(Baonghean) - Trong cái nắng chói chang của những ngày tháng Tư lịch sử, về với Nam Đàn, du khách sẽ được đắm mình trong dòng chảy hồi ức về mảnh đất sinh thành người con vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nằm ở hạ lưu sông Lam, giữa hai dãy núi nổi tiếng đẹp và linh thiêng là Đại Huệ và Thiên Nhẫn, Nam Đàn có sức cuốn hút không chỉ bởi mạch nguồn lịch sử, mà còn từ những cảnh sắc nên thơ, say đắm lòng người.
Con đường dẫn vào quê nội Bác Hồ mới được tu sửa và nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên hàng cây xà cừ cổ thụ thanh bình. Qua bao thăng trầm của thời gian, dưới lũy tre xanh mát, nếp nhà tranh giản dị, với những kỷ vật thân thương của gia đình Bác đi vào lịch sử, trở thành tài sản vô giá của dân tộc. Về với vùng đất này, du khách được ngắm nhìn những kỷ vật, nghe những hồi ức về thời niên thiếu của Bác. Nơi đây, Người từng lần những bước đi chập chững đầu tiên, để từ đó sải bước chân bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước.
Lần đầu trở về thăm quê hương sau hơn 50 năm xa cách, Bác đã đứng lặng trước bàn thờ đơn sơ và nghẹn ngào: Ngày trước vì nhà Bác nghèo, bàn thờ của mẹ, cha chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ có hai miếng gỗ đóng giá với hai bên cột để đỡ bàn thờ lên. Liếp bàn thờ của mẹ chỉ được làm bằng nứa, phía trên trải chiếu mộc, đồ thờ cũng làm bằng gỗ mộc mạc mà thôi…Vẫn những kỷ vật đó, mỗi năm, có trên 50 nghìn lượt khách về với Kim Liên, trong đó có hàng nghìn người nước ngoài đến từ những đất nước xa xôi…
Bên cạnh Khu di tích Kim Liên, hàng năm, vào dịp ra Giêng, huyện Nam Đàn còn đón hàng vạn người về với Lễ hội Đền Vua Mai. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Vua Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược nhà Đường, xây dựng nước Vạn An độc lập. Về với Nam Đàn trong những dịp này, du khách thập phương có cơ hội tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp với các nghi thức mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh, như lễ rước nước, lễ khai quang, yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai. Cùng đó có nhiều hoạt động sôi nổi như: đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đấu vật… với tinh thần thượng võ, đoàn kết.
Dọc hai bên dòng Lam giang của huyện Nam Đàn còn là nơi sinh ra tục hát đò đưa nổi tiếng. Bên triền sông mênh mang những nương dâu, bãi ngô xanh ngát, từ ngàn xưa đã nổi tiếng là vùng đất có nghề nuôi tằm dệt vải. Cùng đó, những đêm trăng ngồi bên khung cửi, buổi chiều thanh bình bên nương dâu, tục hát phường vải làm say đắm lòng người cũng ra đời, đồng hành đến hôm nay. “À ơi! (Chứ) ai biết nước sông Lam răng là trong là đục / Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh…”.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, xứ sở này xuất hiện những bậc anh hùng, hào kiệt đứng ra cứu dân, giúp nước như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Cũng vì vậy mà từ xưa vùng đất này được ví là “địa linh nhân kiệt”. Cùng chiều dài lịch sử, nơi đây có nhiều di tích quan trọng mà huyện Nam Đàn tôn tạo, bảo tồn, chú trọng khai thác tốt du lịch tâm linh gắn với sinh thái và các hoạt động mang đậm nét văn hóa vùng quê xứ Nghệ.
Ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: Những năm qua, Nam Đàn đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch. Thuận lợi cho ngành này là hệ thống giao thông được nâng cấp và mở rộng như QL46, QL15A, đường du lịch ven sông Lam, đường nối quê hương Lê Hồng Phong với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường liên thôn, liên xã, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho việc tham quan của du khách và nhân dân. Nhiều dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã hoàn thành như Dự án tôn tạo khu di tích miếu, mộ, đền thờ Vua Mai, Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu...
Hiện trên địa bàn huyện có 37 di tích được xếp hạng. Hệ thống dịch vụ du lịch tại các điểm di tích ngày càng được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng những món ăn ngon đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như thịt me thui Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn, hến sông Lam, tương Nam Đàn, còn có nhiều loại hàng hóa mang nét đặc trưng được ưa chuộng như: bột sắn dây, hồng Nam Anh, chanh Nam Kim; nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch như: Khắc tranh đá, đúc tượng Bác Hồ và sản phẩm mỹ nghệ khác. Đặc biệt, Làng nghề làm tương ở Thị trấn Nam Đàn vừa tạo sản phẩm, vừa có thể là điểm tham quan thú vị của du khách mỗi khi đến với Nam Đàn.
Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết: Huyện chủ trương khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch ẩm thực. Từ năm 2012 đến nay, đã thực hiện được 3 dự án về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện tích cực kêu gọi xã hội hóa, bảo tồn, tôn tạo nhiều di tích với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ công tác du lịch được chú trọng.
Các lễ hội truyền thống được tổ chức ngày càng có quy mô và chất lượng, để lại ấn tượng tốt trong du khách thập phương, như Đại lễ kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu và 1290 năm ngày mất Vua Mai. Hiện Nam Đàn đang phối hợp xây dựng nâng cấp Lễ hội Làng Sen thành lễ hội cấp quốc gia, Lễ hội Đền Vua Mai thành lễ hội cấp tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội trên địa bàn, từ đó tạo cơ hội đầu tư phát triển du lịch. Cùng với đó, khuyến khích kêu gọi phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho du khách đến và lưu lại với quê Bác để nghe câu hát ví phường vải đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Phú Hương