(Baonghean) - Bim nhà mình hôm nay đi học về, vẻ mặt nghiêm trọng:
- Cậu ơi, cho Bim đi học thêm!
Mình choáng váng, suýt thì ngã lăn từ trên ghế xuống đất. Cái con bé nghe đến sách vở là kiếm cớ chối quanh mà lại tự giác, tự nguyện xin đi học thêm, có vấn đề! Mình cảnh giác hỏi:
- Học thêm gì hả Bim?
- Học võ...
 
Nói rồi, nó kể cho mình nghe chuyện mấy ngày hôm nay ai cũng xôn xao về vấn nạn bạo lực học đường (hẳn nó bê nguyên cụm từ này từ báo, hi hi). Nào là học sinh cầm ghế đánh vào đầu bạn, rồi thì nữ sinh bị đánh sợ đến mức cấm khẩu, lại còn có cả nữ sinh đánh nam sinh vì buông lời trêu ghẹo...Toàn những chuyện ly kỳ, gay cấn hơn cả phim kiếm hiệp Hồng Kông. Mà điều đáng ngại là có những vụ việc, các em học sinh chỉ mới học tiểu học, không lường hết được mức độ nghiêm trọng của những hành vi bạo lực.
 
Người ta vẫn thường ví trẻ em như tờ giấy trắng, ý muốn nói suy nghĩ, tâm hồn các em còn nguyên vẹn bản tính, bản năng hướng thiện, vô tư thuần khiết. Một số nhà sư phạm cũng khẳng định: Không có trẻ em xấu, trẻ em hư, chỉ có trẻ em chưa ngoan mà thôi. Câu hỏi đặt ra là: từ đâu gieo vào những tâm hồn thơ trẻ ấy hạt mầm xấu xí của những thói hư, tật xấu như đố kỵ, ganh ghét, bạo lực, bá quyền...? Chẳng phải chính môi trường xung quanh, xã hội, cộng đồng, hay nói rõ hơn là chính người lớn chúng ta đã tiếp tay, nhuốm mực lên những trang giấy trắng đó hay sao?
 
Thử nghĩ, trẻ con bây giờ được tiếp cận với thông tin đại chúng từ rất sớm và với một cường độ cực kỳ cao. Sẽ chẳng ai còn ngạc nhiên trước cảnh đứa trẻ chưa đến tuổi đi học nhưng đã dùng máy tính, máy điện thoại di động thông minh, tivi truyền hình cáp,...một cách thành thạo. Điều đó đồng nghĩa với việc, những hình ảnh, thông tin đầu tiên mà chúng dung nạp vào nhận thức không phải là con số, con chữ - nền tảng kiến thức sơ khai như vốn dĩ nó phải thế. Trẻ con ngày nay đang được nghe, được thấy những gì? Những bộ phim giả tưởng về chiến tranh, bạo lực, quái vật, máu me? Những trò chơi điện tử mà người chơi vào vai sát thủ chém giết không ghê tay? Thường xuyên tiếp xúc với thứ văn hoá này sẽ khiến đứa trẻ hình thành tâm lý vô cảm, bình thường hoá trước bạo lực hay một số hiện tượng xã hội không đáng được khuyến khích, hay ít ra là không được khuyến khích đối với trẻ em.
 
Và như vậy, nhiều người lên tiếng tố cáo truyền thông đại chúng như là thủ phạm nhào nặn ra một thế hệ "già" trước tuổi nhưng tâm hồn thiếu đi sự nhân văn, trách nhiệm. Một lời cáo buộc vô lý khi mà chính người lớn chúng ta là tác giả của những phương tiện đó và thông tin mà chúng lan toả. Lại càng vô lý hơn nữa khi những hình ảnh méo mó, không lấy gì làm tốt đẹp ấy lại là ảnh phản chiếu phần nào xã hội của người lớn. Chúng ta lên án bọn trẻ vì học theo những hành vi của mình, hẳn là một sự mâu thuẫn không hề nhỏ. Thêm vào đó, việc bọn trẻ tiếp xúc với truyền thông đại chúng có sự tiếp tay rất lớn của những người xung quanh. Hãy nghĩ xem, có phải thay vì dỗ dành một đứa trẻ, giải thích cho nó hiểu khi nó vòi vĩnh điều gì quá đáng, nhiều người vẫn thường khoả lấp sự lười biếng, vô trách nhiệm của mình bằng cách đưa cho đứa trẻ chiếc điện thoại di động đầy ắp trò chơi?
 
Tóm lại, trước khi trách móc lũ trẻ, hãy tự kiểm điểm bản thân mình bởi một phần lỗi của các em có đến mười phần lỗi của người lớn chúng ta. Các em chưa ngoan, do khả năng giáo dục của ta chưa tốt hay do trách nhiệm của ta đối với nhiệm vụ giáo dục các em chưa cao? Chúng ta bắt trẻ em viết bản kiểm điểm khi chúng làm sai, nhưng tiếp tay, tạo điều kiện cho trẻ em sai lại là một lỗi lớn gấp mười, gấp trăm thuộc về trách nhiệm của người lớn thì chẳng thấy ai viết bản kiểm điểm bao giờ. Mình nghĩ như thế, nhìn Bim vẫn đang ngó mình chăm chú, tưởng tượng một ngày con bé sẽ nói: "Cậu trốn làm đi chơi đâu giờ này mới về, hôm nay sếp của cậu gọi điện báo là cậu quên không làm báo cáo, cãi lộn với đồng nghiệp, làm việc riêng trong giờ. Cậu có liệu mà viết bản kiểm điểm để Bim ký không thì bảo?"
 
Hải Triều