(Baonghean) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ Nghĩa Đàn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực của các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt không tách rời việc xây dựng Đảng với phát triển kinh tế, có kế hoạch để lãnh đạo chính quyền giúp dân xóa đói, giảm nghèo. 

Dự một buổi sinh hoạt của Chi bộ làng Chong, xã Nghĩa Yên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là các đảng viên không chỉ tham dự đầy đủ mà còn rất nghiêm túc tiếp thu chuyên đề được bí thư chi bộ phổ biến. Làng Chong có 18 đảng viên, trong đó phần lớn đảng viên còn trẻ tuổi, vì vậy thuận lợi cho chi bộ trong việc tiếp thu và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng. Năm 2013, làng Chong đã vận động nhân dân giải tỏa được hơn 2 km đường giao thông nông thôn, đóng góp gần 100 triệu đồng mua xi măng, cát sỏi làm đường. Để vận động nhân dân giải tỏa đường và đóng góp tiền chi bộ đã họp và phân công trách nhiệm cho từng đảng viên trong việc tuyên truyền vận động, bên cạnh đó đảng viên phải là những người gương mẫu nói đi đôi với làm. Để giúp nhân dân thoát nghèo, chi bộ đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tìm cách tháo gỡ cho dân như: Ưu tiên quỹ đất sản xuất, khuyến khích nhân dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế. Vì vậy, trong xóm đã xuất hiện một số mô hình làm ăn giỏi. Gia đình anh Hoàng Thanh Hoài trước đây gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi được vận động chuyển đổi gần 1 ha đất sang trồng dưa thì đỡ vất vả hơn. Hiện, anh đang đưa giống quýt vào trồng thử nghiệm, hứa hẹn cho thu nhập cao. Anh chia sẻ “Trước đây, chỉ quen với cách làm ăn cũ. Nhờ bí thư, xóm trưởng đến vận động chuyển đổi nên mạnh dạn làm. Giờ có được kết quả này cũng mừng, cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ lắm”. 
images972639_ki_m_tra_m__h_nh_b__xanh_t_i_x_m_t_n_l_p_x__nghia_t_n__nghia___n_.jpgKiểm tra mô hình bí xanh tại xóm Tân Lập, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Đàn).
 
Là xóm khó khăn với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 30% hộ nghèo, việc trồng cây gì, nuôi con gì luôn được xóm trăn trở. Ông Nguyễn Thế Hoàng, Bí thư Chi bộ làng Chong cho biết: Phát huy sự gương mẫu, tận tụy theo phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ chủ chốt và đảng viên trong thôn đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nhân dân trong xóm. Chi bộ đã phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong việc vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế”. Nhờ đó, làng Chong được xã Nghĩa Yên chọn làm mô hình điểm trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
 
Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống nhân dân nên Đảng ủy xã Nghĩa Tân đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu chi bộ. Chi bộ xóm Tân Hồng là một ví dụ, đảng viên trong Chi bộ chủ yếu là những người cao tuổi, sức khỏe yếu, một số đảng viên trẻ lại chưa có kinh nghiệm, toàn chi bộ có 14 đảng viên thì chỉ có 2 đảng viên trẻ. Đảng ủy xã đã vận động đồng chí Nguyễn Văn Sâm, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã đã nghỉ hưu giữ trọng trách bí thư chi bộ. Dưới sự năng nổ, nhiệt tình của người đứng đầu chi bộ nên Tân Hồng đã có những khởi sắc trong các phong trào. Là xóm có 100% hộ nằm trong diện thu hồi đất của các dự án trên địa bàn, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn sau khi giao đất. Trước tình hình đó, chi bộ đã họp và đưa ra nhiều biện pháp, phối hợp với ban cán sự xóm vận động nhân dân chuyển đổi sang chăn nuôi dựa trên lợi thế đất vườn rộng. Trước sự quan tâm hỗ trợ của xã, trong năm 2013, xóm Tân Hồng đã xây dựng được 12 mô hình chăn nuôi gà sinh học mỗi năm cho thu nhập 30 đến 50 triệu đồng. Để dân tin, nhiều đảng viên đã tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. 
 
Chi bộ xóm Tân Lập, xã Nghĩa Tân lại chọn xây dựng mô hình trồng bí xanh để chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân. Được tuyên truyền vận động, gia đình anh Nguyễn Thế Hoàng đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng dưa sang trồng bí xanh, qua 3 tháng đến nay anh đã thu nhập được trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, Tân Lập còn vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng bí đỏ, chăn nuôi gà để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Ông Hà Đức Thể - Bí thư Chi bộ Tân Lập, cho biết: “Trước đây, Tân Lập  là một trong những xóm khó khăn nhất xã, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và định hướng nên các phong trào do xã phát động xóm đều hưởng ứng, phong trào chuyển đổi cây trồng cũng được sự đồng tình của người dân. Năm 2013, toàn xóm chỉ còn 2 hộ nghèo”.
 
Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn có 77 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 44 đảng bộ cơ sở với gần 9.400 đảng viên. Qua 30 năm đổi mới, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên đổi mới phương thức và nội dung lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa, khoa học hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ đề ra được các phương hướng, mục tiêu phù hợp với đặc điểm của huyện trong từng giai đoạn cụ thể nhằm chỉ đạo chính quyền, đoàn thể quần chúng thực hiện. Trong đó, chú trọng xây dựng TCCS đảng vững mạnh gắn với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
 
Bài, ảnh: Đinh Thùy