Ở nước ta khi tuyển người vào các vị trí quan trọng, do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp mà không qua thực học, thực tài. Tri thức xã hội không giàu lên, trái lại đạo học có nguy cơ suy vong, khan hiếm nhân tài đích thực.

Trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở. Vì thế, nếu chỉ biết học vẹt mà chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá.

Môi trường cho người tài là môi trường không phải chỉ cho một vài người đến đích. Đó là môi trường bình đẳng, độc lập. Ở đó, mỗi người làm việc theo đúng chuyên môn của họ.  Rất nhiều người thật sự có khả năng nhưng chưa có môi trường để phát huy phẩm chất của mình.

Có một môi trường tốt thì nhân tài mới nảy nở,  nên phải đưa ra được các tiêu chí và tổ chức đánh giá cho đúng thế nào là nhân tài, người tài. Việc đánh giá chất lượng đối với lao động thuộc dạng tay nghề, kỹ năng thì tương đối dễ hơn vì tiêu chí rõ ràng, nhưng để đánh giá lao động có hàm lượng chất xám cao thì quả là rất khó. Điều này có thể lý giải cho thực trạng đáng buồn của chúng ta trong thời gian qua không hiếm trường hợp vàng thau lẫn lộn.


Hồng Dung