(Baonghean) - Xúc động quá, mà không xúc động sao được, lần đầu tiên một văn bản rất chi là thương dân, cũng rất chi là lo cho dân, một văn bản tìm cách gấp rút bảo vệ dân vừa được đại diện Hiệp hội Taxi Sài Gòn chính thức gửi đến các cơ quan có thẩm quyền mà nội dung dù có vòng vo tam quốc đến mấy thì cũng không nằm ngoài “Kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, chấm dứt ngay hoạt động của mạng Taxi Uber tại Việt Nam”.  
 
Nhanh thật, kịp thời thật, khi phần đông người dân chưa kịp biết Uber là thứ gì gì, thì họ (cái hiệp hội taxi ấy) đã lập tức “chấm triện” ban hành tức tốc văn bản nức mùi “Gato” này, đã thế lại toàn đến  trúng địa chỉ. Thế mới thấy được cái nhiệt tình với bà con hành khách xa gần nó trách nhiệm, nó sốt sắng, nó thôi thúc như thế nào. Những lý giải nghe sao mà mủi lòng đến thế, họ nại rằng: Tài xế Taxi Uber không qua tập huấn, không có chứng chỉ hành nghề, xe không có logo, không có cả hộp đèn, không có đồng hồ tính tiền, không có bộ đàm, thậm chí lái xe không mặc đồng phục… vậy nhỡ có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm? Chưa hết, hội còn giúp bà con vạch lá chỉ sâu là: lộ trình quy hoạch phát triển taxi đã được phê duyệt rồi, không cấm, nhỡ Uber vào nó phá vỡ đi! Khách quan chưa, lo xa đến thế là cùng! 
images1100549_taxi_003.jpgẢnh minh họa
Nói về Uber, tôi đủ tự tin để khẳng định rằng, không ít bạn đọc đang giống tôi trước khi viết bài này – tức là không có nghe “u bơ u biếc” là cái thứ tròn méo gì! Những ngày qua, cái tên lạ hoắc lạ huơ, lại còn mang âm sắc rất “khoai tây” - Taxi Uber, bỗng nhiên nổi gấp mấy cồn. Người ta vừa tò mò, lại vừa ganh tỵ với anh Hai, chị Bảy trong Sài thành (còn nghe nói sắp sửa khai trương ở Hà Nội). Vậy Taxi Uber là gì? Hơi “văn học” một chút, thôi thì xin phép được cường điệu để nói rằng, Uber là một cuộc bén duyên đầy tài sắc giữa một bên là sản phẩm của văn minh công nghệ số và phía còn lại là thị trường. Nôm na là lâu nay mình muốn đi taxi, thì alô cho một hãng kiểu như “Mai Luôn” hay “Vạn Xin” nào đó. Nói không ngoa rằng: lắm lúc đi taxi “nhà mình” cũng là một trạng thái lao động nặng nhọc và có độc hại! Thái độ phục vụ của nhân viên các hãng taxi thiếu chuyên nghiệp như thế nào chắc không mấy ai lạ gì.
 
Đi đường xa còn nhận được vài câu hỏi han từ bác tài có mặc đồng phục đeo cà vạt, chứ chả may quãng ngắn thì không bị nói khích đã là may mắn lắm. Còn chuyện “giá cước vận tải Việt Nam đắt gấp 3 lần Hàn Quốc” thì báo chí đăng tải nhiều rồi, không cần phải nhắc lại. Chuyện cướp khách, chặt chém, chạy ẩu, chạy vòng, gây tai nạn, gian lận đồng hồ, cuỗm đồ, nẫng điện thoại hành khách…  xẩy ra chắc không dưới vài lần. Ấy vậy mà khi một loại hình dịch vụ mới “ngon, bổ, rẻ” vừa chân ướt, chân ráo thâm nhập vào thị trường thì “các bác” đã vội nhảy cẫng lên! Cấm! Cấm! Và cấm! Sao không nghĩ đến quản trước đi đã? 
 
Uber là loại hình dịch vụ mới với những tiện ích không ngờ. Chỉ thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone (điện thoại thông minh) coi như là… ok! Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng này để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ (cước rẻ hơn 1/3 so với taxi thông thường). Tóm lại, khi gia nhập Uber mỗi chúng ta đều có thể trở thành ông chủ, kiêm tài xế taxi nếu sở hữu một “con” xế hộp. Thế thì có nhất thiết phải cấm… tiệt?
 
Người viết bài này hoàn toàn đồng ý với quan điểm của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - ĐHQGHN): “Uber taxi là một sáng kiến mới. Nhờ có dịch vụ này, chi phí tìm kiếm taxi giảm đi đáng kể, mà không cần gọi đến bất cứ một hãng taxi nào khác nữa. Có thể nói đây là một ứng dụng rất hữu hiệu của những thành tựu công nghệ trong kỷ nguyên Internet... Vấn đề là chúng ta chấp nhận nó như thế nào, một cách văn minh”. Đấy là ý kiến của người làm khoa học, còn nhà quản lý? Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được coi như đã “bấm đèn xanh” khi cho rằng: Nên nghiên cứu hợp pháp hóa một dịch vụ có lợi cho người tiêu dùng như vậy. 
 
Cho dù không gì có thế cưỡng lại sự phát triển mỗi khi nó mang tính tất yếu, giống như người ta không thể bắt ai đó phải dùng tem thư thay cho Email vậy. Tuy nhiên, với những gì đã từng và đang diễn ra, tôi không nghĩ Taxi Uber sẽ được hợp pháp hóa ở Việt Nam, ít nhất cũng là trong một tương lai gần. Nhưng, sự xuất hiện của nó không hề vô bổ. Có thể nói đây là lời cảnh báo đủ nặng cho các hãng taxi truyền thống về chất lượng và giá cả dịch vụ lâu nay vẫn ì ạch với cung cách cũ. Hy vọng sự xuất hiện của Uber dù chớp nhoáng chăng nữa cũng sẽ làm đổi thay dịch vụ taxi truyền thống theo hướng tiến bộ hơn. Vậy cũng đã là quý lắm. Với tư cách là một khách hàng, xin được vấn mấy bác hiệp hội. Việc các bác kiến nghị ấy có thực sự xuất phát từ cái tâm lo cho sự an toàn của người dân không? Hay các bác đang sợ cái bánh thị phần bị “lõm”? Trả lời coi! À mà trước khi các bác trả lời cũng xin mạn phép nhắc là: Nói cho thật!
 
Nguyễn Khắc An