(Baonghean) - Nói đến việc dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực miền núi là nói đến một lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp. Công sức bỏ ra nhiều mà kết quả không đạt được bao nhiêu. Chẳng khác nào “sừng trâu húc núi đá” như cách ví von của đồng bào...
Nguyên nhân của những khó khăn, phức tạp đó thì có nhiều và cũng đã được các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan phân tích, mổ xẻ. Thiết nghĩ không cần đề cập ở đây nữa mà chỉ thắc mắc một vấn đề là tại sao nguyên nhân khách quan, chủ quan đều đã rõ. Rồi các giải pháp khắc phục cũng đã được đưa ra mà bao năm qua vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?. Nguyên nhân là do người dân nơi vùng cao không mặn mà với việc học nghề. Dẫn đến các trung tâm dạy nghề mở ra với trang thiết bị tương đối đầy đủ nhưng ít người học. Có thể thấy, người ta không mặn mà, là do tập quán, thói quen lao động sản xuất trên nương rẫy tự do, phóng khoáng không thích bó buộc với những thao tác tỉ mỉ theo đúng trình tự của bất cứ một nghề nào. Thêm vào đó, trình độ văn hóa thấp, khó tiếp thu các kiến thức về nghề nghiệp. Nhất là những nghề sửa chữa, vận hành máy móc phức tạp… nên bà con ngại học nghề.
Nhưng lý do chủ yếu là do học nghề xong không có chỗ để làm nghề, không kiếm sống được bằng nghề đã học nên rất khó vận động đồng bào tiếp tục tham gia. Vì thế, mấu chốt để tạo ra bước đột phá trong công tác dạy nghề cho lao động ở miền núi là phải tạo được đầu ra cho những người học nghề. Không giải quyết được vấn đề đó thì mọi nỗ lực đều trở nên vô ích. Để tạo được đầu ra thì cần phải trang bị cho họ những nghề nghiệp phù hợp với tập quán, vốn liếng, trình độ cũng như điều kiện tự nhiên nơi họ sinh sống. Mà cụ thể là tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp như trồng nấm, thú y, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa...
Một việc nữa, cũng hết sức quan trọng, có tính quyết định tới hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn miền núi. Đó là phải tạo được đầu ra ổn định cho những sản phẩm của họ làm ra. Bởi không có đầu ra hay đầu ra không ổn định đồng nghĩa với thu nhập bấp bênh, không ổn định. Lúc đó người ta sẽ nản và không thể thuyết phục được ai đi học nghề nữa. Còn nếu có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá thì không cần phải tuyên truyền, vận động nhiều người ta cũng vẫn nô nức đi học nghề vì thấy được lợi ích nhãn tiền của việc học nghề.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực lớn của các địa phương và cơ quan chủ quản lĩnh vực này thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị khác nữa. Và nhất là phải quán triệt rõ mục đích dạy nghề cho lao động nông thôn miền núi là giúp họ có nghề để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Chứ không phải là đếm đầu người để hưởng kinh phí từ cấp từ chương trình dạy nghề của nhà nước dành cho các đối tượng này. Mấu chốt để khai thông bế tắc trong công tác dạy nghề cho lao động miền núi chính là đầu ra của người học nghề và sản phẩm làm ra từ nghề đã được đào tạo.
Duy Hương