(Baonghean) - Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thành phố Vinh, Nghệ An) vừa đưa ra hình thức kỷ luật đuổi học một tuần đối với một học sinh của trường. Quyết định đó được đưa ra sau khi nhà trường phát hiện ra nữ sinh này là nhân vật chính trong clip một nữ sinh dùng chổi đánh vào đầu một nam sinh được đăng tải trên mạng thời gian gần đây...
 
Lại đuổi học! Có vẻ như đang có một hội chứng đuổi học lan rộng trong các nhà trường phổ thông. Hễ cứ có clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng, dư luận râm ran là lại có một học sinh nào đó bị đuổi học. Điều đó khiến cho nhiều người nghĩ, biện pháp đó được dùng như là một phương cách thể hiện thái độ kiên quyết của nhà trường trước vấn nạn bạo lực học đường nhằm xoa dịu dư luận để bảo vệ danh dự của nhà trường hơn là để giáo dục các em. Vì đó là hình thức kỷ luật học sinh cao nhất được áp dụng trong các trường học ở ta.
 
Nhưng liệu hình thức kỷ luật cao nhất đó có đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất? Trước hết phải thấy có một thực tế là, những học sinh bị buộc rời khỏi ghế nhà trường khi còn rất trẻ, rất hiếm em trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội. Mà phần lớn sa vào con đường tội lỗi. Đã có em quay về trả thù thầy, cô giáo trường cũ vì coi đó là nguyên nhân chính làm hỏng cuộc đời mình. Nói ra như vậy để thấy có một việc đang rất cần được nhà trường và xã hội xem xét, cân nhắc một cách thật kỹ lưỡng và hết sức thận trọng là nên hay không nên áp dụng hình thức đuổi học dù là tạm thời hay vĩnh viễn một học sinh khi mắc lỗi nặng?
 
Để đi đến quyết định cuối cùng cần phải quay trở lại với khái niệm giáo dục. Hiểu một cách nôm na, đơn giản thì giáo dục là đưa một người chưa trưởng thành trở thành một người trưởng thành. Giúp một người chưa giỏi thành người giỏi, chưa tốt thành người tốt. Biến một con người còn khiếm khuyết cả về trí tuệ lẫn nhân cách thành một con người hoàn thiện. Thế mới là giáo dục. Còn giáo dục mà cứ đuổi người xấu đi chỉ giữ lại người tốt thuận lợi cho công việc của mình thì chưa phải là giáo dục theo đúng nghĩa. Với trường hợp cụ thể nói trên, nếu sau một tuần bị đuổi học, ý thức của nữ sinh đó, vì một nguyên nhân nào đó mà vẫn không khá hơn lên được thì sao? Không lẽ để các em suốt đời thất học? Đẩy các em ra ngoài xã hội trong sự xa lánh của các bạn, sự ghẻ lạnh của người đời. Làm vậy liệu có giúp cho các em tốt hơn lên được không hay lại lún sâu vào con đường tội lỗi? Đó là xét về mặt lương tâm, trách nhiệm.
 
Còn xét về quyền con người, nên nhớ, đến trường là quyền của các em, không ai được quyền tước bỏ quyền đó của các em chỉ vì một vài sai lầm ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Con người ta ai mà chẳng có lúc sai lầm, không nên vì một vài suy nghĩ, hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của tuổi mới lớn mà đang tâm tước bỏ cái quyền đó của các em. Hơn nữa, chức năng, nhiệm vụ chính của nhà trường là giáo dục. Đẩy các em ra khỏi trường là chứng tỏ nhà trường đã bất lực, hết cách dạy. Và có thể coi là hành vi phủi trách nhiệm. Vì thế, trước khi ra quyết định buộc thôi học một học sinh nào đó mỗi một người đứng trên bục giảng cần phải soát xét một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc rằng mình đã làm hết lương tâm, trách nhiệm và đã hết cách chưa? 
 
Thật ra, không ai là không dạy được chỉ có điều người dạy có phương pháp hay không mà thôi. Những tấm gương hoàn lương từ những thân phận tù tội còn ghê gớm, lì lợm hơn các em nhiều với những thành tích bất hảo như cướp của, đâm chém người... mà còn cải tạo được thì không lẽ chỉ vài hành động ẩu đả theo kiểu yêng hùng nhằm tự khẳng định mình ở cái tuổi dở trẻ con dở người lớn lại nỡ coi các em như đồ bỏ đi ? Không lẽ lại đẩy các em ra ngoài xã hội mặc cho cuộc đời nhào nặn muốn ra sao thì ra? Dĩ nhiên, nói thì dễ mà làm thì vô cùng khó.
 
Vì quả thật, có những học sinh, nhất là những em sinh trưởng trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, hay sớm giao du với phần tử xấu ngoài xã hội thì tính tình thường rất oái oăm và ngang bướng. Không dễ gì bảo ban, uốn nắn ngay được. Nhưng nếu dành thời gian tìm hiểu, cảm thông và sẻ chia để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp thì vẫn giúp các em thay đổi được tâm tính. Việc giáo dục các em phải giống như thầy thuốc chữa bệnh “còn nước còn tát”. Còn một tia hy vọng cũng phải nỗ lực đến tận cùng. Chữa bệnh là cứu người, tìm đủ mọi cách để giúp các em trở thành người tốt cũng là cứu một con người.
 
Thay vì đuổi học, nhà trường và các thầy, cô giáo nên tạo cơ hội cho các em sửa đổi ngay trong môi trường học đường. Gia đình, nhà trường, bạn bè nên mở rộng vòng tay, cho các em một cơ hội, cứ yêu thương, nhắc nhở, chỉ bảo thật tận tình thể nào cũng đến một ngày các em sẽ nhận ra cái sai của mình và nỗ lực sửa đổi. Tự tay các thầy, cô phải mang đến những giá trị sống, tình yêu thương, kỹ năng sống cho học trò. Đừng vì áp lực xã hội, vì danh tiếng của nhà trường mà xử lý nặng tay với các em. Vì thật ra, xử lý nặng tay cũng là hành vi bạo lực. Không bạo lực lên thân xác thì là bạo lực lên tinh thần của các em. Mà bạo lực thì lại tiếp tục nảy sinh bạo lực mà thôi. Cho nên cần phải khẳng định, đuổi học là biện pháp giáo dục không mấy hiệu quả. Rất không nên làm vậy!
 
Bụt Sơn