(Baonghean) - Ngày 9/12 là Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng. Đúng ngày này, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển”. Chung tay - dĩ nhiên là ngoài các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quan trọng, phức tạp và đầy cam go, thử thách này còn phải có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, sự tham gia của cộng đồng vào lĩnh vực này, ở ta đang hết sức hạn chế. Vì thế, các đại biểu dự cuộc tọa đàm đã thống nhất quan điểm là phải tạo cơ chế để người dân tham gia phòng, chống tham nhũng.
Đây là quan điểm đúng nhưng không mới. Vì lẽ, chúng ta đã có cơ chế khuyến khích, động viên người dân tham gia vào vấn đề này. Nhưng kết quả chưa đạt được là bao. Cụ thể là vào tháng 12 năm ngoái, Ban Nội chính T.Ư có văn bản hướng dẫn về việc mua tin tố giác tham nhũng. Ngay sau đó, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cũng đã xây dựng kế hoạch, ban hành quy định, bố trí kinh phí và triển khai việc mua tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mức giá tùy thuộc độ tin cậy, tính chất từng vụ việc, chất lượng thông tin, nhưng thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 10 triệu đồng/tin. Người bán tin sẽ được bảo đảm bí mật tuyệt đối. Thoạt đầu, đã có những kỳ vọng là với cơ chế mới này công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những bước đột phá mới theo chiều hướng tích cực. Nhưng cho đến nay, tròn một năm trôi qua, trong cả nước, chưa có một địa phương nào mua được một thông tin, dù là nhỏ về việc tố giác tham nhũng.
Vì sao vậy? Có phải là do người dân không mặn mà với việc phòng, chống tham nhũng hay do mức giá chưa đủ sức khích lệ? Có lẽ cả hai lý do này là không thuyết phục. Vì lẽ, trong các cuộc tiếp xúc cử tri hay khi được hỏi đến thì phần lớn người dân đều hết sức bức xúc với các hành vi tham nhũng và luôn yêu cầu Đảng, Nhà nước phải có các biện pháp xử lý kiên quyết và triệt để. Trong thực tế đã có những công dân rất tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng mà không hề đòi hỏi một sự trả công nào. Vậy thì nguyên nhân do đâu? Trước hết phải thấy rằng, người có biểu hiện, có điều kiện tham ô, tham nhũng đều là những người có vai vế, chức quyền hay nắm giữ một trọng trách nào đó. Họ vừa có tiền, có quyền, vừa có thế, có lực lại quan hệ rộng. Đụng vào họ thật không dễ dàng gì.
Trong khi người dân thân cô, thế cô lỡ bị tham nhũng phản đòn thì biết trốn tránh vào đâu. Nếu có được các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ thì “chờ được vạ, má đã sưng”. Đây không phải là lý thuyết mà thực tế đã có. Còn nhớ năm 2010, khi văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức buổi lễ vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng, khi được hỏi, gần như tất cả từng đó người đều khẳng định là họ từng bị các đối tượng tham nhũng trù dập, đe dọa. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Hòa, một cựu chiến binh suốt 10 năm trời đằng đẵng chống tiêu cực và cũng chừng đó năm bà phải sống trong cảnh luôn bị sự đe dọa về tính mạng và bị khủng bố tinh thần.
Nhà báo Hoàng Dưỡng, Trưởng Ðài Phát thanh, truyền hình huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk sau loạt bài phanh phui việc phá rừng có tổ chức đã bị một nhóm người hành hung gây trọng thương ngay trên đường phố Buôn Ma Thuột. Còn đầu năm nay, nữ hộ sinh Dương Thị Thu Thủy đã thu thập số liệu, bằng chứng tố cáo ông Nguyễn Đức Đạo, Trưởng Trạm Y tế Thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tham nhũng số tiền gần 100 triệu đồng, tự ý mở lớp tập huấn để thu phí bỏ túi hơn 10 triệu đồng, giả mạo chữ ký của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện... Thì ngay lập tức bị Chủ tịch UBND Thị trấn Hà Lam, cùng nhiều người khác tại Trạm Y tế thị trấn này cùng ký vào văn bản “Đề nghị trả nhân lực” gửi Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình và UBND thị trấn Hà Lam có nội dung trả chị Thủy cho Trung tâm Y tế huyện vì ở trạm… dư nữ hộ sinh.
Đó rõ ràng là một hành vi trù dập người chống tham nhũng. Bao che, bảo vệ cho những hành vi sai trái từ chính những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Còn nhiều những vụ việc tương tự diễn ra đâu đó nhưng chưa bị lôi ra ánh sáng. Nhìn vào đó, thử hỏi còn ai yên tâm, tin tưởng chống tham nhũng. Chưa kể, khi bị phát hiện và bị đem ra xử lý trước pháp luật thì mức án dành cho tội danh này thường rất nhẹ, không tương xứng với hậu quả gây ra, khiến người dân thêm nản lòng. Điều đó, dẫn đến một thực trạng là có biết, có thấy tham nhũng nhưng cũng không dám tố giác. Nhất là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước lại càng không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập, sợ mất chức mất quyền, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể… Trong khi đó, hành vi trù dập của các đối tượng tham nhũng rất tinh vi, xảo quyệt. Họ lợi dụng cơ chế hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, đoàn thể, sử dụng lực lượng “xã hội đen” để đàn áp, ngăn chặn người chống tham nhũng nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, tiêu hủy tang chứng, bóp nhỏ vụ việc, đánh chìm xuồng, cô lập, vô hiệu hóa, thậm chí tiêu diệt người chống tham nhũng nhằm chạy tội.
Cho nên, để người dân cùng chung tay phòng, chống tham nhũng thật sự là rất cần có những cơ chế, chính sách cụ thể. Nhưng cơ chế gì thì cơ chế, chính sách gì thì chính sách, cái chính là phải làm cho người dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi tuyên chiến với tham ô, tham nhũng. Nếu không tạo dựng được niềm tin trong dân thì không bao giờ thu hút được người dân nhập cuộc. Cho dù, ai cũng biết tham nhũng cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm gia tăng sự đói nghèo, làm suy yếu các hệ thống y tế, giáo dục, phá hoại nền dân chủ, làm trầm trọng thêm sự bất công và bất bình đẳng. Phải tạo được niềm tin vững chắc trong dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng thì mới lôi kéo được dân tham gia. Đó là điều cốt yếu nhất.
Duy Hương