(Baonghean) - Cách đây vài hôm, Đài Truyền hình Việt Nam có phát bản tin về chuyện 100% trẻ em ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên bị nhiễm độc chì khiến không ít người rùng mình sợ hãi và lo lắng. Thật ra sự việc đã được phát hiện và cảnh báo cách đây khá lâu, nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa có hồi kết cụ thể. Bản thân người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, không mấy sốt ruột, còn chính quyền và các cơ quan chức năng thì vẫn chưa thể làm được gì hơn, khi mà người dân không nhiệt tình cộng tác để giải quyết triệt để sự cố này.
Nói như vậy không có nghĩa là người dân không quan tâm, lo lắng tới sức khỏe, tính mạng của con em mình. Mà cái chính là họ chưa nhận thức được hết sự nguy hiểm của việc nhiễm độc chì. Bởi đây là một cái chết từ từ, không thấy ngay được. Các cháu bị nhiễm chì sẽ bị suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động...
Không nhận thức được nên người ta vẫn chủ quan, coi thường. Dù rằng, nhiều người đã biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do cả làng đã hành nghề tái chế phế liệu pin, ắc quy hơn 30 năm nay. Do lao động thủ công nên môi trường đất, nước, không khí ở đây bị nhiễm chì nặng. Kết quả phân tích mới đây nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy mẫu đất, nước, không khí, thực phẩm ở đây có hàm lượng chì vượt mức cho phép nhiều lần.
Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,61 lần. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Đông Mai vì thế mang chì trong máu. Mặc dù, trước đó, Dự án “Can thiệp giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm chì ở trẻ em làng Đông Mai” đã được thực hiện; nhiều hoạt động được tổ chức như cải thiện môi trường, xây dựng phòng vệ sinh, nâng cao nhận thức. Chính quyền xã Chỉ Đạo cũng đã lập dự án để tách nghề ra khỏi làng, nhưng đến nay nhiều hộ vẫn bám trụ sản xuất tại nhà.
Lại đáng nói là, không chỉ ở chốn quê, người dân thiếu thông tin về tác hại của ô nhiễm môi trường mới hành xử như thế, mà ngay cả các cư dân đang sinh sống ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh cũng chưa nhiều người nhận thức được đầy đủ tác hại của ô nhiễm môi trường sống. Thế nên, trong các khu dân cư vẫn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố vừa công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước ở 7 quận, huyện gồm: Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12. Theo đó, có đến 96% mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý.
Nhìn rộng ra, hầu như ở các địa phương nào cũng có các làng nghề, các cơ sở chuyên chế biến phế liệu theo kiểu thủ công không khác gì làng Đông Mai với đủ loại rác thải, bao gồm đủ loại chất độc hại trong đó có chì mà không hề có một phương tiện bảo hộ nào. Nếu làm một cuộc tổng điều tra trên khắp đất nước thì chắc chắn không chỉ có một làng Đông Mai. Và chính quyền các nơi và các ban, ngành có liên quan hầu như cũng chưa mấy quan tâm đến vấn đề bảo đảm môi trường ở các làng nghề, mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo mà chưa có nhiều hành động cụ thể.
Trong khi đó, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì năm 2010 có khoảng 40 nghìn tấn ắc quy chứa kim loại chì đã được thải ra môi trường. Dự báo năm 2015, con số này sẽ là gần 70 nghìn tấn. Ta chưa có các nhà máy hay các cơ sở đủ khả năng xử lý loại rác thải độc hại này một cách hiệu quả, mà tất cả đều trôi nổi trong dân và tụ về các điểm thu mua, tái chế phế liệu. Tất cả cứ theo nước mà ngấm sâu vào lòng đất, làm ô nhiễm nguồn nước rồi theo đó “hiện diện” trong thức ăn, nước uống, đầu độc bao lớp người. Trong vài năm tới, con số này chắc chắn sẽ cao thêm rất nhiều. Cứ nhìn vào lượng xe máy điện, xe đạp điện được nhập khẩu ồ ạt do giá thành rẻ nhờ sử dụng ắc quy chì đã xuất hiện tràn lan từ thành thị đến nông thôn thì sẽ mường tượng được ra ngay hậu quả không xa của nó. Đó là nguồn lây nhiễm chì rất lớn cho con người.
Vấn đề là không chỉ người dân mà cả chính quyền và các ngành cần nhận thức đầy đủ nhằm nhận diện rõ “sát thủ giấu mặt” đó để có cách phòng tránh và đề ra các chính sách ngăn ngừa kịp thời.
Duy Hương