(Baonghean) - Làng Xuân Thọ nằm ẩn mình dưới rừng dẻ bạt ngàn, lưng tựa núi Sượng Lĩnh, hướng nhìn ra biển Đông, cách QL 48 khoảng 3 km (thuộc xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu).
 
Dãy Sượng Lĩnh chạy dài ôm ấp làng quê trù phú, với nhiều lèn đá, hang động kỳ thú như: hang Tâm Sơn, hang Lòn, hang Bộc, hang Thông… các hang liên thông với nhau, gió ngoài thổi vào tạo ra âm thanh như một giàn nhạc giao hưởng. Giữa lòng các hang có suối nước ấm chảy róc rách quanh năm, để lại nhiều nhũ đá trắng tạo ra nhiều hình thù hấp dẫn… Thời kỳ Cần Vương, tướng quân Đề Niên đã dùng hệ thống hang động nơi đây làm chỗ đóng quân, trong kháng chiến nhiều đơn vị bộ đội đã dùng hang để cất giấu lương thực, quân trang, quân dụng.
 
images1154952_7a.jpgCây gạo trên 100 năm tuổi tại Làng Xuân Thọ, xã Quỳnh Tam.
 
Vào thời Lê Trung Hưng, các dòng họ Lê, Phạm, Nguyễn, Chu, Cao, Mạc, Đinh, Hồ... ở miền xuôi lên đây khai phá tạo ra các cánh đồng trù phú: Quanh Tịnh, Đồng Lầy, Trang Gấm, Trang Me... 
 
Đất lành chim đậu, nhiều người dân tứ xứ đổ về lập trang trại Phú Xuân, ngăn khe lấp suối, xây dựng đập nước thuỷ lợi sản xuất nông nghiệp, tạo dựng cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc, đổi thành làng Xuân Thọ và rất tự hào là mảnh đất không nơi nào bằng:
 
“Dạo tìm khắp hết ba trăng.
Nỏ đất đâu bằng đất Phú Xuân trang.
Trên sơn thủy lượng bằng.
Dưới dư muôn điền địa". 
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Giữa trung tâm làng có đền Thượng (hay thường gọi là đền Chính) thờ Cao Sơn, Cao Các. Đền xây dựng thời Nguyễn theo kiểu tam tòa (tam cấp) có tòa thượng điện, trung điện và hạ điện, xây tường lợp ngói mũi hài, bên trong đường xà hạ đều có chạm khắc đủ hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) sơn son thiếp vàng, trên đường dải mái có đắp hình nghê chầu, sấu nhảy, rồng chầu mặt nguyệt. Xung quanh đền có xây tường bao có cổng vào hai bên cánh gà và có tướng văn, tướng võ đắp nổi cưỡi hổ trông rất oai nghiêm. Vè dân gian mô tả:
 
“Năm Dần sắm gỗ, năm Mão khởi công.
Làm năm tháng ròng, thành thượng, trung, hạ điện.
Trông vô đầu cửa rực rỡ trang nghiêm.
Trông vô xà ngang, có lưỡng long triều nguyệt.
Bốn phía xà cao có long, ly, quy, phượng.
Ngư ông đơm cá, Nghiêu Thuấn cày voi.
Tiên ông cưỡi hạc, vui thú cờ tiên...
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Xưa đền này hàng năm đều có sắc phong: “Hiển linh đôn tịnh phùng tuấn tráo vị Cao Sơn Cao Các, tước phong dực bảo trung hưng linh phù gia tặng tĩnh hậu thượng đẳng thần”. Ngoài ra, còn có đền Nhà Ông, Nhà Bà (thờ đạo cả, đạo hai). Theo tương truyền đền này thờ hai vị tướng người dân tộc có công đánh giặc Xá trừ họa cho dân.
 
Đình Xuân Thọ to lớn lợp ngói xây tường 3 gian, trên các đường xà hạ đều có họa tiết được sử dụng nhiều là long vân, phượng vũ, tứ linh (rồng, lân, rùa, phượng), tứ quý (thông, mai, cúc, trúc), bát bảo (bút, sách, gươm, lẵng hoa, đàn, sáo, bầu rượu, túi thơ). Trên đường xà gian giữa có treo bức hoành phi đề 4 chữ "Thánh cung vạn tuế", hai bên có hai hàng câu đối nổi tiếng:
 
"Thái vận thiên hồi Xuân vũ trụ
Khôn duy địa trấn Thọ giang sơn" 
(Sưu tầm ở địa phương)
 
Đình làng vừa là nơi thờ phụng Thành hoàng - vị thần bảo trợ cho làng, người đại diện tinh thần cho cả cộng đồng, vừa là nơi hội họp bàn việc làng, việc nước của các vị chức sắc trong làng, vừa là nơi đón tiếp quan trên mỗi khi về thị sát cơ sở. Xưa kia đình có đủ chiêng trống, tế lễ hàng năm, như lễ cầu yên, cầu mưa thuận gió hoà vào những năm đại hạn, vừa là nơi lễ hội đình đám vui chơi ca hát. Vè dân gian mô tả:
 
“Đầu năm tế lễ phụng nghinh,
Rước sắc giữa đình phụng sự ba ngay.
Trong thời đánh trống chiêng lay,
Ngoài trời cờ vật, cờ bay hai hàng...”.
“Nơi trong đình ngoài giếng.
Người múc nước luôn canh.
Kể chuyện vui làng tui (tôi).
Nói khi mô cho hết.
Kể bao giờ cho hết...’’.
 
Theo các cụ cao niên, những ngày đầu cách mạng, dân làng đã tập trung trước đình để mít tinh trước khi đi cướp chính quyền, sau đó đình trở thành trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã, trường học bình dân học vụ. 
 
Trên vùng quê non xanh nước biếc đang từng ngày thay da đổi thịt, làng hóa phố nhưng làng Xuân Thọ vẫn giữ được không gian tĩnh lặng với cây đa, bến nước, sân đình...
 
Trần Hữu Đức