(Baonghean) - "Tương Dương là một trong những huyện nghèo nhất nước, Xiêng My là một trong những xã nghèo nhất huyện, Đình Tài là bản nghèo nhất xã. Vậy, suy ra Đình Tài là một trong những bản nghèo nhất nước"- đó là lời của anh Vi Văn Tần, Bí thư Chi bộ bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương). Sau một ngày ở Đình Tài, chúng tôi nhận thấy cách suy luận ấy là hoàn toàn có cơ sở...

 

Tiết Đại hàn, đất trời chìm sâu trong các khối không khí lạnh liên tục được tăng cường, bỏ lại sự ngần ngại ban đầu, chúng tôi quyết định băng qua mưa phùn, gió bấc để lên với Xiêng My.

Đêm đầu tiên "thưởng thức" cái lạnh miền sơn cước ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), người khách lữ hành là tôi lại có thêm những trải nghiệm mới. Nơi đây, không có những cơn mưa phùn triền miên như ở miền xuôi nhưng cái rét buốt nhức phải tăng lên mấy lần. Có cảm giác như cái lạnh giá và rét buốt như vô vàn mũi kim xuyên qua từng làn áo, vào làn da rồi đi sâu đến từng thớ thịt.

Sáng dậy, phố núi Hòa Bình dường như cũng co ro vì rét, không còn vẻ tấp nập, nhộn nhịp của ngày thường. Nhờ người bạn chở ra bến xe, chuyến xe đi Xiêng My lúc này chỉ mới có một hành khách.

Sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi, đến 10h vẫn không có thêm một vị khách nào, nhà xe vẫn nổ máy và chạy theo lịch trình. Dọc đường, cũng chỉ có thêm 4 khách lên xe. Ông Ba Dân- chủ xe kiêm tài xế tỏ ra buồn bã, vì suốt chặng đường 80 km chỉ có vẻn vẹn 6 khách, chuyến này cầm chắc phần lỗ, có khi không đủ chi phí xăng dầu. Ba Dân chính là người mở tuyến xe khách Hòa Bình- Xiêng My từ gần 10 năm trước, khi Quốc lộ 48C còn đầy rẫy "ổ voi" và thường xuyên bị sạt lở, chia cắt. Vì thế, người dân các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Xiêng My (Tương Dương) và kể cả người dân Bình Chuẩn (Con Cuông) biết ơn ông. Đến nay, tuyến đường này đã có tới 7 chuyến xe khách/ngày, nhưng bà con vẫn thường chọn đi xe Ba Dân.

Quá trưa, xe dừng ở ngã ba bản Chon (Xiêng My). Từ đây vào bản Phảy- trung tâm xã khoảng 10 km với cung đường cheo leo, khúc khuỷu nên chúng tôi đành gọi điện nhờ người quen ra đón. Đêm, nghỉ chân ở bản Phảy, nơi nguồn điện lưới chưa "chảy" về, cái lạnh như quánh lại, màn đêm đậm đặc như thuở hồng hoang...


Sau một đêm say giấc, chúng tôi quyết định cuốc bộ vào Đình Tài. Men theo lối mòn chạy dọc theo dòng khe Chon, đi qua những quả đồi trơ gốc rạ, những cánh rừng chằng chịt dây leo, rồi những bãi đá lổn nhổn- vết tích của những chiếc xà lan khai thác vàng để lại, bản Đình Tài hiện ra thấp thoáng trong làn sương mờ ảo với những căn nhà lá xập xệ nhuốm màu thời gian. Có vẻ như núi rừng cũng run rẩy vì giá rét. Những đứa trẻ áo quần mong manh đang nhóm lửa sưởi ấm bên đường. Trâu bò đứng co ro, không buồn gặm cỏ. Người dân Đình Tài nhìn người khách lạ với ánh mắt dò xét.

Tìm đến nhà Bí thư Vi Văn Tần đúng lúc vợ chồng anh đi nhủi cá về. Tay chân, mặt mũi đều tái ngắt, anh nói như phân bua: "Lạnh quá, không biết làm gì nên ra suối tìm con cá về cải thiện bữa ăn. Chúng nó cũng trốn hết cả". Bếp lửa được nhóm lên, cái tê buốt của mùa Đông được xua tan dần, vợ chồng anh Tần đã thôi run rẩy. Lúc ấy, anh mới bắt đầu kể chuyện bản, chuyện làng.


Bản Đình Tài có 61 hộ với gần 230 nhân khẩu sinh sống dọc bờ khe Chon, chung quanh là những dãy núi trùng điệp tiếp giáp với địa bàn các xã Yên Thắng, Nga My (Tương Dương), Cam Lâm, Lạng Khê, Bình Chuẩn (Con Cuông) và Nam Sơn (Qùy Hợp). Nằm lặng lẽ giữa một góc rừng già, lại ở địa bàn giáp ranh nên có vẻ như bản Đình Tài đang bị "quên lãng". Bởi lẽ, thời điểm chúng tôi có mặt ở đây (ngày 11-12/1/2013), người dân Đình Tài vẫn chưa được hưởng ánh sáng nguồn điện lưới quốc gia, mặc dù hệ thống đường dây đã được lắp đặt từ khoảng 3 năm trước.

Tuyến đường từ trung tâm xã đến Đình Tài khoảng 5-7 km (đúng hơn là một lối mòn) nhưng rất đỗi gập ghềnh, chênh vênh, mùa mưa lũ thường xuyên bị lầy thụt, sạt lở và chia cắt. Đã thế, từ năm học này, do không đủ số lượng học sinh nên không thể duy trì lớp học mầm non, các em học sinh Đình Tài phải ra học tại bản Phảy. Đây thực sự là một bất cập, vì hàng ngày, các bậc phụ huynh phải vượt chặng đường gần 7 km (đa số đi bộ) cõng con em mình đến lớp, cuối buổi lại đến lớp cõng về. Điều này đã gây nên sự lãng phí về mặt thời gian, trong khi cuộc sống người dân vẫn bị cái đói, cái nghèo bám riết và còn bao nhiêu việc khác phải lo toan.


Cũng như hầu hết các bản làng vùng cao, nguồn thu nhập chính ở Đình Tài là nương rẫy và khai thác lâm sản. Nhưng với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, vẫn duy trì hình thức chọc lỗ - tra hạt từ thời cổ sơ, nương rẫy lại ngày một bạc màu nên năng suất và sản lượng đạt thấp, cái ăn vẫn đang là một mối lo lớn đối với người dân Đình Tài. Điều này được minh chứng ở tỷ lệ nghèo đói đang nằm ở mức 54/61 hộ, trong đó có những hộ thường xuyên thiếu đói 3-4 tháng/năm. Khi thóc gạo không còn, bà con lại lên rừng tìm kế sinh nhai. Nhưng một số lượng lớn diện tích rừng ở đây đã được Nhà nước khoanh nuôi, bảo vệ làm rừng phòng hộ nên việc mưu sinh hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ nghèo cái ăn, cái mặc, người dân ở đây còn nghèo cả cái chữ. Hiện tại, cả bản chỉ có 1 em theo học THPT, còn hầu hết trẻ em học xong THCS đều dừng bước để ở nhà giúp đỡ bố mẹ hoặc tìm đường đi làm ăn xa. Cuộc sống đói nghèo, trình độ dân trí thấp chính là nguyên nhân của cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của bà con người Thái ở bản Đình Tài.


Theo trí nhớ của anh Vi Văn Tần, cách đây độ khoảng 20 năm trở về trước, đang yên đang lành bỗng dưng người khắp nơi (phần nhiều ở Khe Bố- Tam Quang) về tụ tập ở Đình Tài và kéo theo "cơn lốc" ma túy. Lúc đó, thuốc phiện đang là loại chất ma túy phổ biến, trở thành thứ ma lực ghê gớm tàn phá bản làng. "Nàng tiên nâu" đã "quyến rũ" phần đông những người đàn ông ở Đình Tài, hầu hết các gia đình đều có bàn đèn và cảnh mấy bố con, anh em dùng chung một chiếc bàn đèn không phải là chuyện hiếm. Khi "cơn lốc" đi qua, bản làng vốn đã đói nghèo nay càng thêm xơ xác, để lại dư âm tiêu cực dai dẳng cho đến tận hôm nay.

Qua trao đổi, anh Vi Hải Tiến - Trưởng bản cho biết, hiện nay Đình Tài có 4 con nghiện đang đưa vào danh sách quản lý nhưng trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Tình trạng mất cắp đang trở thành chuyện thường ngày ở bản. Hễ ai sơ hở bất cứ vật gì, dù chỉ đáng giá mấy chục nghìn đồng đều "không cánh mà bay". Ngay như nhà Bí thư Tần cũng bị kẻ gian đột nhập, phá khóa tủ lấy đi 700.000 đồng. Vật dụng thường bị mất cắp nhất là niếng đồng (dụng cụ dùng để hông xôi), vì loại chất liệu này dễ tiêu thụ, giá cả lại cao. Nhà nào có con nghiện đến chơi, ngồi cạnh bếp vờ sưởi ấm, vừa chuyện trò vừa lấy chiếc dũa chà vào thành niếng để kiểm tra xem có phải được làm bằng đồng hay không, nếu là đồng thì y như rằng mấy hôm sau thế nào cũng bị... bốc hơi?!


Cũng vì đói cái ăn, thiếu cái chữ nên những năm qua ở Đình Tài đã xảy những câu chuyện đau lòng trong không ít gia đình, khiến cho tình hình an ninh trật tự thêm phần phức tạp. Chúng tôi ghé nhà ông Lô Văn Đoàn (77 tuổi) và bà Xêm Thị Mai (65 tuổi), trong cái rét căm căm, cặp vợ chồng già ấy cứ khư khư ôm cái bếp lửa. Cái nhà ông bà đang ở nằm chênh vênh bên sườn núi, cột kèo đã cũ, phên nứa đã mục nên có cảm giác chỉ cần cơn gió mạnh ập đến nó sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Đoàn cho hay: "Vợ chồng tôi thực chất là rổ rá cạp lại, đến với nhau để làm bạn trong những năm tháng cuối đời". Ông đã từng mất vợ, bà đã từng mất chồng, mỗi người có tới 10 người con, riêng bà Mai có 3 người con chết vì nghiện ma túy. Khi người bạn đời mất đi, những đứa con không lo nổi cuộc sống cho bố mẹ mình, ông Đoàn, bà Mai quyết định gá nghĩa để nương tựa vào nhau trong quãng chiều tà, xế bóng. Đã "gần đất xa trời", ông bà vẫn phải mò mẫm vào rừng phát rẫy, làm nương để tìm kế sinh nhai. "Sức yếu rồi, cái chân, cái tay không còn vững và nhanh như trước nữa nên làm được ít thôi, năm nào cũng thiếu cái ăn"- bà Mai bộc bạch. Gia cảnh đã khốn khó, ông bà còn phải gồng mình để nuôi thêm 2 đứa cháu ngoại của bà Mai. Vợ chồng chị Hà Thị Mỡ (con bà Mai) do nghèo đói mà trở nên lục đục rồi mỗi người bỏ đi một phương, để lại gánh nặng là 2 đứa con cho mẹ đẻ của mình.

788600_small_89508.jpg

                       Bà Lương Thị Minh trong căn nhà trống hoác của mình.

Cách nhà ông Đoàn không xa là ngôi nhà của bà Lương Thị Minh. Nói là nhà nhưng có thể gọi cái lán thì đúng hơn, vì xung quanh trống huơ trống hoác, những tấm gỗ, tấm phên thòi ra, thụt vào chứng tỏ từ lâu không có sự sửa sang. Bà Minh có 2 người con đã chết vì ma túy, 2 người con trai còn lại cũng đang đi làm ăn xa, hiện tại bà sống một mình dưới mái nhà tàn tạ ấy và làm bạn với những cơn gió lạnh đang thốc vào. Hàng ngày, bà vẫn phát nương, cuốc rẫy, vào rừng lấy củi để kiếm cái ăn. Có người đàn ông mất vợ ở xã Cam Lâm (Con Cuông) nhà cửa đàng hoàng, kinh tế ổn định lên rủ bà Minh về làm bạn, nhưng vì thương con, bà chấp nhận sống lặng lẽ một mình để chờ chúng trở về.


Giữa bản, có một ngôi nhà cũ kỹ, mốc thếch góp phần điểm tô cho cảnh hiu quạnh ở Đình Tài. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là chị Lô Thị Thu, người phụ nữ góa chồng, 2 đứa con thì đã lấy vợ, lấy chồng ở xa. Sống một mình và ôm nỗi cô đơn, có người đến rủ rê, chị quyết định bỏ nhà ra đi đã mấy năm nay, nghe đâu giờ đã ở tận Trung Quốc. Ngoài ra, ở Đình Tài có 2 thiếu nữ bỏ nhà ra đi, giờ cũng nghe tin đã lấy chồng ở bên kia biên giới. "Trai gái lớn lên đều tìm cách đi khỏi bản làng, nhưng lúc trở về không mang những điều tốt đẹp từ xã hội, mà toàn là những điều tiếng không hay"- Trưởng bản Vi Hải Tiến nói một cách chua chát.


Đêm ở Đình Tài, khách miền xuôi nằm nghe tiếng vọng khắc khoải của đại ngàn và tiếng rì rào của dòng nước khe Chon. Hỏi mãi về việc tìm hướng đi mới cho Đình Tài để sớm thoát khỏi cái sự quẩn quanh của đói nghèo - lạc hậu, Bí thư Vi Văn Tần vẫn trầm ngâm ra chiều nghĩ ngợi. Rồi bất chợt anh cất lời: "Trước mắt, tôi nghĩ được 3 điều: Một là Nhà nước hỗ trợ việc khai hoang ruộng nước và hướng dẫn kỹ thuật canh tác; hai là quy hoạch việc nuôi nhốt trâu bò; ba là trồng tre cao sản để lấy măng". Và trước lúc chìm vào giấc ngủ, chúng tôi vẫn nghe rõ lời anh Tần: "Nghe nói ít ngày nữa đóng điện rồi, bà con chờ đợi từ lâu lắm rồi. Hy vọng có điện, cuộc sống ở Đình Tài sẽ sáng dần lên...".


Công Kiên