(Baonghean) - Trong suốt chặng đường 30 năm đổi mới, báo chí Việt Nam đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian báo chí nước nhà bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, mà nguyên nhân chủ yếu, như nhiều người thống nhất nhận định là do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường. Nói gọn lại là báo chí bị thương mại hóa, chịu sự chi phối của đồng tiền.
Sự lệ thuộc vào đồng tiền “phát lộ” qua một số hiện tượng như: xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo cũng như của nền báo chí cách mạng. Xa rời đạo đức người làm báo mà bỏ qua chức năng tuyên truyền tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội. Tập trung vào những mảng, miếng đem lại lợi nhuận cao cho tòa soạn cũng như cá nhân phóng viên theo cách đưa những thông tin giật gân, câu khách bất chấp hậu quả, nhằm tăng lượng phát hành. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện trên những trang báo điện tử mới ra đời mà có ở cả một số tờ báo điện tử, báo in đã có chỗ đứng, khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả.
Dùng báo chí như một thứ vũ khí can thiệp sâu vào nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều nơi… khá nhiều vụ việc phóng viên bị các cơ quan pháp luật xử lý trong thời gian qua là những minh chứng. Đáng báo động hơn cả là nếu như những biểu hiện tiêu cực đó, trước đây chủ yếu chỉ xảy ra ở những tờ báo nhỏ, báo ngành, thì nay đã lan sang cả những tờ báo lớn, có uy tín (bao gồm cả báo viết, báo nói và báo hình). Cứ nhìn vào danh sách xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua sẽ thấy hiện tượng đó. Nghĩa là tiêu cực trong nghề báo đã lan rộng, ăn sâu và “leo cao” tới những nơi tưởng như là bất khả xâm phạm.
Như đề cập, báo chí đang bị thương mại hóa, chịu sự chi phối của đồng tiền. Thế nên, cần phải giảm dần sự lệ thuộc của báo chí vào tiền bạc. Phải làm sao cho tiền bạc không còn chi phối được cái đầu và ngòi bút của những người làm báo. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, như thông lệ xưa nay chúng ta vẫn bàn, vẫn nói là phải giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo. Việc này thì các cấp hội, các cơ quan báo chí đã làm nhiều, làm thường xuyên rồi. Nhưng thực tế thì lại vẫn như đã nêu ở trên. Tình trạng tiêu cực, vi phạm đạo đức người làm báo ở trong các cơ quan báo chí và ở phóng viên vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội.
Để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng ấy, có lẽ chúng ta phải quay lại với nguyên lý mà ông cha ta đã vận dụng từ rất lâu rồi là “có thực mới vực được đạo”. Lệ thuộc vào đồng tiền vì cần tiền trong hoàn cảnh túng thiếu. Mà đã đói thì ăn vụng, đã túng thì làm liều. Bất chấp đúng, sai, phải trái. Bất chấp đạo lý làm người, đạo đức nghề nghiệp. Nhìn vào mức thu nhập chính đáng, hợp pháp của những người viết báo thì biết ngay là chưa thể no đủ, sung túc được. Nhất là với những tờ báo không có nguồn trợ cấp ổn định từ ngân sách mà phải hoạt động theo kiểu “tự cung, tự cấp”. Các phóng viên thì không có lương từ tòa soạn mà chỉ có tư cách pháp nhân để dựa vào đó tự bươn trải kiếm sống và có khi còn phải có nghĩa vụ đóng góp trở lại cho tòa soạn. Như thế khó giữ được đạo lắm.
Vì thế, không thể tuyên truyền, vận động, giáo dục giữ đạo đức suông được, mà đi cùng với đó phải có cách tạo điều kiện cho người ta giữ được đạo. Và cách hiệu quả nhất là phải báo đảm được nồi cơm, tấm áo cho những người cầm bút. Còn làm thế nào để bảo đảm cho phóng viên có cuộc sống tương đối, đủ để họ không gây phiền nhiễu cho xã hội thì là một bài toán tổng hợp với nhiều lời giải, nhiều đáp án khác nhau tùy thuộc vào tình hình, vị thế, cách thức và cả sự năng động của mỗi tờ báo. Cơ bản là không duy ý chí để rồi nói nhiều, làm nhiều mà hiệu quả của việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không đạt được bao nhiêu. Đây là một việc khó, nhưng không phải là không thực hiện được vì trong thực tế thì đã có tờ báo đảng ở địa phương làm được điều đó.
Đi cùng với đó, chúng ta cũng nên quy hoạch lại hệ thống báo chí theo hướng tinh gọn, tránh dàn trải để vừa dễ quản lý, vừa không lãng phí nguồn lực báo chí. Vì trong lĩnh vực tuyên truyền “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, không cần quá nhiều báo chí mà chỉ cần làm cho đúng, trúng, hay, hấp dẫn là đủ. Cuối cùng, xin gút lại là cần phải dùng “thực” để giữ “đạo”. Làm như vậy, vừa giữ gìn, củng cố và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Vừa tạo tiền đề để đến năm 2025, các cơ quan báo chí tự hạch toán, Nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đối với các ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước theo như Đề án quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 đề ra và đã được Bộ Chính trị thông qua.
Duy Hương