(Baonghean) - Trong hội nhập thị trường kinh tế toàn cầu, việc các công ty sản xuất, kinh doanh của nước này hối lộ quan chức nước khác để tuồn hàng hóa, vật tư, thiết bị của công ty mình vào nước sở tại là điều không hiếm gặp.
 
Mấy năm lại đây, tệ nạn các công ty nước ngoài hối lộ quan chức Việt Nam đã xẩy ra liên tiếp. Chỉ tính các vụ lớn ( nổi tiếng không chỉ riêng ở Việt nam mà còn xôn xao dư luận trong nhiều nước) thì ta có thể kể 3 vụ điển hình sau đây. Một là, vụ hối lộ của Công ty PCI - Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Nhật Bản) hối lộ quan chức Ban Quản lý dự án PMU tại TP. Hồ Chí Minh. Vụ Nhật Bản xét xử quan chức nước này về tội hối lộ quan chức Việt Nam để giành được dự án xây dựng đường sắt trên cao sử dụng nguồn vốn ODA. Các bị cáo ở Nhật khai rõ trước tòa án là đã nộp 70 triệu yên (tương đương 640.000 USD) cho 3 quan chức cấp cao (có tên tuổi rõ ràng) của Công ty Đường sắt Việt Nam... Rồi mới nhất là vụ hối lộ lên đến 2,2 triệu USD của Công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio - Rad Laboratories cho ngành Y tế.
 
Tệ nạn hối lộ xuyên quốc gia không còn xa lạ gì với quan chức nước ta. Hiện nay, tệ nạn đó đang diễn biến rất phức tạp và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tình hình đó đòi hỏi luật pháp nước ta phải đổi mới năng động hơn nữa, phải có chế tài xử phạt thích đáng để đối phó kịp thời với các tội danh mới đang phát sinh, phát triển. 
 
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tất cả các vụ tham nhũng, ăn hối lộ của người Việt có yếu tố nước ngoài đều bị phát hiện ở... ngoài nước Việt? Nhiều trường hợp chỉ khi vụ việc vỡ lở ra, không thể ém nhẹm được nữa, các cơ quan, các ngành chức năng của nước ta mới hốt hoảng “chạy theo” để vào cuộc. Lại có trường hợp như vụ hối lộ đường sắt, người Nhật đã xử án quan chức đưa hối lộ của nước họ, nhưng quan chức Việt Nam nhận hối lộ vẫn không ai bị xử lý gì! Vụ án này vẫn treo lơ lửng, cơ quan điều tra bảo rằng “không tìm ra kẻ phạm tội”! Tài thật! Người đưa hối lộ đã bị xử phạt mà kẻ nhận hối lộ vẫn là “không có ai”. Pháp luật Việt Nam đang có lỗ hổng hay cách xử sự của các cơ quan chức năng thi hành luật pháp của chúng ta đang có nhiều bất cập, lúng túng, chưa tiếp cận được vấn đề?
 
Dẫu thế nào, cách xử sự không đến nơi đến chốn và có phần lúng túng của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan chức năng như đã diễn ra trong thời gian vừa qua, e rằng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu: Người nhận hối lộ cứ yên tâm, dù tòa án nước ngoài có khui ra vụ việc thì chắc chi pháp luật trong nước đã sờ đến gáy mình? 
 
 Vẫn biết, trong thời đại kinh tế thị trường hội nhập, rộng mở như hiện nay, việc đưa hối lộ xuyên quốc gia có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Tiền hối lộ có thể đưa trực tiếp nhưng cũng có thể được ngụy trang, trá hình dưới nhiều cách, nhiều dạng, khuyến mãi, tặng thưởng, quà biếu, lợi nhuận cổ phần... nên việc định danh tội trạng nhận hối lộ cũng gặp nhiều trắc trở, rắc rối, khó khăn. 
 
Nhưng, về nguyên tắc lập pháp, dù nạn hối lộ biến tướng ra sao, diễn ra dưới hình thức nào thì pháp luật cũng phải chủ động tương thích để cụ thể hóa tội danh, định hình tội trạng và có chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn sự lây lan tệ nạn đó trong xã hội. Hy vọng thời gian tới, việc chống tham nhũng, chống tệ nạn hối lộ xuyên quốc gia của nước ta sẽ có nhiều chuyển biến hơn nữa! 
 
 
Thạch Quỳ