Suốt 60 năm qua, từ khi Liên Xô cũ và ngày nay là các nước SNG có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các nước này đã đào tạo cho nước ta hàng ngàn tiến sỹ, hàng vạn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, trong đó có rất nhiều người con xứ Nghệ.
  
Năm 1957, Liên Xô chủ trì thành lập Viện Nghiên cứu nguyên tử Đupna để các nước XHCN hợp tác nghiên cứu, cố Giáo sư Nguyễn Đinh Tứ (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị) là một trong ba người đầu tiên của Việt Nam đã nghiên cứu ở đây. Viện Đupna đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ khoa học, trong số đó có nhiều người xứ Nghệ, như Giáo sư - Viện sỹ Đào Vọng Đức, Giáo sư- Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Thị Hồng (vợ Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu) và nhiều cán bộ trẻ khác.

763396_small_58985.jpgBộ đội Lữ đoàn Tăng thiết giáp H15 với báo Nghệ An. Ảnh: Phan Văn Toàn

Trong những năm 50, 60, 70 của thế kỷ XX, nhiều trí thức xứ Nghệ đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và tiến sỹ khoa học ở Liên Xô, họ trở thành các nhà khoa học có tên tuổi như Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Cảnh Toàn; các ngành Ngữ văn có Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Tài Cẩn - người được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Ngôn ngữ học, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đức Nam, Tiến sỹ Tôn Gia Ngân, Giáo sư- Tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến... Về các ngành Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật, có Giáo sư - Tiến sỹ Hoá học Nguyễn Tinh Dung, Giáo sư - Tiến sỹ Sinh học Nguyễn Như Hiền, Giáo sư -Tiến sỹ Động vật học Thái Trần Bái, Tiến sỹ Cơ khí Nông nghiệp Phan Lê...

Trong 50 năm qua, Trường Đại học Vinh đã có 6 vị Hiệu trưởng, trừ Giáo sư Nguyễn Thúc Hào và Phó Giáo sư Lê Hoài Nam còn 4 vị về sau đều bảo vệ tiến sỹ ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Nhiều cán bộ cốt cán ở các Trường CĐSP  Nghệ-Tĩnh cũng được đào tạo tại Liên Xô như Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Lê Văn Đệ, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đào Xuân Hợi, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Hà Tĩnh. Các nước thuộc Liên Xô cũ đã đào tạo cho Việt Nam đủ các loại chuyên gia từ Chính trị, Quân sự đến Kinh tế, Khoa học, Giáo dục. Khó mà kể hết !

Nghệ-Tĩnh là vùng tự do trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, có các trường trung học, có các lớp dự bị đại học và đại học nên xứ Nghệ có nhiều học sinh có trình độ, do đó sau khi biên giới ở Cao-Bắc-Lạng được giải phóng (1950), nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc, nước ta đã mở khu học xá Trung ương ở Nam Ninh để đào tạo giáo viên có trình độ sơ cấp và trung cấp Sư phạm. Ngoài ra, còn có các lớp đại học như Sư phạm cao cấp và Khoa học cơ bản, ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Trung.

Ở khu học xá, đã có phong trào học tiếng Nga và dùng sách báo tiếng Nga, nhiều trí thức xứ Nghệ đã trưởng thành ở đây như Giáo sư - Tiến sỹ Võ Quý, Giáo sư Đặng Văn Viện, Nguyễn Văn Tiêu - nguyên Giám đốc Công ty thiết bị trường học Trung ương và các nhà giáo lão thành như Lê Hải Châu, Lưu Văn Tạo...

Những năm 70, 80, 90 của thế kỷ XX, học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi Quốc tế về Toán và Vật lý, đã đạt được các huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Cũng nhờ giáo viên đã khai thác tạp chí Toán - Lý giành cho học sinh trung học của Viện Hàn lâm khoa học và Viện Hàn lâm Sư phạm Liên Xô mà kiến thức được trau dồi mới mẻ.

Ngày nay, Liên Xô không còn nữa nhưng quan hệ giữa các nước thuộc Liên Xô cũ với Việt Nam vẫn rất tốt đẹp. Chúng ta cảm ơn Cách mạng tháng Mười, nhờ Liên Xô chiến thắng phát xít, tạo điều kiện để Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, rồi đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Các trường đại học và các viện nghiên cứu của Liên Xô đã góp phần đắc lực đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ trí thức đông đảo và có chất lượng.

Tình cảm giữa những người Xô Viết và người Việt Nam, trong đó có đội ngũ tri thức, đã in sâu vào tâm khảm. Đúng như Thủ tướng Putin (khi làm Tổng thống Nga) đã nói: "Nếu không nhớ đến thời kỳ Xô Viết, thì không có cái Tâm (trái tim), nếu xây dựng xã hội như thời ấy thì thiếu cái Trí (bộ óc)". Cảm ơn Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo điều kiện cho dân tộc Việt Nam làm nên những trang sử vàng chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh !
Nguyễn Đình Noãn