(Baonghean) - Trong không khí của những ngày lịch sử TP. Hồ Chí Minh đón chào sự kiện 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những người con Nghệ Tĩnh xa quê đã có một đêm hội ngộ nghĩa tình trong không gian nghệ thuật của những câu hò, điệu ví " Ân tình ví, giặm" tại Nhà hát Bến Thành ngày 10/4 vừa qua. Hội cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã làm nên một đêm diễn mang đậm dấu ấn xứ Nghệ giữa thành phố mang tên Bác. 
 
image_2130528.jpgTiết mục “Phụ tử tình thâm” do NSND Hồng Lựu thể hiện đã làm nhiều khán giả xúc động.
 
Tiếp nối thành công của đêm giao lưu âm nhạc “Về miền ví, giặm” được tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An ngày 20/12/2014, chương trình Nghệ thuật “Ân tình ví, giặm” tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 7/3/2015, chỉ sau 1 tháng, chương trình nghệ thuật “Ân tình ví, giặm” đã được lan tỏa đến thành phố mang tên Bác từ quê hương của Người trong sự hân hoan, háo hức của cộng đồng học sinh Trường Phan các thế hệ nói riêng cũng như những người con xứ Nghệ xa quê và cả những người yêu ví, giặm Nghệ Tĩnh nói chung đang học tập, công tác và sinh sống tại mảnh đất tràn nắng ấm Phương Nam.
 
Người dân TP. Hồ Chí Minh không quá xa lạ với ví, giặm Nghệ Tĩnh bởi năm nào Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cũng có 1 đến 2 tháng lưu diễn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thế nên làm thế nào để đêm diễn trở thành đêm hội ngộ cho cộng đồng người Nghệ, cho các thế hệ thầy trò Trường Phan, những trái tim yêu mến ví, giặm là điều không dễ. 
 
Anh Nguyễn Huy Hoàng - cựu học sinh K18 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết, dù chưa hề quen với việc tổ chức sự kiện văn hóa cho hàng nghìn người xem, cũng không hiểu nhiều sân khấu, về âm nhạc, nhưng chỉ với suy nghĩ giản đơn là muốn đem đêm nhạc làm món quà tặng cho cộng đồng người Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh và hơn cả là tôn vinh vẻ đẹp ví, giặm quê hương nên các thành viên đã hết sức nỗ lực. 
 
Tiết mục "Tình quê nón lá" thể hiện nét duyên dáng, đằm thắm của người Nghệ
 
Nhà hát Bến Thành trước giờ chương trình mở màn hàng tiếng đồng hồ đã náo nhiệt với hàng nghìn khán giả. Già có, trẻ có, chủ yếu là những người con Nghệ Tĩnh xa quê, thầy trò Trường Phan các thế hệ từ Thủ đô Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang và nhiều vùng, miền khác đều tụ hội về đây. Sức chứa 1.200 người của Nhà hát được xem là quá nhỏ so với nhu cầu của khán giả. 
 
Anh Nguyễn Cường - thành viên Ban Tổ chức cho biết, thật cảm động một cụ già đã 90 tuổi quê ở Nghệ An vào sống ở Biên Hòa đã lâu, cụ biết muộn nên không còn vé để vào xem, vẫn nhờ cháu trai chở lên tận Nhà hát Bến Thành để xin vào xem cho bằng được, vì cụ nói cụ yêu lắm ví, giặm và đã lâu rồi cụ không được nghe. Trước ý nguyện của cụ, một bạn trẻ đã nhanh chóng nhường chỗ của mình để cụ thỏa niềm mong ước. 
 
Một không gian mang đậm dấu ấn quê hương Nghệ Tĩnh với những bát nước chè xanh thơm phức, những miếng cu-đơ đặc sản dẻo ngọt được Ban tổ chức chuẩn bị ở tiền sảnh đã khiến nhiều người bất ngờ và xúc động. Nhiều bậc cao niên xa quê đã lâu bồi hồi khi được sống trong không gian ấy. Râm ran câu chuyện bên bát nước chè xanh là những hồi ức về quê nhà, về một thời thơ ấu nơi mảnh đất “gió Lào, cát trắng” và cả những sẻ chia trong bộn bề cuộc sống nơi mảnh đất Sài thành. Tất cả như anh em, bè bạn thân thiết đã lâu. Đặc biệt hơn, các khán giả còn được tặng đĩa nhạc chương trình “Về miền ví, giặm” - do Hội Cựu học sinh Trường Phan từng tổ chức tại Vinh.
 
Chương trình nghệ thuật “Ân tình ví, giặm” do NSND Hồng Lựu làm tổng đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sỹ đến từ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, các nghệ nhân dân ca đến từ các câu lạc bộ dân ca 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Khán giả thành phố mang tên Bác đã được thưởng thức các làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh như “Phụ tử tình thâm” và sự đan xen, hòa quyện giữa các thể loại của ví, giặm có trong các màn diễn xướng “Duyên phường cấy”, tổ khúc “Về miền ví, giặm”, “Đêm trăng phường vải”, “Tình quê nón lá”.
 
"Duyên phường cấy" - màn đối đáp thông minh, dí dỏm của những cô gái nơi đồng ruộng gửi đến các chàng trai trước khi lên kinh kỳ ứng thí.
 
Các hoạt cảnh mang đậm chất hài xứ Nghệ như “Bần hát ghẹo”, “ Một ông hai bà” đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoải. Đêm diễn còn có sự góp mặt của các “nghệ nhân nhí”: Bình Dương 9 tuổi, đến từ CLB Dân ca Phúc Thành (Yên Thành, Nghệ An) với bài “Lời mẹ hát” , tiết mục “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” theo điệu Xẩm thương do giọng ca đầy triển vọng Thanh Xuân (14 tuổi) đến từ CLB ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương biểu diễn. Đêm hội còn là sự lên ngôi của các nhạc phẩm đương đại mang âm hưởng dân ca như “Ai vô xứ Nghệ”, “Neo đậu bến quê”… qua các giọng ca của các nghệ sỹ tên tuổi.
 
NSƯT Ngọc Hà thể hiện ca khúc "Quê hương là núi Hồng sông Lam"
 
Và đặc biệt, có mặt trong đêm nhạc là ca khúc “Quê hương là núi Hồng sông Lam”, một bài hát mang đậm âm hưởng Dân ca xứ Nghệ, một sự kết hợp tài tình giữa thơ và nhạc. Tác giả thơ là anh Trịnh Văn Vinh, một cựu học sinh chuyên Toán, Khóa 6 đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã khơi nguồn cảm hứng để nhạc sỹ Quốc Nam, một nhạc sỹ trẻ xứ Nghệ luôn nặng lòng với những giai điệu quê hương mượt mà, sâu lắng viết nên nhạc phẩm này.
 
Tổ khúc "Về miền ví, giặm" đưa khán giả phương Nam về với đất Hồng Lam qua những làn điệu ví, giặm.
 
 
Bài: An Nhân
Ảnh: Nhóm ảnh Crosing Bridge