(Baonghean) - Hồi đi học, 5 điều Bác Hồ dạy mình vẫn thấy khó nhất là "thật thà". Nói nào ngay, trẻ con thường hay phải nói dối, dù chỉ là những chuyện bé tí bằng cái mắt muỗi. Nhịn quà sáng để mua kẹo mút tặng bạn gái, đi học từ... giữa trưa để đi hái trộm xoài nhà trường, được nghỉ sớm không về nhà mà đi la cà ăn quà vặt... Thật thà đúng là khó, rất khó, quá khó. Khi bé đã thế, khi lớn lên cũng không khác mấy.
Mãi đến khi đi công tác miền ngược, mình mới phải xem xét lại nhận định kể trên. Bởi vì bà con mình trên ấy thật thà vô cùng. Cái gì làm được, cái gì không làm được, họ hồn nhiên nói thẳng, nói thật. Không vòng vo dẫn dắt, biện minh, cũng không có cái gọi là "chúng mình với nhau thì nói thế thôi chứ đừng báo cáo lại cấp trên". Sự thật thà của họ phải có hai chiều. Nghĩa là họ nói với mình rất thật, thì mình nói với họ cũng phải bằng người thật, việc thật. Ví dụ, nói với họ: trồng con này, cây này có lợi, thì phải trồng cho họ thấy cái lợi ở đâu, họ mới tin là thật. Có người thì cho rằng đó là sự đơn giản đến mức ngô nghê. Mình thì lại cho rằng đó là sự thật thà một cách đáng yêu. Đôi khi hơi cứng nhắc, ví dụ như có lần một đồng chí cán bộ người dân tộc thiểu số nọ nhất quyết không chịu làm việc với mình vì mình chưa được cấp thẻ nhà báo. Các đồng chí lãnh đạo phải trực tiếp dắt mình đến tận nơi, nói hết lời nhưng đáp lại vẫn là: "Nhà báo thì phải có thẻ nhà báo. Thông tin của nhà nước, của chính quyền, tôi phải bảo vệ". Cũng là một kỷ niệm tác nghiệp dở khóc dở cười mà mấy ông bạn đồng nghiệp vẫn thường trêu mình: "Đồng bào chưa tiếp thì chưa phải là nhà báo!".
Cũng nói về sự thật, gần đây dư luận đang rộ lên vụ một chương trình truyền hình đưa tin cho rằng một cầu thủ bóng đá đang lên gian lận tuổi tác. Đáng ngạc nhiên ở chỗ, trước nay hễ truyền thông "phanh phui chân tướng" sự việc gì, công chúng đều hưởng ứng vì muốn nghe, muốn biết sự thật. Lần này, số đông không đồng tình với chương trình nói trên, mà còn chỉ trích nhà đài thậm tệ và đồng loạt bênh vực cho cầu thủ kia. Tại sao lại thế? Thứ nhất, chênh lệch một vài tuổi thực ra cũng không có gì nghiêm trọng. Nhược bằng cầu thủ kia có già hơn một chút thật, thì có làm sao? Sự thật là anh này vẫn chơi bóng hay, đạo đức tư cách tốt, thì người ta chẳng có lý do gì để bắt bẻ chỉ vì anh này lỡ... sinh sớm. Thứ hai, thà rằng anh này có gây ra vụ tai tiếng gì để truyền thông ít ra còn có cớ "tát nước theo mưa" (một chiêu trò câu kéo dư luận không mấy xa lạ). Đằng này cứ thích "bắn súng vào mặt hồ đang yên ả", tự nhiên sẽ thành một hành động rỗi hơi và kém nhân văn, vì chẳng đi đến cái đích nào xứng đáng.
Vậy thì tóm lại, phải đẩy ranh giới sự thật đi xa đến đâu? Mình nghĩ, cái mà chúng ta cần biết, nên biết và phải biết là một sự thật tương đối thôi. Có nghĩa là một sự thật mang lại giá trị thực tiễn nào đó. Nói cho đồng bào miền núi hay bao nhiêu cũng không có tính minh hoạ cao bằng một đấu thóc, đấu gạo. Bình luận, phê bình, tung hô bao nhiêu cũng không bằng một bàn thắng hay. Chúng ta phải chấp nhận rằng, đạt đến sự tuyệt đối một cách lý thuyết và lý tưởng là rất khó, thậm chí là không thể. Đó cũng là một lời thú nhận rất... thật thà vậy!
Hải Triều