(Baonghean) - Ngày 20/11/2014, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP  về chính sách tinh giản biên chế, theo đó có 12 đối tượng sẽ thuộc diện được “ưu tiên” gọi tên trong đợt này. Có thể nói, đây là một trong những biện pháp khá mạnh tay cho lộ trình lành mạnh hóa bộ máy cồng kềnh đang “ra sức thi đua” hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
 
Ngay trước đó, nghị trường cũng đã tăng nhiệt vì chuyện “khất nâng lương” trong năm 2015 với lý do không thể quen thuộc hơn là “móm” tiền. 75% ngân sách dành chi thường xuyên, mà chủ yếu trong ấy là trả lương nuôi bộ máy đã đưa chúng ta thẳng tiến vào danh sách những quốc gia có đội ngũ cán bộ hưởng lương từ ngân sách thuộc hàng hùng hậu bậc nhất thế giới! 
 
Để dễ bề hình dung, xin được so sánh, tổng dân số ở Mỹ hiện tại là 315 triệu người, nhưng số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2,1 triệu người. Trong lúc đó dân số nước ta hiện tại khoảng 90 triệu người và số đang hưởng lương trong hệ thống bộ máy các cơ quan nhà nước lại suýt soát 3 triệu. Tại sao chúng ta lại có một bộ máy đáng “nể” như vậy? Nguyên nhân có lẽ rất nhiều chúng tôi cũng đã có lần đề cập. Tạm gác lại những gì thuộc về cơ chế, về chính sách mặc dù nó đang bộc lộ không ít bất cập. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, xin đề cập đến một nguyên nhân khác, từ phía người dân và có thể nói nó tồn tại như một dạng tâm lý xã hội - tâm lý chuộng “biên chế”.
 
images1092828_timthumb.jpgTranh minh họa
 
Chắc chúng ta chưa quên, vả lại trên các trang mạng vẫn còn lưu rất nhiều hình ảnh của cách đây vài tháng, trên đường Giảng Võ, đoạn trước cổng Cục Thuế Hà Nội liên tục tắc trong nhiều ngày, chỉ vì cả ngàn ứng viên đến mua hồ sơ thi tuyển vào công chức ngành Thuế. Người ta cơm đùm cơm nắm ùn ùn đến từ sáng sớm, người ta chen chúc xếp hàng và nhẫn nại chờ đến lượt mình được mua hồ sơ, cho dù phần đông họ thừa biết cơ hội để được thỏa mãn giấc mơ công chức là cực kỳ mong manh. Không riêng gì Hà Nội, cũng không riêng gì ngành Thuế, dù bất cứ ở đâu, dù bất cứ thời điểm nào hễ có thông báo tuyển dụng là ngay lập tức hàng trăm bộ hồ sơ “đẹp” cùng những bức “mật thư” tới tấp có mặt. Đội “cò” việc có đất làm ăn. Đấy mới chỉ là một phân cảnh nhỏ được cắt ra từ những thước phim sống động của thực trạng việc làm. Nhu cầu được làm việc là một nhu cầu hơn cả chính đáng, tất nhiên phải được trân trọng và khuyến khích. Nhưng nhất thiết phải “cống hiến” trong cơ quan nhà nước lại là một chuyện khác. Phải vào nhà nước, phải vào bằng được biên chế là tư tưởng “sắt đá” của một bộ phận người trẻ được dìu dắt bởi khát vọng thâm căn cố đế mà họ và cả phụ huynh của họ đã nung nấu. Có lẽ tâm lý “chạy” vào biên chế là đặc sản riêng có của xứ ta. Kết quả từ một điều tra “cho vui” của thầy giáo Trần Đình Trợ ở Hương Sơn - Hà Tĩnh vừa qua là tình trạng phổ biến: Có 45/45 em đi học bằng xe đạp nhưng lại chỉ có 3 em phân biệt được đâu là líp và còn đâu là đĩa, cũng chỉ có 10 em nhận thấy sự khác nhau giữa săm và lốp, tất nhiên là không có em nào biết sửa xe. Tuy nhiên, điều làm chúng ta bất ngờ hơn cả lại là cả 45/45 em đều chung mong muốn trở thành cán bộ nhà nước! Thật là xúc động! Vâng, không phải là chủ doanh nghiệp, không phải là anh thợ cơ khí hay cô nhân viên bán hàng, nơi vẫy gọi các em - những người không phân biệt được líp và đĩa phải là “cán bộ nhà nước” cơ. Tại sao vậy? Điều gì đang gieo vào các em? Các em muốn được cống hiến hay vì điều gì hấp dẫn khác? Để tìm đúng nguyên nhân chắc có lẽ cũng cần nhận được sự nghiên cứu một cách toàn diện và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, thực trạng là chuyện không phải bàn cãi. 
 
Một bộ phận vẫn ngang nhiên cho rằng “biên chế nhà nước” là một đẳng cấp nằm trên, thậm chí trên rất xa so với đi “làm ngoài”. Người ta tự hào khi vỗ ngực khoe mình, hoặc khoe con em mình đang công tác phòng này ban nọ. Người ta coi biên chế như là một thứ chứng chỉ lấp lánh để làm dáng với thiên hạ. Thậm chí khối cô suýt ế chồng bỗng đắt khách như tôm tươi cũng nhờ biên chế. Qua được cửa ải biên chế coi như ổn, là sướng, là “anh muốn sống bên em trọn đời”. Có câu chuyện rằng, chị nọ nhận được quyết định tuyển dụng, mừng quá, mừng đến phát cuồng, vừa chạy quanh làng vừa hát: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Tay cầm quyết định đời đời ấm no”. Lại nghe nói có dòng họ mỗi dịp giỗ chạp đều có mâm riêng cho “cán bộ nhà nước”. Khiếp! Có lẽ là chuyện bịa, nhưng chắc chi đã bịa hoàn toàn. Người ta muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tốt quá! Rất tiếc, số thực sự có tâm, có tài, mang theo hoài bão vào cơ quan nhà nước để phục vụ, để cống hiến, để trở thành công bộc của dân thì sợ rằng hỡi ơi hiếm lắm. Những người chày cối vào bằng mọi giá đôi khi lại là những người đi tìm kiếm sự an nhàn. Họ không dám đối diện với thử thách của cuộc sống, họ tìm mọi cách vào biên chế nhà nước để trước hết là yên thân, khi có cơ hội thì tiến thân. Bộ máy càng nảy nở thì sự lãng phí càng ghê gớm. Đáng lẽ chỉ cần 1 người làm việc là đủ thì lại chia ra 4 người ngồi chơi cho... đều. Hình như cái tư duy “không làm vẫn cứ có lương, về già còn có đồng tiền hưu” đã biến không ít người, không ít gia đình vừa trở thành nạn nhân vừa trở thành thủ phạm của câu chuyện. Những người xung quanh không còn nhận ra họ, họ cũng không còn nhận ra chính mình. Vậy nhưng họ vẫn gọi những người “phi biên chế” bằng hai tiếng “làm ngoài” có khi đầy miệt thị.
 
Năm ngoái, người viết bài này có dịp gặp một trường hợp gia đình nọ khá giàu có với nghề chế biến thủy hải sản. Ông bà mở công ty, thuê người làm, sản phẩm có thương hiệu và chiếm được một thị phần đáng kể ở khu vực miền Trung. Ấy vậy mà, cô ái nữ lại được ông bà “chạy” cho “vào nhà nước” chỉ vì “cha mẹ vất vả nhiều rồi, giờ phải lo cho con nó sướng cái thân”. Cô tiểu thư lá ngọc cành vàng của ông bà chủ tất nhiên cũng vui vẻ đoạn tuyệt với “nghề nước mắm” gia truyền! Tôi phỏng vấn rằng, sao không nối nghiệp gia đình thì được trả lời: “Xin việc lương khởi điểm 2 triệu mới khó, chứ việc làm lương 10 triệu thì quá đơn giản”. Kỳ lạ chưa, người ta có thể bỏ qua thu nhập 10 triệu để đến với “ba đồng ba cọc” một cách vô tư trong sáng đến vậy ư? Họ đang sống bằng chính giá trị lao động của mình hay tầm gửi? Con cái không nối nghiệp bố mẹ, chả nhẽ cứ phải trở thành cán bộ nhà nước mới hy sinh, mới cống hiến, mới làm giàu cho quê hương đất nước được ư? Có bao nhiêu thương hiệu tương tự bị thất truyền chỉ vì một sự cuồng tín? 
 
Ở Hàn Quốc có một miền quê bỗng nhiên trở thành khu du lịch với hàng ngàn lượt khách mỗi ngày chỉ vì nó là bối cảnh của một bộ phim truyền hình nổi tiếng: “Vua bánh mỳ”. Nhân vật Kimtakgoo từ bỏ tất cả mọi vinh hoa phú quý để chỉ làm một người thợ bánh. Thật đơn giản vì anh yêu nó, vì nó là nghề mà bổn phận của anh là gìn giữ và phát huy, nhưng hơn thế là nó được xã hội ghi nhận, thừa nhận và trân trọng. Ở đó, anh được xem là “vua”! Nhìn cung cách họ làm phim, đóng phim, xem phim, nhìn dòng người nườm nượp đến thăm nơi bộ phim được khởi quay cũng cảm nhận được người ta tôn vinh những kẻ “làm ngoài” như thế nào. Có lẽ thế nên ở những đất nước phát triển như Hàn Quốc hay Nhật Bản, chắc ngoài “vua bánh mỳ” không thiếu cả những “Vua kim chi” hay “Nữ Hoàng rượu sa - kê”. Ngẫm người lại nghĩ đến ta, bao giờ thì cái tư duy “trở thành cán bộ nhà nước” không còn 45/45 nữa?! 
 
Nguyễn Khắc An