Trong dịp bình bầu danh hiệu Gia đình văn hoá năm 2010 ở xóm Đ.T, ông N.V.T vốn là hộ nghèo đã có nhiều cố gắng trong làm ăn, xây dựng gia đình, tổ dân cư đề nghị gia đình ông đã thoát nghèo và đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá. Ông N.V.T vội vã dơ tay phát biểu: "Cảm ơn bà con, tôi không nhận là gia đình văn hoá, tôi xin được nhận hộ nghèo thôi". Cả cuộc họp cười ầm lên. Cuối cùng vẫn xếp gia đình ông N.V.T là hộ nghèo?!.

Có lẽ, ở một số xóm làng khác cũng có tình hình tương tự. Lý do thì cũng rất rõ ràng. Đạt Gia đình văn hoá là có "cái tiếng", còn hộ nghèo thì được cái "miếng", nào con cái đi học được cấp học phí, nào người trong nhà đi khám chữa bệnh được giảm hoặc miễn viện phí, nào ngày Tết được cấp trên hỗ trợ tiền, gạo.v.v... Thôi thì "hy sinh cái tiếng" đề có cái "miếng" là hơn!

Từ câu chuyện có thật nơi xóm làng, có thể rút ra mấy vấn đề:

1- Đã là hộ nghèo thì dứt khoát không thể là Gia đình văn hoá. Vì cái văn hoá đầu tiên là phải phấn đấu xoá nghèo, coi đói nghèo là trái với lẽ sống trong thời đại ngày nay của mỗi người dân dưới chế độ ta.

2- Cũng không hay gì phải nhận là hộ nghèo, và quả thực một số không ít gia đình tuy có đỡ nghèo nhưng trong cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Việc giúp đỡ những gia đình nghèo và cận nghèo đang là một nhiệm vụ lớn, nặng nề và lâu dài. Chưa thể thoả mãn với những thành tích đã đạt được vừa qua. Các cấp lãnh đạo, Mặt trận và các đoàn thể, những nhà hảo tâm cần rất thực tế vì người lao động và người nghèo bao giờ cũng rất thực dụng.

3- Quả là đang còn nghèo, thì không ai dại gì "bỏ" hộ nghèo để nhận Gia đình văn hoá. Nhưng để đạt được gia đình văn hoá cũng là sự phấn đấu lớn, vượt qua nhiều khó khăn. Coi thường hoặc hạ thấp tiêu chuẩn Gia đình văn hoá, chạy theo tỷ lệ một cách đơn thuần để có nhiều Gia đình văn hoá với tỷ lệ năm sau phải cao hơn năm trước, dễ chừng chúng ta sẽ rơi vào khuynh hướng hình thức, thì phong trào nơi đó khó phát triển bền vững!


Đỗ Văn