(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 796/QĐ-UBND.ĐT ngày 6/3/2014 của UBND tỉnh về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai trên địa bàn tỉnh; hai đoàn kiểm tra đã làm việc khẩn trương và nghiêm túc. Qua báo cáo của đoàn kiểm tra số 1 (do sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) cho thấy, các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai với thực trạng như hiện nay thì việc xử lý rất khó khăn.
Những dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện, gây lãng phí đất đai thì giải pháp tích cực nhất là thu hồi đất. Nhưng sau khi thu hồi đất có nhiều vấn đề đặt ra: Tìm nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án hay trả đất về cho địa phương quản lý? Giải quyết phần vốn nhà đầu tư đã bỏ ra như thế nào? Có hoàn lại tiền thuê đất cho nhà đầu tư? Điều chỉnh quy hoạch chi tiết các hạng mục, công trình cho phù hợp với điều kiện thực tế là giải pháp nhằm tăng tính thực thi của dự án. Nhưng trong 17 dự án được kiểm tra (đợt 1) chỉ có 3 nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch. Đó là: Dự án xây dựng Showroom chế biến và mua bán lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp tư nhân Hải Linh xin điều chỉnh sang mục đích xây dựng cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng làm việc của Công ty TNHH Hoàng Minh xin điều chỉnh hạng mục khách sạn 6 tầng thành hạng mục nhà hàng hoặc nhà kho thương mại và Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Quyết Thắng xin điều chỉnh cục bộ hạng mục xây dựng khách sạn để xây dựng Trung tâm thương mại phù hợp với khu đất (thực chất là bỏ hạng mục khách sạn). Như vậy, các nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm đầu tư cho dự án, không xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Các dự án khác không bị thu hồi đất, không điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có giải pháp duy nhất là tiếp tục triển khai thực hiện. Nhưng các dự án này nếu tiếp tục thực hiện liệu có đem lại hiệu quả? Đơn cử như nhóm dịch vụ thương mại có 8 dự án, bị thu hồi đất 2 dự án, còn lại 6 dự án tiếp tục xây dựng các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại liệu có phát huy được hiệu quả khi trên địa bàn TP. Vinh, các loại cơ sở dịch vụ này đã bảo hòa. Hầu hết các dự án đều mới san lấp mặt bằng, xây tường bao quanh, đất bỏ hoang nhiều năm không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì việc tiếp tục thực hiện dự án là một bài toán khó, nhà đầu tư phải tính toán lại từ đầu. Trong quy hoạch được duyệt, các dự án đều có những công trình “hoành tráng” như khách sạn cao tầng, nhà làm việc hiện đại, siêu thị, trung tâm thương mại. Khi thị trường bất động sản chưa “tan băng”, nợ xấu ngân hàng chưa giải quyết hết thì các nhà đầu tư khó tìm được nguồn vốn để xây dựng các công trình với quy mô như thế.
Trong báo cáo của đoàn kiểm tra ghi yêu cầu cụ thể đối với các dự án được tiếp tục thực hiện như sau: “Khẩn trương triển khai thực hiện dự án đầu tư và đưa đất được thuê vào sử dụng theo quy hoạch và pháp luật, chậm nhất là đến ngày 30/6/2015 phải tiến hành xây dựng các công trình theo quy hoạch được duyệt và đưa toàn bộ dự án vào sử dụng theo tiến độ cam kết”. Để dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện, trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà đầu tư. Nhưng xác định mốc thời gian hoàn thành dự án ngắn như vậy, trong điều kiện hiện nay các nhà đầu tư rất khó thực hiện. Trong các dự án được tiếp tục thực hiện, chỉ có 3 dự án xây dựng được một số công trình nhưng là nhà tạm, nhà tre nứa, móng trụ, còn lại đều chỉ mới san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh. Thế nhưng các nhà đầu tư vẫn cam kết hoàn thành dự án sớm nhất là năm 2015, chậm nhất là năm 2017; thực chất đây là sự cam kết có tính đối phó, không có khả năng thực thi.
Phải thừa nhận một thực tế là trong cơn sốt đất đai trước đây, một số nhà đầu tư đã lập dự án để kinh doanh đất lấy vốn xây dựng công trình. Thị trường bất động sản “đóng băng”, các nhà đầu tư phải “ôm” đất dự án chờ thời cơ. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho nhiều dự án chậm tiến độ, không triển khai, đất bỏ hoang lãng phí nhiều năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tìm các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp các nhà đầu tư thực hiện dự án có hiệu quả. Cơ quan tham mưu cấp phép phải khảo sát thị trường để tính toán lại nhu cầu thực tế của từng dự án, căn cứ năng lực tài chính của từng nhà đầu tư để quyết định dự án nào được tiếp tục triển khai. Những dự án không có tính khả thi, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính thì phải kiên quyết thu hồi.
Vẫn biết rằng, thu hồi dự án sẽ nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhưng không vì thế mà dây dưa kéo dài. Dự án treo không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây tác động xấu trong dư luận, bởi vậy phải được giải quyết dứt điểm.
Trần Hồng Cơ