Thúc đẩy, phục hồi tổng thể cả cung và cầu

Theo đồng chí Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn tới đặt ra 5 quan điểm, nguyên tắc chủ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện gồm: Mở cửa, phục hồi du lịch gắn với phòng, chống dịch, quản trị rủi ro, khủng hoảng và thực hiện Nghị quyết 128.

Cùng với đó, tập trung các giải pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch, phục hồi và củng cố nền tảng, tạo đà tăng trưởng trong tương lai. Tăng tính chủ động, chuyển đổi linh hoạt cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục;

Thúc đẩy, phục hồi tổng thể cả về phía cung và phía cầu của hoạt động du lịch; Coi cơ cấu lại ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần được tập trung triển khai đồng bộ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn mới; Gắn nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của ngành, trước mắt thúc đẩy phát triển du lịch nội địa làm nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

bna_81193930793_25122021.jpgThứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo Du lịch Việt Nam năm 2021. Ảnh: Thành Cường

Xuất phát từ quan điểm vừa nêu, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt xác định 3 mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là từng bước mở lại hoạt động du lịch chắc chắn, ổn định và an toàn; thứ hai là khơi thông, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện phục hồi thị trường du lịch.

Thứ ba là nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch trong bối cảnh mới thông qua việc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành.

Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách riêng
 

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu này, đồng chí Đoàn Văn Việt nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành. Bao gồm, bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Củng cố, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch.

Một góc Khu du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh tư liệu: Lê Thắng

Về lộ trình thực hiện, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt dự kiến chia thành hai giai đoạn kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên.

Giai đoạn thứ nhất mở lại du lịch nội địa và du lịch quốc tế (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022). Mở cửa và ổn định, bảo đảm an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi hoạt động du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công.

Giai đoạn thứ hai phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài 1 đến 2 năm): Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội để tạo động lực tăng trưởng trung và dài hạn cho ngành.

Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét đổi mới, ban hành cơ chế, chính sách riêng, ưu tiên, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển du lịch;

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý, bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, đặc biệt là vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam…