(Baonghean) - Gian phòng nhỏ là kho tư liệu, hiện vật thuộc Bảo tàng Quân khu IV, những ngày này dường như tĩnh lặng hơn thường nhật. Tĩnh lặng ấy tương phản với vọng âm sục sôi từ những lá thư nhỏ bé mà các cán bộ Bảo tàng Quân khu IV nâng niu trên đôi tay mình. Không phải là những lá thư bình thường, mà là những bức quyết tâm thư được viết bằng máu, nước mắt, bằng tình yêu nước và ý chí quật cường chống giặc Mỹ xâm lược... 
 
“Ngày 26/3/1966, giữa lúc nhân dân chúng tôi đang sống yên tĩnh, phấn khởi ra đồng làm việc, các em học sinh tung tăng cắp sách đến trường thì bọn Mỹ điên cuồng, tàn ác đến bắn phá trên đất Hưng Tây, giết chết 40 người dân vô tội của chúng tôi trong một lúc. Có những trẻ em còn nằm trong nôi, trong bụng mẹ... Căm tức vô cùng! Đất nước, núi sông quê hương chúng tôi giàu đẹp, có làm chi nên tội...?”. Đó là những dòng căm uất mở đầu bức quyết tâm thư của đơn vị trực chiến xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, viết ngày 27/3/1966 - chỉ 1 ngày sau sự kiện bi thảm trên quê hương.
 
Bức thư được viết tay khá tháu bằng thứ mực xanh đen, trên nền giấy ố vàng, trải 49 năm mưa bom, lửa đạn và bao đổi dời thời cuộc, nay vẫn lành lẽ vẹn nguyên như biểu tượng của lòng yêu nước sắt son. Dưới thư, người đứng đơn ký tên là Nguyễn Thị Hoa Lài, Đội trưởng Đội trực chiến xã Hưng Tây, tiếp đó là chữ ký 9 đồng đội của chị: Tốt, Lan, Quế, Loan, Toàn, Hương, Hóa, Thủ, Vinh. Chúng tôi khẽ khàng đưa bức quyết tâm thư lại gần ánh đèn neon, như một lần khao khát soi tỏ những giá trị hào hùng, bất khuất qua những dòng chữ tháu vội, giản dị ấy, hình dung những gương mặt thanh xuân can trường của thời đạn lửa. Các chị, hẳn độ ấy đương tuổi đôi mươi, mái tóc nhưng nhức đen buộc vội chiếc khăn mùi soa thoảng hương bồ kết? Các chị, có lúc vận tấm áo bà ba mềm mại lưng ong, lại có khi khoác lên mình vững vàng tấm áo trấn thủ; xen giữa những giờ trực chiến mà ánh mắt rực lửa canh giữ bầu trời yên ả của quê hương, là thời khắc hồn nhiên chia nhau một mảnh gương soi, một chùm hoa bưởi, một bức thư chiến trường viết vội... Nghĩa là, bình dị lắm mà kiên cường lắm! 
 
images1154437_6_a.jpgTừ trái qua phải: Thư hạ quyết tâm của Đại đội trực chiến xã Hưng Tây, viết năm 1966; Quyết tâm thư của hai đoàn thuyền biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu viết năm 1968; Quyết tâm thư của 18 người con quê hương làng Đỏ.
 
Chúng tôi bần thần mường tượng về giờ phút định mệnh ấy: buổi sáng ngày 26/3/1966. Ngôi làng nhỏ nép mình sau triền đê bạt ngàn xanh, rộn rã tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường. Chúng í ới gọi nhau, vẫy tay chào những người bà, người mẹ, người chị đang lúi húi dưới cánh đồng xuân. Đột nhiên, hàng loạt bom Mỹ trút xuống bức tranh bình yên thôn dã. Mọi người náo loạn chạy về nơi ẩn nấp, chỉ còn lại Đại đội trực chiến xã lao nhanh về phía đài quan sát, hướng mũi pháo tầm thấp canh chừng từng động thái của giặc xâm lược.
 
Ánh mắt nào vừa tươi lên câu hát, nay hằn lửa căm thù; đôi tay nào vừa thoăn thoắt dưới đồng, vẫn còn vương lấm bùn non đã vội siết chặt hờn căm nơi báng pháo? Là các chị đấy, những người con của xã Hưng Tây, là Lài, Tốt, Lan, Quế, Loan, Toàn, Hương, Hóa, Thủ, Vinh... Trận ấy, hẳn lưới lửa các chị giăng trên bầu trời quê hương chưa trả thù được cho những đồng bào ngã xuống, nên một ngày sau sáng rực những đốm lửa quyết tâm: “Quyết bắt chúng phải đền nợ máu cho đồng bào, trẻ em và những người ngã xuống... Quyết tâm làm bằng được dù trong bất kỳ khó khăn, hoàn cảnh nào... Dù có hy sinh cả tính mạng mình mà bảo đảm được quê hương, đất nước vẫn vui lòng và sẵn sàng”.
 
Những người con gái dũng cảm quê hương Hưng Tây ấy, họ đang còn hay đã mất? Dù vậy, một mối linh cảm giao hòa kỳ lạ “nói” với chúng tôi rằng, ngay cả khi rời trận địa, trở về cuộc sống thời bình, họ vẫn sẽ là những người vợ, người mẹ tuyệt vời, vừa bao dung vừa kiên định, vừa dịu dàng vừa quật khởi. Bởi, những dòng chữ rực lửa trong lá thư hạ quyết tâm ấy, không thể được viết bởi những con người hèn nhát, vị kỷ. Phải là những con người anh hùng của quê hương anh hùng, là dòng suối nhỏ trong vắt trong biển lớn hàng vạn người xứ Nghệ cống hiến trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
Cũng với mối giao cảm xuyên không gian và thời gian ấy, chúng tôi tiếp tục hòa vào thế giới của những bức quyết tâm thư thời chiến. Càng lật giở, càng đọc, càng thấy mình nhỏ bé quá giữa những điều lớn lao, vĩ đại. Đại tá Bùi Thị Nga - cán bộ Kho tư liệu, hiện vật, Bảo tàng Quân khu IV đưa cho tôi tập hồ sơ tiêu đề “Quyết tâm thư của hai đoàn thuyền biển huyện Diễn Châu, gửi Bộ Giao thông năm 1968”. Chị bảo, đây là tư liệu quý nguyên bản gốc, những dòng chữ còn rõ nét mực Cửu Long, lời thư rành rẽ, đanh thép, thuộc vào dạng hiếm có trong kho tư liệu về chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quê hương Nghệ An. Tôi nhìn vào đôi mắt chị - người cán bộ quân đội làm công việc thầm lặng này đã mười mấy năm nay, phải đến hàng ngàn vạn lần đọc thư để sàng lọc nội dung đưa vào đúng hồ sơ, mục lục, vậy mà vẫn còn đó trong khóe mắt, trên đôi tay, niềm nhưng nhức chạm vào những vỉa tầng lịch sử xưa xa. Có phải không, chị cũng như chúng tôi, như chúng ta, yêu thêm lịch sử quê mình từ những điều nhỏ bé thế này?
 
Và rồi, sau bao cẩn thận lần giở, nội dung bức quyết tâm thư của hai đoàn thuyền biển Diễn Châu đã hiện ra trước mặt chúng tôi đây. Thư có đoạn viết: “Chúng tôi gồm có 74 cán bộ, thuyền trưởng, công nhân lái thuyền hai huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu... Chấp hành nghiêm chỉnh tinh thần Nghị quyết 175 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vận dụng sáng tạo tiến công bằng mọi con đường để đưa hàng về tới đích. Chúng tôi quyết lập công vẻ vang trên trận tuyến này. Chúng tôi cũng biết rằng là nguy hiểm, là hy sinh gian khó, nhưng không có con đường nào khác ... Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng!”. Dưới thư đề ngày 22/6/1968. Chắp nối ngày tháng lịch sử trên bức thư, cùng với địa bàn tuyến biển xứ Nghệ, có thể “vẽ” lại trong trí tưởng tượng bối cảnh chiến tranh lúc bấy giờ.
 
Diễn Châu có 25 km bờ biển, chạy dài từ xã Diễn Trung ra đến Diễn Hùng tạo thành hình cánh cung lõm vào đất liền. Cánh cung ấy từ bao đời nay được xem là chốn “phên dậu” của Tổ quốc, và chính bởi vị trí chiến lược quan trọng ấy, Diễn Châu bị giặc Mỹ hủy diệt ác liệt không chỉ bằng không quân, mà 8 xã vùng biển Diễn Châu còn bị tàu chiến Mỹ đánh phá nặng nề, đặc biệt là vào thời điểm những ngày tháng cuối năm 1968 - trước khi Hiệp định ngừng bắn được ký kết. Chỉ riêng 8 xã vùng biển đã có gần 1.500 người hy sinh, hàng trăm nhà cửa, tàu thuyền bị phá hủy... Ngoài việc tiễn con em lên đường chiến đấu tại các chiến trường, thì những người ở lại hậu phương cũng phải gồng mình vừa lao động sản xuất giỏi, tiếp viện cho chiến trường miền Nam, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. Hai đoàn thuyền biển gồm 74 người đồng ký tên vào quyết tâm thư tập thể nói trên hẳn là những người con tiêu biểu của “hậu phương lớn” ấy. 
 
Du khách tham quan Bảo tàng Quân khu IV.
 
Trong tập hồ sơ cồm cộp ở Bảo tàng Quân khu IV, nổi bật lên bức quyết tâm thư của những người con Làng Đỏ (Hưng Dũng, TP.Vinh). Thư hào hùng, đanh thép, gói trọn truyền thống và hun đúc ý chí bước tiếp cho những người còn sống: “Chúng tôi là 18 đứa con của quê hương làng Đỏ anh hùng, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thánh của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, được nhân dân nuôi dưỡng, được Đảng dạy dỗ trở thành những người thanh niên ưu tú...
 
Đứng trước tình thế khẩn trương của hai miền Nam - Bắc, chúng tôi cùng một ý chí, quyết ra đi cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch. Mỗi một chúng tôi ra đi với niềm hân hoan, phấn khởi. Chúng tôi quyết xông lên nhằm quân thù mà bắn. Chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với dân tộc. Mỗi một ngày trên đất nước ta còn bóng dáng một tên giặc thì cha, mẹ, anh chị em, bà con chúng ta còn đầu rơi, máu chảy, quê hương làng xóm còn bị bom đạn giày xéo. Chúng tôi thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.
 
Lời thư xoáy sâu mãi vào tâm khảm những người đọc, nhắc nhở chúng ta - những người sống dưới bầu trời thanh bình hiện tại mạch nguồn tri ân quá khứ. Trong suốt dặm dài hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Nghệ An có hàng vạn người con nối tiếp nhau lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu; toàn tỉnh có trên 596 nghìn người tham gia quân đội; hơn 45 nghìn người tham gia thanh niên xung phong; gần 150 nghìn người tham gia dân công hoả tuyến, dân quân du kích; gần 6 nghìn lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; trên 900 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Trong đó, có biết bao người mãi mãi không về; toàn tỉnh có trên 45 ngàn liệt sỹ; hơn 40 nghìn thương binh; gần 1.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 11 nghìn bệnh binh...
 
Trong lửa đạn chiến tranh, người Nghệ An đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sáng tạo, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Hai bức quyết tâm thư được trích ở trên chỉ là số ít trong hàng trăm bức thư thời chiến hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu IV, thể hiện khí phách người Nghệ trong chiến trận ấy. 
 
Chúng tôi ngồi cùng Đại tá Bùi Thị Nga cho đến vãn chiều, chìm đắm trong thế giới những bức thư, giữa bầu tĩnh lặng mà ngay cả tiếng tích tắc điểm nhịp của đồng hồ cũng trở nên xao động. Dày đặc những dòng chữ quá khứ ấy, chẳng thể thấy chỗ nào viết về những đau thương, mất mát, về những tàn khốc, ác liệt của đạn bom. Chỉ là những “quyết tâm”, “dù hy sinh cũng không lùi bước”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”... thấm đẫm trong từng hàng mực. Có sự giáo dục lòng yêu nước, hun đúc ý chí bồi đắp, dựng xây quê hương nào lớn lao hơn thế? Cuộc kháng chiến hào hùng ngỡ đã qua non nửa thế kỷ, nay vẫn đồng vọng trong từng lồng ngực tuổi trẻ. Và mỗi chúng tôi, khi bước ra khỏi gian phòng tư liệu ấy, thấy ùa vào mắt mình, tâm trí mình thứ ánh sáng khôi nguyên - ánh sáng của niềm tin, hy vọng và tình yêu!
 
Phương Chi