Ngày 20/10/2007, trong khi đi đào quặng thiếc, anh Lô Văn Kiều (ở bản Nhọi, xã Châu Cường) đã phát hiện một số cổ vật ở trên núi cao: Đó là núi Cơ Đoi (ở địa phận xã Châu Cường). Núi Cơ Đoi thuộc dãy Pù Khạng, có độ cao 1.050 m so với mặt nước biển. Địa điểm phát hiện cổ vật, theo bản đồ địa chất khu vực, có độ cao 800 m so với mặt nước biển. Anh Kiều cho biết cổ vật tự "lộ" ra sau những cơn mưa to vừa qua, ngay cạnh bờ dốc dựng đứng của một khe nước cạn dẫn từ trên cao xuống. Cổ vật phát hiện được bao gồm: 1 chiếc mò nừng (dụng cụ dùng để tạo hơi hông xôi của người Thái, nay vẫn còn nhiều người sử dụng) làm bằng đồng thau; 1 cái chiêng không núm bằng đồng thau; 1 nồi to bằng đồng thau (kiểu nồi dùng để ủ nước chàm nhuộm vải của người Thái ngày xưa) và một cái chiêng nhỏ cũng bằng đồng thau (xem ảnh). Đặc biệt ở chiếc mò sừng có chứa tới 13 kg tiền đồng cổ. Đó là những đồng tiền có lỗ hình vuông ở giữa, trên cả hai mặt vẫn rõ những hình chữ đúc nổi rất đẹp. Được biết là trên dãy núi Cơ Đoi, từ xưa tới nay không có người sinh sống, bởi đó là vùng núi cao, dốc đá, âm u, đầy thú dữ và không có nước thường xuyên. Những năm gần đây, do phát hiện có quặng thiếc nên đồng bào mới lên Cơ Đoi để khai thác tận thu quặng thiếc. Tuy nhiên, những cổ vật phát hiện được thường không ở lâu trong nhà của đồng bào. Người ta quan niệm những cổ vật ấy là "hóng khuống", nghĩa là của người xưa, có thần linh, ma quỷ canh giữ, bởi thế mà đồng bào thường tìm cách bán đi, đôi khi chỉ bán lại cho những người mua đồng nát với giá rẻ mạt.
Phát hiện cổ vật trên núi cao ở Quỳ Hợp
Bài, ảnh: Thái Tâm