(Baonghean) - Cổ nhân có câu “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là, con người ta thoạt đầu mới sinh ra bản tính là lương thiện.
 
Bản tính đó thay đổi dần theo thời gian và hoàn cảnh, môi trường sống. Có người, sự thiện lương được giữ mãi và nhân lên mãi. Có người, bản tính bị phôi pha và mất hẳn, trở thành hiện thân của cái ác. Nói như vậy để thấy một điều rằng, thiện lương hay ác độc đều không tự thân mà có. Một phần do sự nỗ lực của bản thân và phần lớn nữa do tác động của cuộc sống xung quanh. Vì thế, để cuộc sống nhiều thiện lương, bớt ác độc thì cần phải có các hành vi khuyến khích, nâng đỡ để lòng nhân lấn át, chiếm lĩnh phần lớn trong xã hội. Nói một cách nôm na là phải có chính sách khuyến thiện. Làm sao cho ai ai cũng thấy được cái hay, cái lợi của sự thiện lương. Sống lương thiện, thành thật không mất mát, không thiệt thòi chút nào hết. 
 
Hẳn mọi người đều đã biết và đều đang bức xúc và đợi chờ một kết thúc có hậu của chuyện nhặt được của rơi, tìm người trả lại đang xôn xao dư luận suốt cả 1 năm nay. Đó là chuyện một chị đồng nát ở Thành phố Hồ Chí Minh vô tình nhặt được 5 triệu đồng tiền Nhật, tương đương với 1 tỷ đồng tiền ta. Thay vì ỉm đi và giữ lấy làm của riêng thì chị lại mang tới nộp công an để tìm người bị mất trả lại. Hành động đó của chị đã làm bao nhiêu người kính nể và cũng có không ít người chê bai, dè bỉu là dại. Khi nhận tiền từ tay chị, người ta đã nói là sau khi thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu sau 1 năm không ai đến nhận thì sẽ trả lại cho chị. 
 
Đến nay, hơn 1 năm đã trôi qua, đã có 1 người tự nhận là chủ nhân của số tiền đó nhưng không chứng minh được là của mình. Thì cũng coi như là không có người nhận. Lẽ ra, phải trả lại ngay số tiền đó cho chị, nhưng người ta lại chần chừ, viện ra khá nhiều lý do để chưa giao trả lại số tiền đó cho người đàn bà lương thiện, trung thực làm nghề đồng nát. Những lo ngại thay cho chị về lời cam kết ngay từ khi chị đồng nát đến giao nộp tiền rằng, tiền vào túi của người khác sẽ thành tiền của người ta đang có nguy cơ trở thành hiện thực.
 
Một điều cũng rất đáng băn khoăn là hành vi trung thực, đàng hoàng đó của chị đồng nát nghèo, ngoài sự tán thưởng của xã hội thì chưa hề có một cơ quan chính tắc nào của Nhà nước lên tiếng biểu dương và có hình thức khen thưởng để có tính chất khuyến thiện nhằm mục đích tôn vinh, nhân rộng lối sống trung thực đầy thiện lương. Nay lại thêm cách xử sự thiếu kịp thời, không đàng hoàng và thiếu minh bạch về số tiền lớn đó lại càng khiến cho người đời không khỏi hoang mang là sống trung thực như vậy liệu có ích gì không? Nhặt được của rơi tìm người trả lại, hay nhặt được của rơi tạm thời đút túi đây? Vì cuối cùng, thì đồng tiền đánh rơi cũng không đến được tay chủ nhân đích thực của nó. Hóa ra, sống thật, sống tốt không hề suôn sẻ.
 
Cần phải có cách giải quyết hợp tình, hợp lý đối với việc này, để không chỉ đúng với luật định mà còn để khuyến thiện.
 
Tri Kỷ