(Baonghean) - Không phải một lần mà là rất nhiều lần, khi câu chuyện về trách nhiệm đặt ra trước một sự cố nào đó thì chữ “quy trình” được những người có liên quan lập tức “thò” ra như một thứ công cụ tự vệ hữu hiệu vậy.
Họ tìm cách dẫn dư luận vào cái ma trận của của vô vàn thủ tục, nơi mà thứ gì, công đoạn nào cũng dễ tìm thấy trừ... trách nhiệm! Không cần thiết phải nhắc lại chuyện của năm trước hay cả năm trước kia nữa, chỉ mới đây thôi, chính xác là trong những tháng đầu tiên của năm 2015, cái gọi là “quy trình” ấy lại được “đưa vào sử dụng” với một mật độ không hề thưa thớt tẹo nào. Những mấy lần, mà hình như lần nào cũng nhấn người nghe chìm trong ấm ức.
Vụ “đốn hạ cây xanh ở Hà Nội” mà sau đó buộc phải “đốn tiếp” mấy vị cán bộ cấp phòng, tất nhiên là đúng quy trình. Rồi vụ dự án lấn sông Đồng Nai, đến khi dư luận “quần” cho tơi tả, bộ chủ quản phải lên tiếng, cuối cùng lại vẫn rất đúng quy trình. Thậm chí đến cái chuyện con con là treo khẩu hiệu tuyên truyền về tiết kiệm nguồn nước mà nội dung lại hiểu thành công thức chế biến món bít-tết, theo sự “phân bua” của cơ quan quản lý văn hóa thành phố Lạng Sơn thì quả thực nó hoàn toàn tuân thủ răm rắp quy trình! Và cách đây chỉ ít ngày, cơn lũ “ác tính” vừa trái mùa vừa trái lòng người bỗng nhiên “ngâm” cả mấy huyện Thừa Thiên - Huế trong cơn nước bạc, bà con nông dân phải bơi theo dòng chảy để “thu hoạch” dưa hấu cũng vì các bác cán bộ nhà ta đã mở van xả nước “đúng quy trình”. Vâng, có thể nó đúng quy trình nhưng không loại trừ là một thứ quy trình vô cảm!
Ai mà chả biết “quy trình” trong trường hợp này là thứ do con người “sáng tác” ra chứ làm gì phải là thiên phẩm nào trên trời rơi xuống. Nói cách khác, quy trình là một sản phẩm được tạo nên bởi trí tuệ và trách nhiệm của con người mà rất có thể mấy vị đang “hưởng lợi” từ việc vận dụng những cái quy trình kia trực tiếp hoặc gián tiếp là “đồng tác giả”. Nó không phải là con “ngáo ộp” để ai đó mang ra hù dọa nhau, lại càng không phải con lươn để người ta dễ dàng “trút vảy” trách nhiệm. Ấy vậy, “tất cả đều đúng quy trình”, đó là lý giải vô cùng quen tai mà chúng ta không dưới một lần nghe được. Nhưng thử hỏi tại sao đúng quy trình mà dân vẫn không thể đồng tình?
Đúng quy trình mà sao ngay Bộ chủ quản vẫn không thể ủng hộ? Đúng quy trình mà sao sau đó vẫn phải kỷ luật cán bộ... theo quy trình? Tại sao đúng quy trình mà Lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và một số địa phương nằm trong lưu vực này đã khẳng định “Chúng tôi không hề biết gì!” ? Chỉ có 2 cách lý giải, hoặc là những người “chế” ra cái quy trình ấy có vấn đề hoặc là những người vận hành quy trình ấy có vấn đề - chắc chắn quy trình vô tội! Mà nó (cái gọi là quy trình ấy) vô tội là phải, bởi các bước để người ta xây dựng quy trình cũng đảm bảo... quy trình lắm mà!
Quy trình, có thể hiểu nó như là một chương trình vận hành nào đó được thiết kế sẵn đầy nghiêm ngặt và chính xác trên cơ sở những quy chuẩn mang tính khoa học. Mục đích của quy trình có lẽ không gì khác là đảm bảo cho các trình tự công việc được vận hành đúng với nguyên tắc, chuẩn xác, nhằm tránh, hoặc ít nhất cũng hạn chế những sai sót chủ quan. Khi người ta vận hành đúng quy trình đồng nghĩa với việc họ đang tuân thủ những quy định để hướng tới một kết quả tối ưu.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, mỗi lúc có những hậu quả xẩy ra, khi rà lại các thao tác thì rất tiếc nó vẫn đảm bảo quy trình. Và bởi nó đảm bảo quy trình nên rất khó, nếu không nói là không thể quy trách nhiệm. Không quy trách nhiệm được thì coi như “hòa cả làng”. Mà đã hòa cả làng thì chả ai sợ cả. Không ít những cái quy trình rất lỏng lẻo, không chặt chẽ, xuất phát từ quá trình xây dựng hời hợt, thiếu thực tiễn. Cũng có những quy trình đã lạc hậu nhưng không được cập nhật sửa đổi. Người “dùng” quy trình không phải không nhận ra sự bất cập nhưng cũng mặc kệ bởi 2 lý do: hoặc là vô cảm, vô trách nhiệm, hoặc là để thế cho dễ “thoát” nhỡ không may xẩy ra sự cố. Bởi vậy, vô hình trung có khi quy trình trở thành một cỗ máy rệu rã được vận hành bằng những con người cứng nhắc. Đã từng có người đặt ra câu hỏi: Có hay không khả năng trong khi xây dựng quy trình ai đó đã cố ý tạo ra lỗ hổng để “có đường lùi”? Đây là câu hỏi khó, xin được dành lại cho các cơ quan chức năng, chúng tôi thì không dám, cũng không muốn tin điều ấy!
Trở lại với những vụ việc gần đây, chúng ta nhận thấy rõ ràng đã có những “quy trình” đi ngược với thực tiễn cuộc sống. Mặc dù tuân thủ quy trình nhưng vẫn gặp phải sự phản ứng từ phía dư luận xã hội. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần rà soát lại những bộ quy trình đang có hiệu lực để đưa nó lại gần hơn với cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Mặt khác cũng cần trang bị cho những con người vận hành quy trình ấy sự mẫn cảm trước công việc. Quy trình có tối ưu đến bao nhiêu cũng không thể vượt qua được ý thức trách nhiệm của con người. Có thể trong tương lai chúng ta sẽ có những bộ quy trình chuẩn, nhưng chắc chắn không thể thiếu những người vận hành chuẩn. Quy trình vô cùng quan trọng, nhưng trách nhiệm con người còn quan trọng hơn...
Nguyễn Khắc An