(Baonghean) - Những năm qua, huyện Quỳ Châu mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Đây là một trong những giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở.

Trong chuyến công tác lên xã vùng cao Châu Tiến (Quỳ Châu), chúng tôi gặp đồng chí Trần Văn Hoàng – Chủ tịch xã trẻ. Sinh năm 1981 tại bản Hợp Tiến, xã Châu Tiến, đồng chí Hoàng gắn bó với công tác đoàn ở bản và cán bộ cấp bản ở các vị trí công an viên, phó trưởng bản. Với sự năng nổ, nhiệt tình, bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí tiếp tục được giao trọng trách làm Phó Công an xã và đến năm 2011 giữ vị trí Trưởng Công an xã Châu Tiến. Say mê công việc, hết lòng vì cộng đồng, đồng chí nhanh chóng được huyện “để ý”, bồi dưỡng làm nguồn cho xã. Trao đổi với đồng chí Lang Văn Xuân – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu, được biết: “Qua nhiều lần về làm việc tại xã Châu Tiến, nhận thấy đồng chí có nhiều tố chất, năng lực, huyện đã bổ sung quy hoạch và được giao đảm nhận chức danh chủ tịch xã Châu Tiến từ tháng 9 năm 2012”.

image_4209099.jpgĐồng chí Trần Văn Hoàng - Chủ tịch xã Châu Tiến (đứng giữa) chỉ đạo GPMB đường vào làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.
 
Khi chúng tôi về Châu Tiến, đồng chí Hoàng đang cùng cán bộ xã chỉ đạo GPMB đoạn cuối cùng của con đường dài gần 2 km nối từ Quốc lộ 48 vào làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Đây là con đường được kì vọng tạo nên diện mạo mới cho làng nghề thổ cẩm. Điều đáng mừng hơn cả, 11 hộ dân phải giải phóng mặt bằng để làm đường đều tự nguyện tháo dỡ mà không đòi hỏi tiền đền bù. Đó là kết quả của những đêm ngày ròng rã, Hoàng và các cán bộ xã Châu Tiến tổ chức họp dân, vào từng nhà vận động, khơi dậy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng một cách nhuần nhuyễn; từ đó, tạo sự lan tỏa về đồng thuận trong nhân dân.  Ông Nguyễn Đạt Đắc, người hiến hàng chục mét vuông đất và tự tháo dỡ hơn 20m tường rào chia sẻ: “Hiểu được chủ trương làm đường có lợi cho dân, cho xã nên gia đình rất vui vẻ ủng hộ”. 
 
Quả thực, khi tiếp xúc với vị chủ tịch trẻ, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần năng nổ, nhiệt tình, gần gũi của anh. Chia sẻ về những dự định cho chặng đường phía trước, đồng chí Hoàng cho biết: “Châu Tiến là xã điểm xây dựng NTM của huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên, đến nay xã mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Chúng tôi đang quyết tâm phấn đấu trong năm 2014 sẽ huy động nhiều nguồn lực hoàn thành xây dựng chợ và các tiêu chí về đường giao thông, trường và trạm…”.
 
Còn ở xã Châu Phong, đồng chí Lê Hải Lý - Chủ tịch UBND xã cũng là một “người trẻ”. Sinh năm 1976, trước khi được luân chuyển đảm nhận chức danh chủ tịch xã Châu Phong vào tháng 6/2013, anh từng có 15 năm làm công tác khuyến nông ở Trung tâm Khuyến nông huyện Quỳ Châu và Phó phòng Nông nghiệp huyện.
 
Châu Phong là một trong ba xã thuộc vùng trong đặc biệt khó khăn của huyện. Trong tổng diện tích hơn 13.000 ha đất tự nhiên của toàn xã, chỉ có hơn 200 ha đất ruộng làm được lúa nước. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, nhất là hệ thống lưới điện quốc gia chưa kéo vào xã nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến hết năm 2013 chiếm hơn 52% tổng số hộ. Thực trạng đó đặt ra cho cấp ủy đảng và chính quyền xã cũng như huyện những yêu cầu rất lớn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi đảm nhận vị trí Chủ tịch xã Châu Phong, ban đầu anh gặp không ít bỡ ngỡ và khó khăn. Làm việc xa nhà, cuộc sống “cơm niêu, nước lọ” nhưng anh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao. Trong chuyên môn, chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng và nhất là luôn gần dân, đặt mình trong vị trí của người dân để thấu hiểu nỗi niềm, mong muốn của họ.
 
Chưa đầy một năm tăng cường về xã nhưng anh đã để lại nhiều dấu ấn trong đội ngũ cán bộ cấp ủy đảng, chính quyền sở tại và nhân dân. Dấu ấn đầu tiên của anh đó là thực hiện giải phóng mặt bằng thành công 2 km từ bản Tóng 1 đi qua Xóm Mới đến bản Tóng 2 thuộc dự án đường Châu Thôn – Tân Xuân. Đoạn đường trước đây không thể thi công vì bế tắc trong giải phóng mặt bằng. Trước tình hình đó, anh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã để có biện pháp vào cuộc quyết liệt, khẩn trương GPMB bàn giao cho nhà thầu thi công. Đồng thời, công khai chính sách bồi thường, GPMB cho nhân dân bị ảnh hưởng được nắm rõ, đích thân anh và cán bộ của xã xuống vận động từng gia đình. Qua đó, 21 hộ dân bị ảnh hưởng được đả thông tư tưởng, đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thiện 2 km đường “tắc” mấy năm nay.
 
Một dấu ấn khác của anh Lý trên lĩnh vực nông nghiệp, vốn là thế mạnh chuyên môn của anh. Ngoài những công việc thông thường như hướng dẫn cho anh em cán bộ nông nghiệp xã nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, tập huấn, triển khai thời vụ đúng lịch nông vụ, anh Lý cũng đã có vai trò rất lớn trong việc xúc tiến vay 10 tấn phân bón của Công ty Vật tư nông nghiệp huyện theo hình thức tín chấp về cung cấp cho nông dân làm lúa xuân. Vào cuối vụ, nông dân mới phải trả tiền mua phân bón sau khi hoạch. Hiện nay, anh Lý đang cùng các cán bộ địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đất ở cho nhân dân, phấn đấu đến cuối tháng 4/2014 sẽ hoàn thành; đồng thời, xúc tiến các thủ tục cần thiết để xây dựng và phát triển mô hình trồng cây rễ hương tại xã Châu Phong.
 
Nói về đồng chí chủ tịch xã trẻ, đồng chí Vi Văn Chân – Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong đánh giá: “Đồng chí Lý có tác phong, lối sống gần gũi, giản dị. Trong thực hiện nhiệm vụ rất năng nổ, nhiệt tình, chính xác, tham mưu cho đảng ủy nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề trên địa bàn…”.
 
Ở Quỳ Châu, ngoài 2 chủ tịch xã trẻ trên, Huyện ủy còn mạnh dạn luân chuyển, đề bạt thêm 3 cán bộ trẻ giữ chức chủ tịch các xã Châu Nga, Diên Lãm và Châu Hoàn. Những chủ tịch xã này đều có độ tuổi dưới 38. Qua đánh giá bước đầu, đồng chí Lang Văn Xuân - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho biết: “Sử dụng cán bộ trẻ có cái lợi là các đồng chí được đào tạo cơ bản, năng lực công tác tốt lại xông xáo, nhiệt tình và có phương pháp tiếp cận mới trong nhiều lĩnh vực. Do đó, hiệu quả mang lại rất tích cực, tạo được nhiều chuyển biến ở cơ sở”. Đó cũng là những nền tảng đáng phấn khởi, cho thấy bước trưởng thành về chất và lượng của đội ngũ cán bộ huyện Quỳ Châu sau hơn 3 năm thực hiện đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở giai đoạn 2011 – 2015” của Ban Thường vụ Huyện ủy.  
 
Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy, tổng số cán bộ, công chức dưới 35 tuổi của toàn huyện là 864 người, chiếm 53%. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đi vào nề nếp, gắn với quy hoạch cán bộ, từng bước khắc phục được tình trạng bổ nhiệm xong mới cử đi đào tạo. Vì vậy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ trẻ ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và tạo niềm tin sớm đưa Quỳ Châu thoát nghèo bền vững.
 
Thành Duy