(Baonghean) - Họp vào những ngày cuối năm, kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh khoá XVI có ý nghĩa là một kỳ họp bản lề. Khép lại năm cũ 2014 bằng việc nhìn nhận lại những việc đã làm được và cả những việc vẫn chưa giải quyết được để rút ra những kinh nghiệm quý báu và cũng là để kế thừa và tiếp tục hoàn thành nốt những việc còn dang dở. Đồng thời mở ra năm mới với những nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch mới. 
 
Và “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Điều quan trọng nhất ở kỳ họp này có lẽ là phải nhìn nhận lại thật kỹ càng, thấu đáo nhằm chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà của một năm qua. Để từ đó, phát huy, nhân rộng, tạo đà tiếp tục gặt hái được những thành công ngay từ những tháng đầu năm 2015; tạo nền tảng vững chắc để sang năm 2016 khép lại một nhiệm kỳ HĐND với nhiều thắng lợi, ít thất bại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần tập trung mổ xẻ những căn nguyên, lý do dẫn đến những trì trệ, yếu kém, hạn chế trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Phần việc này cũng không kém phần quan trọng. Vì cũng giống như chữa bệnh, phải làm rõ, chỉ đúng nguyên nhân gây ra bệnh thì mới có thể chữa trị và khắc phục một cách kịp thời và có hiệu quả, tránh được sự tồn lưu trở thành “bệnh mãn tính” rất khó xử lý. 
 
Thực tế thì hiện đã xuất hiện một số triệu chứng của “bệnh mãn tính” vì đã đem ra mổ xẻ tại nhiều kỳ họp mà vẫn chưa xử lý được triệt để. Cụ thể  như sự lề mề, chậm chạp giai đoạn hậu cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trao giấy phép xong cho nhà đầu tư mà thiếu những chương trình, hành động hỗ trợ thiết thực, cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai ra thực tế. Nên không ít dự án tưởng là nhanh, nhưng rút cục lại vẫn chậm. Mà chậm ngày nào là thiệt cho nhà đầu tư và thiệt cho cả tỉnh nhà ngày ấy. Chẳng bên nào được lợi từ sự chậm trễ đó cả!
 
Công tác giảm nghèo được coi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, nhưng tốc độ giảm vẫn chậm. Số hộ xóa được nghèo rồi thì vẫn “chấp chới” chực tái nghèo. Và muốn thoát nghèo thì phải có nghề, có việc làm. Điều đó thì ai cũng biết và cũng đã được đem ra bàn thảo với không ít kiến nghị, giải pháp được đưa ra. Nhưng rút cục là cho đến giờ phút này vẫn phải lặp lại điệp khúc cũ: “công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bám sát nhu cầu tuyển dụng lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao...”. Một số chuyện thuộc diện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như tình trạng lạm thu và lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, để xảy ra nhiều sai sót trong công tác khám, chữa bệnh mặc dù đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
 
Vẫn còn những vụ người dân bao vây bệnh viện vì bức xúc trước những hành vi chưa tương xứng với hai chữ “lương y” của một số nhân viên y tế... Và còn không ít vấn đề yếu kém ở các lĩnh vực khác nữa đang rất cần được làm rõ ra không chỉ là để xử lý những cá nhân, tập thể có liên quan và cũng không nhằm để bỏ phiếu tín nhiệm một cách chính xác đối với ai đó; mà quan trọng hơn là để chất vấn, làm rõ nguyên nhân thành công, thất bại và có các giải pháp phát huy, khắc phục sao cho đúng, cho trúng những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Vì suy cho cùng, nếu không đề ra được những giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, hạn chế một cách phù hợp và có tính khả thi cao, thì có họp đến mấy, bàn bạc đến mấy và có chất vấn đến cùng thì cũng vẫn không giải quyết được thấu đáo bất cứ vấn đề gì.  
 
Bởi thế, giải pháp khắc phục những vấn đề cũ và thực hiện những công việc mới là vấn đề quan trọng hơn cả!
 
 Duy Hương