cái cảm giác mà đến tận bây giờ mình vẫn còn nhớ như in là 5 cuốn vở ấy có mùi giấy mới thơm phức lúc mình mở ra và áp lên mũi trước khi chạy thật nhanh để về nhà khoe với mẹ. Còn hộp bút chì, bố “xin” một chiếc để tặng lại cho anh Hải và dặn “cố gắng học hành mà nhận phần thưởng như em nó đây này”. Lớn lên, khi đã bước vào đời, không ít lần mình được lên bục danh dự để nhận những danh hiệu thi đua khác. Nhưng quả thực chưa bao giờ có được cái cảm giác của 5 cuốn vở và hộp bút chì của ngày xưa... 
 
Bây giờ người ta trao thưởng cho các cháu bằng tiền. Ban đầu thấy ngồ ngộ nhưng rồi nó cũng quen. Quen với người nhận, quen cả với người trao lẫn kẻ... vỗ tay. Biết làm sao được, thời của phong bì mà! Không phải là người nghiên cứu tâm lý trẻ em nên mình không dám phát biểu nhiều về những “tác dụng to lớn” hay “hậu quả khó lường” của nó mang lại. Có thể những người “đã từng là trẻ em” đã có những tính toán sâu xa nào đó. Nhưng cũng có thể chỉ là những cái tặc lưỡi lười biếng theo kiểu “Úi chà, bọn này bây giờ đâu có thiếu thứ gì. Tiền cho nó gọn!”. Tất nhiên tiền thì vừa gọn cho người trao, vừa khỏe cho người tổ chức, lại vừa... minh bạch cho người thanh toán.  Chỉ có điều có lẽ nó (tiền) là khoản thưởng cho phụ huynh chứ không hẳn là cho các cháu. Không biết cái cảm xúc của các cháu khi trao lại phong bì cho bố mẹ sẽ như thế nào, nhưng mình nghĩ chắc có lẽ không giống với những cuốn vở và hộp bút chì của mình ngày xưa. Lại nghe nói có gã nào đó say rượu rồi chế câu “khuyến học khuyến tài” thành “khuyến học khuyến... tiền”. Bậy thật!
 
Tan lễ, mình cùng mọi người hòa vào dòng học sinh tíu tít ra cổng trường. Những vị phụ huynh đã đợi sẵn để đón con. Bất chợt nhìn thấy một đứa trẻ chạy vọt lên trước mặt người phụ nữ vừa bước xuống từ chiếc xe bốn chỗ rồi hét toáng: “Dì Hoa ơi, bạn Hương nhà dì được khen, nhưng là loại năm chục chứ không phải loại bảy chục”. Ồ, trẻ con bây giờ cũng quan tâm đến tiền đấy chứ. Không biết tư tưởng này người lớn đã kịp “tặng” cho các cháu bao giờ nhỉ!
 
“Công việc” của trẻ em là “biết ăn, biết ngủ, biết học hành” và chỉ như thế mới “ngoan”. Cho trẻ em biết thêm nhiều thứ khác liệu các cháu có bớt “ngoan” không nhỉ? Trẻ em từng được ví như những tờ giấy trắng. Mỗi chữ chúng ta viết lên đó đều có thể theo các cháu suốt cả cuộc đời, kể cả chữ “tiền”. Cuối tuần cà phê lai rai, không dám kết luận gì. Nhưng dẫu sao “của cho cũng không bằng cách cho”. Ấy là cha ông mình nói vậy!
 
Nguyễn Khắc An