(Baonghean) - Những năm 60 của thế kỷ trước, các tập đoàn sản xuất của cán bộ miền Nam tập kết đã lên miền Tây Nghệ An khai phá rừng hoang xây dựng các nông, lâm trường quốc doanh, làm giàu cho vùng đất rộng lớn của tỉnh nhà.
 
Trước thời kỳ đổi mới, do cơ chế quản lý tập trung bao cấp nên hiệu quả sản xuất kinh, doanh của các nông, lâm trường quốc doanh rất hạn chế mặc dù lực lượng lao động và nguồn quỹ đất rất lớn. Trong sự chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế thị trường, các nông, lâm trường quốc doanh được sắp xếp, tổ chức lại theo các nghị định của Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh. 
 
Sau nhiều lần sắp xếp, tính đến ngày 30/6/2014, trên địa bàn Nghệ An có 12 công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp (được chuyển đổi từ các nông, lâm trường); 11 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 ban quản lý rừng đặc dụng (trong đó có 9 ban chuyển đổi từ các công ty lâm nghiệp và lâm trường quốc doanh). Qua sắp xếp, bộ máy tổ chức của các nông, lâm trường được đổi mới, phù hợp với cơ chế thị trường nên hoạt động hiệu quả hơn, nhưng việc quản lý đất đai khó khăn hơn. Trước khi sắp xếp, tổng diện tích đất các nông, lâm trường quản lý là 223.733,14 ha, sau khi sắp xếp lên đến 504.883,30 ha, tăng 281.150,16 ha so với trước. Diện tích đất còn đang tranh chấp, lấn chiếm trước khi sắp xếp (năm 2005) là 3.301,04 ha, sau khi sắp xếp vẫn còn 1.853,64 ha. Diện tích đất đã giao về cho địa phương quản lý từ năm 2005 đến 31/12/2012 là 89.184,13 ha (đạt 117,07% dự kiến kế hoạch). Tuy nhiên, tình trạng nhân dân các địa phương thiếu đất sản xuất (có nơi thiếu cả đất ở) vẫn diễn ra gay gắt làm cho việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai càng thêm phức tạp. Đất sản xuất của các nông, lâm trường được giao khoán cho từng gia đình công nhân, hiệu quả sử dụng cao hơn trước. Nhưng nhiều hộ công nhân viên sau khi được nghỉ chế độ, các công ty không thu hồi lại đất để giao cho các hộ công nhân viên khác và công nhân mới tuyển đã gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai và công tác khoán quản của công ty. Tình trạng cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác rà soát quỹ đất được giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP và đóng mốc ranh giới chưa thực hiện được. 
 
Từ thực trạng trên đây đặt ra một vấn đề cấp thiết: Phải quy hoạch lại và thực hiện thủ tục giao đất cho các công ty, các ban quản lý đúng theo quy định của Luật đất đai. Việc giao đất phải hợp lý, vừa bảo đảm đủ diện tích đất cho các công ty, ban quản lý phát triển sản xuất vừa bảo đảm đất sản xuất và đất ở cho người dân địa phương. Đối với các hộ nhận khoán đất nông, lâm trường phải thực hiện việc giao quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Một khó khăn hiện nay là diện tích đất của các công ty, ban quản lý đều chưa được đo vẽ và cắm mốc ranh giới trên thực địa. Việc rà soát quỹ đất của các nông, lâm trường trong những năm trước đây đều thông qua sổ sách, căn cứ hồ sơ giao khoán, không bảo đảm chính xác và không có hồ sơ địa chính. Do không có kinh phí để đo vẽ bản đồ, cắm mốc ranh giới nên tất cả các công ty nông, lâm nghiệp; ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều chưa có căn cứ để giao đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. UBND tỉnh mới cấp kinh phí cho 3 đơn vị (Công ty rau quả 19/5 Nghệ An, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, Con Cuông) để tổ chức đo vẽ, căm mốc nhưng chưa hoàn chỉnh nên chưa thể cấp bìa đất, làm thủ tục cho thuê đất theo quy định. 
 
Chừng nào việc giao đất còn căn cứ trên hồ sơ sổ sách, không căn cứ trên thực địa thì việc quản lý đất còn mang tình hình thức. Phải có một giải pháp căn cơ xuất phát từ thực tế “hiện trường” sử dụng đất để giải quyết các vấn đề phức tạp trong quản lý đất đai hiện nay. Quản lý đất nông, lâm trường không chỉ liên quan đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, của từng địa phương mà còn liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bởi vậy, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết tốt vấn đề này.
 
Trần Hồng Cơ