(Baonghean) - Lên Kỳ Sơn vào dịp cuối năm này, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu phong tục Tết của người Mông ở Kỳ Sơn và đã có hai ngày đêm về các bản Trường Sơn, Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn), bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) là những bản thuần dân tộc Mông.
Theo các già bản cho biết, nay bà con đã tự nguyện đón Tết cổ truyền dân tộc trùng với Tết Nguyên đán như người Kinh. Trước đây, Tết của người Mông cũng theo lịch thời vụ của nhà nông, theo các tuần trăng như Âm lịch, có khác là người Mông không tính theo năm nhuận nên thời gian có xê dịch trong khoảng 1 tháng. Nay chuyển thời gian theo Tết Nguyên đán có thuận lợi là việc học tập, công tác của con em không bị ảnh hưởng mà phong tục Tết vẫn được bảo tồn.
Trang phục dân tộc của thiếu nữ Mông. Ảnh: P.V
Trong phong tục Tết của người Mông, các gia đình dùng ngọn tre quét trong nhà để xua hết mọi điều không may. Trong 3 ngày Tết không ai được quét nhà. Sau lễ này còn có lễ Hạp Kỳ (gọi vía) cho người già cũng rất quan trọng, giống như lễ mừng thọ ở miền xuôi. Đây là một phong tục đẹp, như là dịp con cháu tỏ lòng hiếu thảo, tạ ơn các đấng sinh thành nhân dịp năm mới. Trong lễ gọi vía bắt buộc phải có một đôi gà có cả trống cả mái, một con lợn, sau lễ giết thịt gà trống bày lên cỗ cúng tết, còn để xem chân, đầu gà… để biết những điều may mắn hoặc không may trong năm mới. Qua tìm hiểu được biết, lễ tạ ơn (gọi vía) này đều có ở các dân tộc khác như Thái, Khơ mú… Nhưng khác với dân tộc Mông, lễ gọi vía của đồng bào dân tộc Khơ mú, Thái phải có thêm đĩa xôi, 2 vò rượu cần, những gia đình có điều kiện còn thêm bạc nén, vòng cổ, vòng tay, quần áo mới…, cuối lễ còn có tục buộc chỉ cổ tay.
Theo ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch xã Nậm Cắn, trong những ngày Tết cổ truyền, các bản người Mông có nhiều trò chơi như ném pao (gần giống như ném còn của người Thái) chỉ khác là quả còn hình tròn, còn quả pao hình vuông. Trong hội thi ném pao, hai bên có cá cược bằng chính vật dụng trên người như vòng tay, vòng cổ, khăn, thậm chí cả quần áo. Sau hội, cả hai bên đều rất vui nhộn, thân mật với nhau. Ngoài hội ném pao còn có thi đẩy gậy, đi cà kheo, đánh cầu lông…, Riêng trò chơi đánh cầu lông mà quả cầu tự chế khá nặng, bên thua phải mang một bó củi sau lưng (nặng khoảng 10 kg), nếu thắng lại đổi cho bên thua phải mang trong thi đấu. Nay trò chơi này đã vắng bóng bởi đã có chơi cầu lông thông thường khá phổ biến.
Trong dịp Tết, người Mông cũng thường mời nhau đến nhà và đi thăm, chúc tết các gia đình thông gia, bạn bè. Trai gái thì tổ chức hội Gầu Tào để cùng hát giao duyên, tỏ tình bằng các làn điệu Cự Xưa, Lù Tẩu… cùng thổi khèn mời bạn xa đến. Nhiều đôi trai gái nên vợ chồng nhờ hội Gầu Tào này. Do ngày nay trai gái có dịp giao lưu nhiều hơn, các hủ tục như thách cưới giảm nhiều nên tục “cướp vợ” ở người Mông Kỳ Sơn cũng không còn nữa. Cùng với xu hướng đó, việc trai gái Mông mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, tết cũng vắng dần. Lên miền Tây vào dịp lễ, tết khó gặp được thanh niên nam nữ các dân tộc ăn mặc theo phong tục truyền thống. Đây cũng là điều đáng buồn cần được ngành Văn hóa quan tâm.