(Baonghean) - Bao đời gắn bó với biển cả, với sông nước đã hình thành nên nét văn hóa độc đáo đặc trưng của các xã vùng biển Quỳnh Lưu. Tâm linh, tín ngưỡng hay văn hóa ứng xử của người dân nơi đây có nhiều đặc thù phản ánh nguyện vọng và ước mơ của ngư dân đi biển.
Trong tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển, các thần linh biển cả được thờ phụng rất đa dạng và phong phú. Trong số các vị thần đó, cá ông (cá voi) được ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu đặc biệt tôn sùng và coi trọng. Vì thế, Lễ hội Cầu ngư gắn với tục thờ cá ông là lễ hội phổ biến, lớn nhất và quan trọng nhất đối với ngư dân các làng, xã ven biển ở đây.
Anh Nguyễn Văn Ước, Bí thư Chi bộ thôn Phong Thắng, xã Tiến Thủy cho biết: “Bà con ở đây chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nên rất quan tâm đến văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Vào ngày Rằm hay mùng Một hàng tháng hoặc chuẩn bị cho chuyến ra khơi thì ngư dân ở các thôn đều đến lăng cá ông để thắp hương, khẩn cầu may mắn, sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá. Hiện tại thôn Phong Thắng đang thờ di vật xương cá ông có chiều dài 2,86 mét, nặng 60 kg. Di vật xương cá ông này được một ngư dân trong thôn trong khi đi khai thác hải sản trên biển phát hiện và trục vớt lên tàu rồi mang về. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, xương cá ông được người dân trong thôn côn cất và xây lăng mộ cẩn thận”.
Khi chúng tôi tìm đến lăng mộ cá ông ở xã Tiến Thủy, gặp ngư dân Nguyễn Quốc Tiến, anh cho biết: “Ngư dân vùng biển như chúng tôi rất sùng bái các vị thần linh, đặc biệt là cá ông. Sáng sớm mai thuyền của gia đình tôi ra khơi nên hôm nay tôi mang lễ vật, hương đăng, hoa trà đến lăng cá ông để làm lễ, mong được ra khơi đánh bắt gặp nhiều may mắn, sóng yên biển lặng”.
Xã Tiến Thủy có gần 44% hộ dân tham gia khai thác hải sản trên biển. Do đó, ngư dân miền biển luôn đặt niềm tin vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là loài cá voi, mà họ gọi một cách kính trọng là cá ông, hoặc ông. Mỗi khi gặp hoạn nạn sóng to, gió lớn, chìm tàu, ghe, người đầu tiên họ nghĩ và cầu cứu là cá ông. Hoặc những mùa biển thất bát, vào lăng cá ông cúng, cầu xin thì mỗi chuyến ra khơi thuyền lại đầy tôm, cá. Nhiều ngư dân cho rằng, họ đã được cá ông giúp đỡ, tín ngưỡng đó đã trở thành văn hoá tâm linh, gắn bó không thể tách rời đối với ngư dân biển. Ngoài thờ lăng mộ cá ông ở thôn Phong Thắng, ngư dân Tiến Thủy thường xuyên tới các đền, chùa như đền Chính, miếu Nam để thắp hương cho các các vị thần như Tứ Vị Thánh Nương, Hoàng Tá Thốn…
Bên cạnh tục thờ cúng cá ông, thì một lễ hội đặc sắc mang yếu tố tâm linh được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân tham gia: đó là Lễ hội cầu ngư. Đây được coi là lễ hội tâm linh của người dân vùng biển. Lễ hội cầu ngư có 2 phần: phần lễ và phần hội. Lễ tế chính diễn ra vào ngày 13, bao gồm lễ tế âm linh và lễ tế thần. Văn tế trong lễ chủ yếu ca ngợi công đức cứu nhân độ thế của cá ông. Về phần hội, chủ yếu là các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, hát múa, thả hoa đăng, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển…
Lễ hội Cầu ngư là một hoạt động mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Lễ hội Cầu ngư không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa. Hơn nữa, những năm gần đây Lễ hội Cầu ngư không còn gói gọn trong phạm vi cư dân tại địa phương mà thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp về mặt nhân văn cũng như vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân, Lễ hội Cầu ngư cũng cho thấy ý nghĩa lớn về mặt bảo vệ hệ sinh thái.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 5 lăng, miếu thờ cá ông tập trung ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Tiến Thủy. Ngoài ra, hàng năm, một số xã tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Đây là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển. Các lễ hội dân gian của cư dân vùng biển đã góp phần làm phong phú thêm đặc trưng văn hóa miền biển. Thời gian tới, ngành Văn hóa dự định sẽ tiếp tục phát huy, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc này lồng ghép vào các tour du lịch, tái hiện hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian miền biển, như: Lễ hội Cầu ngư, đua thuyền… Qua đó, giới thiệu đến du khách về nét văn hóa của người dân vùng biển Quỳnh Lưu.
Cùng với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, người dân vùng biển cũng rất coi trọng đến văn hóa ứng xử. Không chỉ ứng xử, giao tiếp ở nhà mà ngay cả lúc đang đánh bắt trên biển. Anh Nguyễn Văn Mạnh - ngư dân thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long cho biết: Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, nếu phát hiện ngư trường có nhiều tôm cá, lập tức những ngư dân đó sẽ liên lạc với một số tàu cá đang đánh bắt gần đó đến để cùng nhau khai thác. Đó chính là cách ứng xử giao tiếp có tính đoàn kết cao của ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển.
Người dân vùng biển vốn dĩ ăn to nói lớn, bởi ở ngoài khơi xa họ là những người vươn mình vượt sóng. Giữa biển cả mênh mông, họ phải gồng mình chiến đấu với những đợt sóng to dữ dội ập vào khoang tàu. Những lúc ấy, họ rất cần những hành động đẹp, đoàn kết bên nhau để cùng bám trụ và đánh bắt hải sản, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc thân yêu.
Việt Hùng
Đài Quỳnh Lưu