Ông Trương Đình Tuyển “mách nước” để phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An
Bí thư Tỉnh ủy: Tăng trách nhiệm, tâm huyết cho phát triển miền Tây
Trong những năm vừa qua, kinh tế tỉnh nhà đã có sự phát triển ấn tượng, biểu hiện dễ thấy qua mức tăng GDP, sự thu hút đầu tư mạnh mẽ, sự hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng đồng thời với sự nâng cao rõ rệt đời sống của nhiều bộ phận nhân dân tại các khu vực ven biển, ven Quốc lộ 1A như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai và trung tâm các huyện khác.
Tuy nhiên, nếu cứ mải mê phát triển theo trục Bắc - Nam các khu vực ven biển, dọc Quốc lộ 1A có điều kiện thuận lợi hơn mà bỏ quên trục Đông Tây bao gồm các huyện miền Tây Nghệ An thì chỉ sau ít năm nữa sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây sẽ kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của tỉnh, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Do vậy, Nghị quyết 26 Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 xác định “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An thành 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp” cùng với Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2355 ngày 04/12/2013 là chủ trương tất yếu, kịp thời, hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển khu vực miền Tây Nghệ An.
Cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện những chủ trương trên, lãnh đạo tỉnh nhà cũng đã rất cầu thị khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, các cán bộ cơ sở, các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc điều tra, khảo sát thực tế của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí của Đảng bộ tỉnh, các cuộc gặp mặt trực tiếp bí thư, chủ tịch xã và các Hội thảo khoa học chuyên đề.
Ngày 19/6, qua theo dõi Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do UBND tỉnh phối hợp Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại huyện Con Cuông, chúng ta cảm nhận rõ sự tâm huyết, trăn trở của lãnh đạo tỉnh, của các chuyên gia, các nhà khoa học thông qua không khí nghiêm túc, khẩn trương của hội thảo và nội dung các tham luận, các phát biểu.
Trong bối cảnh chung như vậy, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến tới Ban tổ chức và lãnh đạo tỉnh Nghệ An về các Hội thảo khoa học chuyên đề về phát triển miền Tây Nghệ An.
1. Để phát triển được khu vực miền Tây, chúng ta cần nhiều nguồn vốn: ngân sách, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế ngay tại tỉnh nhà cho thấy, chỉ có thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài mới có thể tạo ra được sự phát triển đột phá. Tuy vậy, mặc dù Hội thảo đã mời được một số nhiều chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về chính sách, kinh tế vĩ mô, có hiểu biết sâu sắc về tỉnh Nghệ An nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng, nhưng Hội thảo chưa có sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài. Ý kiến của họ có thể sẽ khơi dậy những góc nhìn khác, tạo ra đột phá; nhất là trong bối cảnh cần hội nhập quốc tế, cần thu hút đầu tư nước ngoài cho khu vực miền Tây.
Thiết nghĩ, để thu hút đầu tư nước ngoài mà thêm góc nhìn của chuyên gia nước ngoài thì sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh việc duy trì liên hệ với các chuyên gia là các cựu lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh nên liên hệ và duy trì với các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu phát triển nước ngoài. Trước mắt có thể thông qua sự giới thiệu liên hệ của chính các nhà đầu tư nước ngoài lớn đang hiện diện tại tỉnh nhà.
2. Hội thảo chưa đặt hàng các tham luận của các nhà đầu tư Khu công nghiệp nước ngoài lớn nhất đang đầu tư ngay tại Nghệ An như VSIP (Singapore) và Hemaraj (Thái Lan). Hơn ai hết, họ đã quyết định đổ hàng ngàn tỷ đồng vào Nghệ An thì chắc chắn họ đã và đang có sẵn những nghiên cứu nội bộ có giá trị, cùng với đội ngũ chuyên gia nghiên cứu phát triển dự án dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Họ sẽ có những đánh giá khách quan tình hình và tiềm năng phát triển của tỉnh nhà, bao gồm cả khu vực miền Tây đồng thời họ hiểu rõ và sẽ bày tỏ những mong muốn mà các nhà đầu tư nước ngoài cần khi quyết định đầu tư vào miền Tây.
3. Chúng tôi chia sẻ ý kiến của ông Trương Đình Tuyển: “Cần thoát khỏi cách suy nghĩ cố hữu về hoạt động sản xuất nông nghiệp, phải xác định nông nghiệp là ngành công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm”. Đã là ngành công nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm thì bên cạnh việc quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu thì việc quy hoạch, xây dựng các nhà máy sản xuất là yêu cầu tất yếu. Trong khi đó, Hội thảo chưa nhắc nhiều đến phát triển các Khu công nghiệp cỡ lớn (trên 1.000 ha), tạo hạ tầng cho các nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, khoáng sản.
Thực tế đã cho thấy, nếu chỉ phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, các nhà máy lẻ thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp đồng bộ, phòng, chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành. Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp lớn là cơ sở quan trọng để thu hút các nhà đầu tư Khu công nghiệp nước ngoài lớn rồi thông qua họ sẽ thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp như thực tế đang xảy ra tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An và Khu công nghiệp Hemaraj.
4. Trong Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Nghệ An lần thứ 10 tháng 3/2018, lãnh đạo tỉnh cũng như nhiều chuyên gia, nhiều nhà đầu tư đã thống nhất rằng: hệ thống logistics là nút thắt quan trọng cần tháo gỡ trong phát triển công nghiệp tại Nghệ An, và tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh đầu tư công cũng như thu hút đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, Hội thảo chưa có sự tham gia của các chuyên gia và chưa đề cập nhiều đến mảng quan trọng logistics này. Trong khi đó, với khoảng cách hơn 200km từ cực Tây Nghệ An xuống thành phố Vinh, cảng Cửa Lò, sân bay Vinh, nếu hệ thống kết nối logistics không phát triển đầy đủ, đồng bộ thì cho dù đầu tư lớn thì miền Tây vẫn sẽ bị tách rời khỏi sự phát triển công nghiệp chung của tỉnh.