(Baonghean) - Nghiền ngẫm bút tích của Hồ Chí Minh khi Người soạn thảo, đọc lại, sửa chữa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc) từ đầu năm 1965, qua các năm 1966, 1967, nhất là năm 1968, cho đến ngày 10/5/1969, chúng tôi nhận ra việc dùng chữ, lựa câu của Người hết sức công phu, cẩn trọng và thật sự sâu sắc. Nhiều chi tiết có ý nghĩa, tầm vóc mang tính vấn đề toát ra từ phương diện này. Trong bài viết, chúng tôi chỉ bàn về một chữ “hạng” khi Người tự xưng “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người xưa nay hiếm” (Di chúc, đề ngày 10 tháng 5 năm 1969).
Bản Di chúc đánh máy đầu năm 1965 “nhân dịp mừng 75 tuổi”, sửa lại ngày 15 tháng 5 năm 1965, Người dùng từ “lớp” để nói về mình: “…Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Các lần đọc lại vào năm 1966, 1967, cả đến năm 1968 có nhiều sửa chữa, bổ sung, nhưng phần mở đầu, Hồ Chí Minh vẫn giữ từ “lớp”: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”.
Chỉ đến ngày 10/5/1969. Hôm đó “Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 16. Đến giờ nghỉ giải lao, Người xin về trước. Từ 9h30' đến 10h30', Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc, Người viết toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam ra ngày 3/5/1969” (Theo báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 16/6/2009). Người sửa chữ “lớp” thành chữ “hạng” bằng cách viết đè lên. (Lưu ý: “lớp” gồm ba chữ cái, “hạng” gồm bốn chữ cái nên chữ cái “g” dính sát với chữ “ng”): “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”.
Cũng xin nói thêm, toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề: Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1969 do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Lê Duẩn công bố ở Lễ tang Người (có thể do nhầm?) vẫn ghi là “lớp” (Theo văn bản của Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 21/8/2014).
Vì sao suốt gần 5 năm soạn thảo, chỉnh sửa “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc) đến 10/5/1969, chỉ trước khi qua đời 4 tháng, Hồ Chí Minh mới sửa, thay chữ “lớp” thành chữ “hạng”? Chúng tôi nghĩ: “lớp” (trong “lớp người”) dường như chỉ để nói về các lứa tuổi (ví dụ: lớp thiếu niên, lớp thanh niên, lớp người cao tuổi…) và tính thứ tự đời người (ví dụ: lớp con cháu…). Còn “hạng”, trong tiếng Việt, mang sắc thái, ý nghĩa biểu cảm: tính thứ bậc cao thấp (thường dùng chỉ bậc thấp, ví dụ hạng bình dân …) và sự đánh giá, xếp loại, thậm chí bộc lộ thái độ coi thường.
Hồ Chí Minh tự nói mình là “hạng người” (xưa nay hiếm) là đặt bản thân vào thế giới đông đảo của bình dân, thường dân, người thường… Suốt đời, nhất là gần 5 năm viết Di chúc, Người suy nghĩ rất nhiều về con người, con người Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt người dân chịu quá nhiều thương đau, tổn thất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ!
Ở Hồ Chí Minh, lối sống gần dân, như thường dân biểu hiện thường xuyên và hết sức tự nhiên. Một lần đến thăm Indonesia, thời Tổng thống Sukarno, Chính phủ bạn dành phòng đại lễ để Hồ Chủ tịch gặp kiều bào ta. Nhưng thật bất ngờ, phòng trở nên chật vì già trẻ, gái trai Việt kiều đến quá đông. Không chút do dự, Người rời bàn dành cho mình, bước ra bãi cỏ rộng phía trước, rút dép cao su ngồi bệt xuống, kiều bào ta quây quần quanh Người. Một nhà thơ Indonesia chứng kiến cảnh đó, dâng trào cảm hứng viết bài thơ có tựa đề (dịch) “Vẻ đẹp bên trong của viên ngọc”, trong đó có những câu:
Người không thích ngồi ghế danh dự, suy tôn
Ngồi vào đó, với Người, không có nghĩa
…Người thích ngồi cùng cao thấp với xung quanh.
Một chữ “hạng” đã thể hiện tư tưởng, đạo lý… của Hồ Chí Minh. Nó có gốc rễ sâu bền từ lối sống, cốt cách và triết lý tư tưởng “Dân là gốc” của Người. Nhưng trong khuôn khổ bài báo và do giới hạn nhận thức, chúng tôi không thể nói ra hết được.
NGƯT Lê Thái Phong